Rút kinh nghiệm về công tác kháng nghị án hình sự, dân sự, hành chính trong ngành Kiểm sát nhân dân

Sáng nay (22/6), VKSND tối cao đã tổ chức Hội nghị 'Rút kinh nghiệm về công tác kháng nghị án hình sự, dân sự, hành chính' trong ngành Kiểm sát nhân dân. Đồng chí Nguyễn Quang Dũng, Phó Viện trưởng VKSND tối cao và đồng chí Nguyễn Duy Giảng, Phó Viện trưởng VKSND tối cao dự và chủ trì Hội nghị.

Tham dự Hội nghị có các đồng chí Kiểm sát viên VKSND tối cao; lãnh đạo Vụ, Kiểm sát viên, Kiểm tra viên, công chức làm công tác nghiệp vụ một số đơn vị thuộc VKSND tối cao; các VKSND cấp cao, VKSND cấp tỉnh, VKSND cấp huyện, Viện kiểm sát (VKS) quân sự cấp quân khu, VKS quân sự khu vực…

Hội nghị được tổ chức bằng hình thức trực tiếp tại trụ sở VKSND tối cao và trực tuyến (kết nối điểm cầu VKSND tối cao đến các điểm cầu trong toàn Ngành).

Tại Hội nghị, lãnh đạo Vụ Thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử hình sự (Vụ 7), VKSND tối cao trình bày báo cáo chuyên đề: Công tác kháng nghị trong lĩnh vực kiểm sát xét xử án hình sự - Những vấn đề cần rút kinh nghiệm.

 Lãnh đạo VKSND tối cao và các đại biểu dự Hội nghị.

Lãnh đạo VKSND tối cao và các đại biểu dự Hội nghị.

Lãnh đạo Vụ kiểm sát việc giải quyết các vụ việc dân sự, hôn nhân và gia đình (Vụ 9), VKSND tối cao trình bày báo cáo chuyên đề: Công tác kháng nghị trong lĩnh vực kiểm sát việc giải quyết các vụ việc dân sự, hôn nhân và gia đình - Những vấn đề cần rút kinh nghiệm.

Lãnh đạo Vụ Kiểm sát việc giải quyết các vụ án hành chính, vụ việc kinh doanh thương mại, lao động và những việc khác theo quy định của pháp luật (Vụ 10), VKSND tối cao trình bày báo cáo chuyên đề: Công tác kháng nghị trong lĩnh vực kiểm sát việc giải quyết các vụ án hành chính, thương mại, lao động - Những vấn đề cần rút kinh nghiệm.

 Đồng chí Lại Viết Quang, Vụ trưởng Vụ 7 phát biểu, trình bày báo cáo chuyên đề tại Hội nghị.

Đồng chí Lại Viết Quang, Vụ trưởng Vụ 7 phát biểu, trình bày báo cáo chuyên đề tại Hội nghị.

Theo đánh giá, trong những năm qua, lãnh đạo VKSND tối cao luôn quan tâm đến khâu công tác kháng nghị, coi đây là một trong những khâu công tác trọng tâm, đột phá, trong đó tập trung chú trọng công tác kháng nghị phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm. VKSND các cấp đã thực hiện quyền kháng nghị theo đúng quy định của Luật tổ chức VKSND, các quy định của pháp luật và các quy chế, quy định của Ngành…; đồng thời, VKS các cấp đã tăng cường công tác kiểm sát bản án, quyết định của Tòa án, qua đó đã phát hiện được nhiều vi phạm của Tòa án và kịp thời ban hành kháng nghị.

Nhìn chung, chất lượng công tác kháng nghị đều bảo đảm tính có căn cứ, đúng pháp luật, các kháng nghị đã phát hiện đúng vi phạm, viện dẫn đầy đủ căn cứ pháp luật. Các kháng nghị đều đánh giá đúng tính chất vi phạm của Tòa án và các cơ quan hữu quan. Phương pháp lập luận, đánh giá chứng cứ và dẫn chiếu các quy định pháp luật làm căn cứ cho việc kháng nghị cơ bản chặt chẽ và thuyết phục. Kháng nghị của VKS cấp dưới hầu hết được VKS cấp trên thống nhất quan điểm và bảo vệ kháng nghị. Một số vụ việc Tòa án cấp phúc thẩm không chấp nhận kháng nghị, VKS cấp trên tiếp tục kháng nghị và đã được TAND tối cao chấp nhận.

 Đồng chí Phạm Hoàng Diệu Linh, Phó Vụ trưởng Vụ 9 trình bày chuyên đề tại Hội nghị.

