Rút quân khỏi Syria, Mỹ trút 'gáo nước lạnh' vào người Kurd

Mỹ chính thức rút quân khỏi khu vực biên giới phía Đông Bắc Syria, gây tranh cãi mạnh mẽ trong nội bộ Mỹ cũng như trên quốc tế.

Tổng thống Mỹ Donald Trump bị chỉ trích vì quyết định rút quân khỏi Syria

Tổng thống Mỹ Donald Trump bị chỉ trích vì quyết định rút quân khỏi Syria

Đầu tuần này, Mỹ chính thức rút quân khỏi khu vực biên giới phía Đông Bắc Syria, gây tranh cãi mạnh mẽ trong nội bộ Mỹ cũng như trên quốc tế, đẩy Syria nói riêng và khu vực Trung Đông vào hỗn loạn.

Tranh cãi và chỉ trích

Giải thích về quyết định của mình, ông Trump chia sẻ trên Twitter rằng, Mỹ đã tiêu tốn quá nhiều khi hỗ trợ lực lượng Dân chủ Syria (SDF) với đa phần là người Kurd trong cuộc chiến chống lại tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tại Syria.

“Người Kurd chiến đấu cùng chúng tôi nhưng họ phải được trang bị vũ khí và được trả số tiền khổng lồ”, ông Trump nói và khẳng định: “Đây là lúc để Mỹ thoát ra khỏi những cuộc chiến không hồi kết. Thổ Nhĩ Kỳ, châu Âu, Syria, Iran, Iraq và người Kurd sẽ phải tìm cách để giải quyết tình hình hiện nay”, Tổng thống Mỹ nhấn mạnh.

Tuy nhiên, về lời giải thích của Tổng thống Mỹ, trang tin Vox cho rằng, suốt thời gian chiến đấu chống IS, các lực lượng do người Kurd dẫn đầu luôn là đối tác hiệu quả và đáng tin cậy. Tuy SDF không bỏ tiền nhưng họ là lực lượng thực hiện hầu hết hoạt động chiến đấu trên thực địa, chống lại IS bao gồm hoạt động chiếm lại nơi được coi là thủ phủ một thời của IS tại Raqqa. Trong 5 năm, SDF đã mất 11.000 binh lính trong khi số lượng quân Mỹ tại Syria chưa bao giờ đến mức đó. Động thái của Mỹ cùng bình luận của ông Trump khiến SDF tức giận, chỉ trích hành động của Washington là “đâm sau lưng”.

Hiện tại, hệ quả từ quyết định của ông Trump chưa rõ rệt nhưng chắc chắn nó tiềm ẩn nguy cơ chiến tranh giữa một đồng minh của NATO (Thổ Nhĩ Kỳ) và đối tác mà Mỹ hậu thuẫn tại Syria (SDF), kéo theo một cuộc khủng hoảng nhân đạo. Thậm chí, khi các bên giao tranh, Syria rơi vào náo loạn, IS chẳng cần làm gì cũng tự có chiến thắng.

Sở dĩ nói việc Mỹ rút quân khỏi Đông Bắc Syria mở đường cho Thổ Nhĩ Kỳ kéo quân sang Syria và để những đồng minh người Kurd trước nguy hiểm khôn lường bởi lực lượng dân chủ Syria (SDF) từng hỗ trợ Mỹ trong cuộc chiến chống khủng bố (IS) tại Syria vốn do người Kurd dẫn đầu.

Trong khi đó, trước nay, Ankara luôn coi lực lượng này là khủng bố, có quan hệ mật thiết với Đảng Công nhân người Kurd trong nước, đe dọa tới an ninh của nước này và luôn tìm mọi cách để tấn công, tiêu diệt tận gốc. Không dừng ở đó, khi Thổ Nhĩ Kỳ kéo quân sang Syria, những người Kurd là dân thường cũng có thể bị sát hại trong các cuộc tấn công. Ước tính, có khoảng 1,7 triệu người Kurd sống ở khu vực Đông Bắc Syria.

Lo ngại điều này, ông Panos Moumtzis, điều phối viên nhân đạo trong khu vực về khủng hoảng Syria kêu gọi dân thường phải chuẩn bị dự trữ bất cứ trường hợp nào khi Thổ Nhĩ Kỳ tấn công khu vực Đông Bắc. “Chúng tôi hy vọng điều tốt nhất nhưng cũng vẫn phải cần chuẩn bị cho kịch bản tồi tệ nhất”.

“Món quà” cho Nga, Iran

Quân đội Mỹ ở miền Bắc Syria.

Quân đội Mỹ ở miền Bắc Syria.

Động thái mới nhất của ông chủ Nhà Trắng không chỉ gây sốc với đồng minh ở Syria, làm hoang mang trong khu vực mà còn kéo theo chỉ trích từ chính trong Đảng Cộng hòa của ông Trump như Thượng Nghị sĩ Mitch McConnel - Đại diện đảng Cộng hòa tại Kentucky và lãnh đạo đa số tại Thượng viện.

Ông McConnel cảnh báo động thái rút quân này có lợi cho Nga, Iran, Tổng thống Syria Bashar al-Assad và khủng bố IS. Khi người Kurd bị bỏ lại bơ vơ, lực lượng bán quân sự này có khả năng sẽ tìm đến sự hỗ trợ từ Nga và Iran.

Hãng tin CNBC dẫn lời nhiều chuyên gia an ninh trong khu vực và các cựu quan chức Mỹ kêu gọi quyết định của ông Trump chẳng khác nào “món quà” tặng cho các đối thủ của Mỹ.

Ông Brett McGurk, cựu đặc phái viên của Mỹ tại Liên minh chống IS toàn cầu cho biết: “Thông báo rút khỏi Syria của Nhà Trắng sau khi ông Trump nói chuyện với Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ chứng minh ông thiếu hiểu biết toàn diện về những diễn biến trên thực địa Syria”.

Bởi trong trường hợp người Kurd thành lập liên minh với Iran, Nga và lấy cớ đưa quân đến khu vực biên giới Đông Bắc Syria “trấn áp” tàn quân IS, lúc đó, cơn ác mộng với Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ thực sự bắt đầu.

Nguy cơ này đã hiển hiện từ trước. Hãng tin Reuters từng dẫn lời chính trị gia cấp cao người Kurd Aldar Xelil cho biết: “Chúng tôi đã liên hệ với Nga và chính quyền Syria là để tìm ra cơ chế bảo vệ khu vực biên giới phía Bắc”.

Mặt khác, Tổng thống Syria - Bashar al-Assad từng tuyên bố thẳng thừng rằng, ông sẽ lấy lại vùng lãnh thổ của lực lượng người Kurd từ tay IS. Đây là một vùng giàu dầu mỏ, tài nguyên nước, đất đai.

Trong khi đó, quan hệ giữa lực lượng bán quân sự Kurd và chính phủ Syria trước nay không quá tồi tệ. Bởi tuy người Kurd muốn thiết lập cơ chế tự trị ở khu vực phía Bắc nhưng họ gần như tránh đối đầu trực tiếp với chính quyền ông Assad trong suốt cuộc nội chiến kéo dài 8 năm tại Syria, chưa kể có lúc còn hỗ trợ chính phủ chống IS.

Trước tình hình đó, một liên minh nhiều bên giữa lực lượng người Kurd - chính quyền Syria - Nga và Iran hoàn toàn có cơ hội hình thành để thay thế liên minh Kurd - Mỹ.

Trang Trần

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/rut-quan-khoi-syria-my-trut-gao-nuoc-lanh-vao-nguoi-kurd-d437524.html