Rút ngắn khoảng cách nhờ học hỏi kinh nghiệm quốc tế

Để biến điện ảnh thành một ngành quan trọng trong công nghiệp văn hóa, có giá trị kinh tế cao, xuất khẩu ra thế giới, nhiều quốc gia đã thực hiện chiến lược mang tính cách mạng. Và họ đã tạo ra những thương hiệu điện ảnh mang tầm quốc tế rất đáng để học tập.

Niềm vui của ê kíp làm phim Ký sinh trùng (Hàn Quốc) khi nhận giải Oscar.

Kinh nghiệm từ điện ảnh Hàn Quốc

Khi bộ phim Ký sinh trùng (Parasite) của điện ảnh Hàn Quốc giành chiến thắng ngoạn mục tại lễ trao giải thưởng Oscar năm 2020 với 4 giải thưởng, trong đó có 2 hạng mục quan trọng là Phim hay nhất và Đạo diễn xuất sắc nhất, thế giới đã thực sự phải “ngả mũ” trước thành quả của điện ảnh Hàn Quốc. Trước đó, Hàn Quốc đã nổi tiếng là quốc gia thực hiện thành công cuộc cách mạng trong lĩnh vực điện ảnh.

Tại một hội thảo về điện ảnh gần đây, trong tham luận “Quảng bá thương hiệu quốc gia liên hoan phim Việt Nam”, tác giả Hoàng Thu Thủy và Nguyễn Minh Tiệp nhận định: “Trong khu vực, điện ảnh Hàn Quốc là một ví dụ điển hình. Người ta thấy việc tháo gỡ các nút thắt trong chính sách một cách có hệ thống từ nhà nước là một trong những kết quả mấu chốt làm cho điện ảnh Hàn “mở mày mở mặt” với thế giới. Một trong số những nguyên nhân khiến cho điện ảnh xứ Hàn “đánh đông dẹp bắc” và đạt được những giải thưởng điện ảnh danh giá chính là do nó có cả một bệ đỡ chắc chắn, chặt chẽ, thống nhất từ trên xuống. Chặng đường đi đến đỉnh vinh quang này của người Hàn không phải một sớm một chiều có được, mà nó được xuất phát từ cả một chiến lược phát triển văn hóa quy mô quốc gia, nơi nhà nước đóng vai trò chủ đạo trong việc tạo mọi điều kiện và cơ hội cho những nhà làm phim độc lập, những nhà sản xuất, những diễn viên, những tài năng điện ảnh… phát triển và tận dụng hết được năng lực của họ”.

Việc Hàn Quốc dồn lực cho điện ảnh có thể đo đếm rất cụ thể bằng số lượng các quỹ hoạt động trong lĩnh vực này. Các tập đoàn lớn, đầu tư mạo hiểm và chính phủ đều giữ vai trò quan trọng trong việc tài trợ, sản xuất, phân phối và chiếu phim cho người xem địa phương. Từ năm 1998 đến cuối năm 2005, ngành công nghiệp điện ảnh Hàn Quốc đã chứng kiến sự ra mắt của 48 quỹ với tổng trị giá 535 triệu USD. Hầu hết các quỹ có thời hạn hoạt động 5 - 6 năm và dành 50 - 70% số vốn để tài trợ cho việc làm phim.

Không chỉ giành lại thị phần trong nước từ các ông lớn Hollywood, các tác phẩm điện ảnh giàu tính bản địa, hợp gu quốc tế của Hàn Quốc còn chinh phục thị trường nước ngoài. Từ năm 2013 đến năm 2018, giá trị xuất khẩu phim Hàn Quốc tăng từ 37,7 triệu USD lên 41,61 triệu USD. Điện ảnh Hàn Quốc bán kịch bản cho nhiều quốc gia, kể cả Hollywood. Ngoài giá trị kinh tế, việc thắng lớn tại các liên hoan phim (LHP) danh giá là bằng chứng cho thấy điện ảnh Hàn Quốc có bước tiến nhanh và vững chắc. Các nhà làm phim Hàn tên tuổi như Park Chan Wook, Kim Jae Won, Bong Joon Ho… được chào đón nồng nhiệt ở cả “kinh đô điện ảnh” Hollywood.

Cơ hội từ các liên hoan phim

Thế giới có khá nhiều mô hình thúc đẩy xuất khẩu điện ảnh mà Việt Nam có thể học tập. Có thể kể đến các LHP lớn trên thế giới, đó không chỉ là nơi tôn vinh tác phẩm xuất sắc mà còn là nơi tìm kiếm cơ hội đầu tư, mua bán ý tưởng, kịch bản phim...

Với các nhà làm phim trẻ, đặc biệt là các nhà làm phim độc lập, các LHP là cơ hội quảng bá tác phẩm nhằm mở đường đưa tác phẩm đến gần hơn với công chúng. Việc ngày càng có nhiều bộ phim Việt của các nhà làm phim trẻ tìm đường đến với các LHP trước khi trình chiếu trong nước đã chứng tỏ tính hiệu quả của phần việc này. Tham dự các LHP phù hợp giúp nhà làm phim dễ dàng tiếp cận cộng đồng mà mình hướng đến, có cơ hội gặp gỡ người mua tiềm năng. Hiện có hơn 5.000 LHP trên toàn thế giới, các nhà làm phim cần có chiến lược cụ thể để đưa phim của mình đến LHP phù hợp. Trong đó có một số LHP quan trọng, được coi là điểm đến mơ ước của tất cả các nhà làm phim, như: Cannes, Toronto, Sundance, Berlin, Rotterdam và Venice. “Số thu” từ các LHP này rất đáng để mơ ước. Chẳng hạn, LHP Toronto mỗi năm trình chiếu hàng trăm bộ phim với số lượng khách tham dự khoảng nửa triệu người, trong đó có hàng nghìn người là các nhân vật trong làng điện ảnh và các nhà đầu tư. Từ năm 1998, LHP này đã được đánh giá “là nơi thứ hai sau Cannes có hoạt động quảng bá nhộn nhịp nhất”.

Rõ ràng, trong các ngành công nghiệp văn hóa, điện ảnh là một ngành quan trọng có nhiều lợi thế. Và không chỉ có ý nghĩa kinh tế, quảng bá văn hóa qua điện ảnh còn là công cụ của ngoại giao văn hóa, giúp tăng cường sức mạnh mềm trong sức mạnh tổng thể của một quốc gia. Bài toán đặt ra với điện ảnh Việt Nam là làm thế nào để tận dụng những bài học thành công của thế giới để rút ngắn khoảng cách tới đích của mình.

Quang Huy

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/van-hoa/985782/rut-ngan-khoang-cach-nho-hoc-hoi-kinh-nghiem-quoc-te