Đồng chí Phạm Hoàng Diệu Linh, Phó Vụ trưởng Vụ 9 trình bày chuyên đề tại Hội nghị.

Đáng chú ý, ngày 11/5/2023, Ban cán sự Đảng TAND tối cao và Ban Cán sự Đảng VKSND tối cao đã ban hành Nghị quyết liên tịch về việc tăng cường công tác phối hợp lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện chức năng, nhiệm vụ, trong đó, đã giải quyết được rất nhiều vấn đề còn thiếu sót, hạn chế trong công tác phối hợp giữa hai cơ quan như: Việc rà soát, phân loại và tiến độ giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm còn chậm, việc khai thác, trao đổi thông tin giữa hai cơ quan, việc thống nhất áp dụng pháp luật còn hạn chế....

Thông qua công tác kháng nghị, VKS các cấp đã góp phần khắc phục các vi phạm, thiếu sót của các cơ quan tố tụng trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử các vụ án hình sự, bảo đảm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức, tránh oan sai, bỏ lọt tội phạm. Cũng qua đó, phát huy được vai trò, vị thế của Ngành là cơ quan kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong hoạt động tư pháp, tăng cường lòng tin của nhân dân vào hoạt động của VKSND.

Tuy nhiên, theo VKSND tối cao, công tác kháng nghị thời gian qua vẫn còn một số hạn chế, thiếu sót như: Việc kiểm sát bản án, quyết định của Tòa án ở một số địa phương hiệu quả còn thấp; chưa phát hiện được hết vi phạm trong bản án, quyết định của Tòa án, đặc biệt là vi phạm về nội dung để thực hiện quyền kháng nghị.

 Đồng chí Lê Tiến, Vụ trưởng Vụ 10 trình bày chuyên đề tại Hội nghị.

Đồng chí Lê Tiến, Vụ trưởng Vụ 10 trình bày chuyên đề tại Hội nghị.

Ở một số VKS địa phương, số lượng kháng nghị phúc thẩm có xu hướng giảm và thấp hơn nhiều so với số bản án, quyết định bị Tòa án cấp phúc thẩm tuyên hủy án, sửa án; một số VKS trong kỳ không phát hiện được vi phạm của Tòa án để kháng nghị.

Chất lượng kháng nghị của một số VKS chưa đạt yêu cầu; còn trường hợp phải rút kháng nghị hoặc không được HĐXX chấp nhận kháng nghị. Báo cáo đề nghị kháng nghị phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm một số trường hợp còn chậm, dẫn đến VKS cấp trên không đủ thời gian rút hồ sơ vụ án, nghiên cứu kháng nghị, dù bản án, quyết định có vi phạm. Một số VKS cấp dưới chưa gửi đầy đủ, kịp thời phiếu kiểm sát bản án, quyết định cho VKS cấp trên để thực hiện thẩm quyền kháng nghị…

Hội nghị cũng nghe một số đơn vị, VKSND địa phương trình bày tham luận; đồng thời nghe lãnh đạo Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học (Vụ 14), VKSND tối cao giải đáp một số vướng mắc liên quan đến công tác kháng nghị án hình sự, dân sự, hành chính.

 Các điểm cầu tại Hội nghị.

Các điểm cầu tại Hội nghị.

Phát biểu chỉ đạo, kết luận Hội nghị, đồng chí Nguyễn Quang Dũng, Phó Viện trưởng VKSND tối cao nêu rõ, sau một buổi sáng tổ chức, Hội nghị “Rút kinh nghiệm về công tác kháng nghị án hình sự, dân sự, hành chính” đã hoàn thành nội dung, đạt yêu cầu và mục đích đề ra.

Đánh giá cao công tác phối hợp chuẩn bị Hội nghị của các đơn vị như Vụ 7, Vụ 9, Vụ 10, Vụ 14 và các đơn vị liên quan cũng như chất lượng nội dung các báo cáo chuyên đề và tham luận trình bày tại Hội nghị, đồng chí Phó Viện trưởng VKSND tối cao Nguyễn Quang Dũng đã điểm lại những kết quả đạt được cũng như những mặt còn tồn tại, hạn chế trong công tác kháng nghị phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm của ngành Kiểm sát nhân dân thời gian qua.

Theo đó, thời gian qua, toàn ngành Kiểm sát đã quán triệt thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các Chỉ thị công tác của Viện trưởng VKSND tối cao về tăng cường công tác kháng nghị phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm trong từng lĩnh vực hình sự, dân sự, hành chính như Chỉ thị số 08/CT-VKSTC ngày 6/4/2016; Chỉ thị số 07/CT-VKSTC ngày 6/8/2021, Chỉ thị số 05/CT-VKSTC ngày 18/10/2022...

