Rút quân khỏi Syria: Bước lùi trong chính sách Trung Đông của Mỹ
Quyết định của Mỹ rút quân khỏi miền Bắc Syria được cho là một bước lùi của ông Trump trong chính sách Trung Đông.
Kể từ khi lên nắm quyền đầu năm 2017, không chỉ riêng việc rút quân khỏi miền Bắc Syria mà Tổng thống Donald Trump còn thực hiện nhiều bước đi gây tranh cãi, đảo ngược nhiều chính sách đối ngoại của Mỹ đối với khu vực Trung Đông so với các chính quyền tiền nhiệm. Một loạt diễn biến tại Trung Đông thời gian qua đang tác động và làm sa sút sức mạnh và ảnh hưởng địa - chính trị của Mỹ ở khu vực này.
Giới phân tích nhận định quyết định của Mỹ rút lực lượng ra khỏi miền bắc Syria có nguy cơ phá hủy hầu hết các mục tiêu mà Washington đã thiết lập tại Trung Đông. Trước hết, quyết định này khiến đồng minh người Kurd của Mỹ dễ bị tổn thương sau chiến dịch quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ. Tiếp theo, nó được đưa ra trong thời điểm tàn quân IS đang tái cơ cấu và bắt đầu trỗi dậy. IS được hình thành từ một “khoảng trống” đó là sự hỗn loạn của cuộc nội chiến tại Syria và cũng chính từ “khoảng trống ấy” tổ chức khủng bố này đang quay trở lại.
Một số ý kiến cho rằng, quyết định rút quân khỏi Syria của Tổng thống Trump sẽ là món quà trao cho Tổng thống Nga Putin, chính quyền Tổng thống Syria Al-Assad và Iran. Trước khi gia nhập liên minh do Mỹ dẫn đầu chống IS, người Kurd tại Syria có một mối quan hệ hài hòa với chính quyền Damascus. Khi Tổng thống Trump bày tỏ mong muốn rút quân ra khỏi khu vực, người Kurd đã để ngỏ chế độ liên lạc với các quan chức tại Damascus vì họ biết rằng thời điểm này, một ngày nào đó sẽ đến. Khi Mỹ rút quân và người Kurd mất đi “chiếc ô” bảo vệ cần thiết thì Damascus và Moscow sẽ dễ dàng hơn trong việc tìm kiếm một thỏa thuận với người Kurd.
Ngoài Tổng thống Putin và Tổng thống Assad, Iran cũng được hưởng lợi từ quyết định của Tổng thống Trump. Sự hiện diện hạn chế của Mỹ tại miền bắc Syria cùng hoạt động giám sát trên không đi kèm đã gây cản trở bước tiến của Iran trong nhiều năm qua. Khi Mỹ rút đi, đây sẽ trở thành vùng lãnh thổ thân thiện với Iran bởi nó được lấp đầy bằng sự hiện diện của lực lượng dân quân do Iran hậu thuẫn, quân đội chính phủ Syria... Ngoài ra, quyết định của ông Trump còn gây ảnh hưởng nặng nề hơn với một đồng minh vô cùng quan trọng của Mỹ là Israel. Israel chắc chắn sẽ cảm thấy mối đe dọa thường trực khi một tuyến đường kết nối từ Iran đi qua Iraq, Syria tới các lực lượng do nước này hậu thuẫn tại Lebanon được mở ra.
Rõ ràng khi Mỹ vẫn còn hiện diện tại Syria, Thổ Nhĩ Kỳ và người Kurd không dễ gì bị cuốn vào vòng xoáy chiến tranh, IS sẽ không thể củng cố lực lượng khi máy bay Mỹ vẫn còn giám sát trên không. Moscow và Damascus cũng có những lựa chọn hạn chế. Nhưng khi Mỹ rút khỏi Syria, tình hình sẽ thay đổi. Điều gì diễn ra tiếp theo vẫn còn chưa rõ, nhưng chắc chắn đó sẽ là một viễn cảnh đẫm máu và hỗn loạn tại khu vực Trung Đông, khiến các nỗ lực tìm kiếm hòa bình cho Syria ngày càng trở nên khó khăn hơn.
Quyết định của Tổng thống Donald Trump rút quân khỏi Syria cũng bị chỉ trích bởi nhiều thành viên Quốc hội, thậm chí ngay cả trong nội bộ đảng Cộng hòa. Mặc dù ông Trump đang quyết tâm thực hiện lời hứa rút quân đội Mỹ khỏi các cuộc chiến kéo dài và vô nghĩa ở Trung Đông nhằm giành được sự ủng hộ của cử tri, tuy nhiên, trong khi đang phải đối mặt với cuộc điều tra luận tội trong nước và ngay cả khi các thành viên đảng Cộng hòa cũng không ủng hộ quyết định này của ông thì uy tín của ông chủ Nhà Trắng ít nhiều cũng sẽ bị ảnh hưởng. Phe Dân chủ cũng sẽ nhân cơ hội này để chỉ trích và hạ uy tín của ông Trump và đây sẽ là một bất lợi cho ông Trump khi cuộc bầu cử Tổng thống năm 2020 đang tới gần./.