Rút kinh nghiệm để thực hiện hiệu quả chính sách
Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 143/NQ-CP về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để khẩn trương khắc phục hậu quả bão số 3 (Yagi), nhanh chóng ổn định tình hình Nhân dân, đẩy mạnh khôi phục sản xuất, kinh doanh, tích cực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, kiểm soát tốt lạm phát.
Theo đó, Chính phủ đề ra 6 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để khẩn trương khắc phục hậu quả bão số 3. Phạm vi, đối tượng hỗ trợ là người dân, người lao động, người yếu thế, hộ kinh doanh, HTX, doanh nghiệp tại các địa bàn bị ảnh hưởng bởi bão số 3, ngập lụt, lũ, sạt lở đất. Thời gian hỗ trợ trong tháng 9, 10/2024; một số chính sách hỗ trợ hộ kinh doanh, doanh nghiệp có thể kéo dài, bổ sung nguồn lực thực hiện đến hết năm 2025.
Một trong những quan điểm mà Chính phủ đưa ra là, chính sách, giải pháp hỗ trợ phải nhanh, khả thi, kịp thời, hiệu quả, có trọng tâm, trọng điểm, trực tiếp vào các đối tượng bị ảnh hưởng; trình tự, thủ tục, điều kiện thụ hưởng đơn giản, dễ thực hiện, dễ kiểm tra, giám sát, đánh giá.
Đây là chính sách hết sức kịp thời, nhân văn, thiết thực, nhằm nhanh chóng tái thiết những địa bàn vùng lũ, góp phần ổn định đời sống, kinh tế vĩ mô.
Tuy nhiên, một chính sách thiết thực sẽ còn phát huy hiệu quả cao hơn nếu như việc triển khai cũng kịp thời, đảm bảo đúng đối tượng, tuân thủ quy định. Nhất là việc quản lý, phân bổ được thực hiện một cách hợp lý, hiệu quả, chống thất thoát, lãng phí, tiêu cực, trục lợi chính sách, lợi ích nhóm, bảo đảm công khai, minh bạch.
Chúng ta đã có những bài học trong việc triển khai thực hiện chính sách, gần nhất là việc triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp ứng phó với dịch COVID-19. Dù việc ban hành chính sách này rất kịp thời, nhưng trong triển khai có nơi, có lúc còn lúng túng, chưa thống nhất, bị động. Việc chỉ đạo thực hiện một số biện pháp cụ thể có lúc nóng vội, thiếu nhất quán. Nhất là, việc xác định đối tượng và thực hiện chi trả gặp những khó khăn, dẫn đến ít nhiều có việc khai khống để trục lợi chính sách...
Sau dịch họa, thiên tai luôn đặt ra những vấn đề phức tạp, trong đó một bộ phận không từ thủ đoạn để tư lợi. Rút kinh nghiệm từ những tồn tại, vướng mắc như đã gặp phải trong triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp ứng phó với dịch COVID-19, để tăng cường kiểm tra, giám sát, nhất là giám sát từ cộng đồng, chúng ta sẽ sớm đạt được mục tiêu đề ra trong khắc phục hậu quả bão số 3.
Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/rut-kinh-nghiem-de-thuc-hien-hieu-qua-chinh-sach-225304.htm