 Vụ trưởng Vụ 14, VKSND tối cao Hoàng Thị Quỳnh Chi giải đáp một số vướng mắc liên quan đến công tác kháng nghị.

Vụ trưởng Vụ 14, VKSND tối cao Hoàng Thị Quỳnh Chi giải đáp một số vướng mắc liên quan đến công tác kháng nghị.

VKSND các cấp đã thực hiện tốt công tác kiểm sát bản án, quyết định của Tòa án, kịp thời phát hiện nhiều vi phạm, ban hành nhiều kháng nghị yêu cầu Tòa án khắc phục vi phạm được Tòa án chấp nhận, bảo đảm việc giải quyết vụ án hình sự, hành chính, vụ việc dân sự của Tòa án đúng quy định của pháp luật. Các quyết định kháng nghị về cơ bản bảo đảm nội dung, hình thức, có căn cứ lập luận chặt chẽ, chỉ rõ được vi phạm để kháng nghị. Kết quả công tác kháng nghị của VKS các cấp đã góp phần quan trọng bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, cơ quan, tổ chức.

Tuy nhiên bên cạnh kết quả đạt được, công tác kháng nghị hiện nay vẫn còn một số hạn chế, thiếu sót như: Một số vi phạm của Tòa án chưa được VKS phát hiện để thực hiện quyền kháng nghị, chất lượng kháng nghị của một số Viện kiểm sát chưa đạt yêu cầu, tỉ lệ bản án, quyết định của Tòa án bị cấp trên hủy sửa mà không có kháng nghị của VKS còn ở mức cao...

Với tầm quan trọng của công tác này, đồng chí Nguyễn Quang Dũng khẳng định, việc tổ chức Hội nghị nhằm phát huy những kết quả đạt được; khắc phục những hạn chế, thiếu sót và tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác kháng nghị của VKSND theo quy định của pháp luật trong lĩnh vực hình sự, dân sự, hành chính; bảo đảm thực hiện tốt yêu cầu về chỉ tiêu, về công tác kháng nghị theo Nghị quyết số 96/2019/QH14 ngày 27/11/2019 của Quốc hội và Hệ thống chỉ tiêu cơ bản đánh giá kết quả công tác nghiệp vụ trong ngành KSND.

 Đồng chí Nguyễn Quang Dũng, Phó Viện trưởng VKSND tối cao phát biểu chỉ đạo, kết luận Hội nghị.

Đồng chí Nguyễn Quang Dũng, Phó Viện trưởng VKSND tối cao phát biểu chỉ đạo, kết luận Hội nghị.

Cho rằng, những nội dung được trình bày tại Hội nghị có ý nghĩa quan trọng, đồng chí Phó Viện trưởng VKSND tối cao Nguyễn Quang Dũng yêu cầu thời gian tới, lãnh đạo Viện kiểm sát các cấp cần tiếp tục tăng cường chỉ đạo, chỉ đạo, điều hành trong công tác kháng nghị và quán triệt cho cán bộ, Kiểm sát viên nhận thức đầy đủ quyền kháng nghị theo Luật tổ chức VKSND và Bộ luật Tố tụng hình sự, Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Tố tụng hành chính và các văn bản có liên quan; các Chỉ thị của Viện trưởng VKSND tối cao.

Cùng với đó là nâng cao nhận thức, trách nhiệm của Kiểm sát viên; đào tạo, bồi dưỡng, rèn luyện kỹ năng nghiệp vụ, bản lĩnh cho đội ngũ cán bộ, Kiểm sát viên khi thực hiện nhiệm vụ được giao; đồng thời có sự phối hợp tốt giữa VKS cấp trên và VKS cấp dưới, phối hợp giữa Tòa án và VKS.

Đồng chí Phó Viện trưởng VKSND tối cao Nguyễn Quang Dũng đề nghị, sau Hội nghị, Vụ 7 chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan tập hợp ý kiến phát biểu tham luận, các báo cáo chuyên đề, nội dung giải đáp, vướng mắc để hoàn thiện nội dung tài liệu và thông báo đến các đơn vị, Viện kiểm sát trong toàn Ngành nghiên cứu, vận dụng trong thực tiễn.

Đắc Thái

Nguồn BVPL: https://baovephapluat.vn/kiem-sat-24h/ban-tin-kiem-sat/rut-kinh-nghiem-ve-cong-tac-khang-nghi-an-hinh-su-dan-su-hanh-chinh-trong-nganh-kiem-sat-nhan-dan-141824.html