Rụt rè nói về tương lai hậu COVID-19
Thay vào 'cứu thế giới' mọi người mong muốn đầu tư cho gia đình, sống xanh, giảm xê dịch, hành động thiết thực giúp đỡ người khác, hy vọng con người bớt ích kỷ, xã hội có thêm chút bình đẳng.
Đại dịch COVID-19 có ý nghĩa gì, hình dung tương lai ra sao với trí thức và nghệ sĩ toàn thế giới? Tại khán phòng của Viện Goether Hà Nội, người tham dự chuỗi thảo luận “Những suy tư sau này” đã kết nối với khách mời song song bằng 3 hình thức: trực tiếp, online livesteam và diễn xuất của các diễn viên.
Tại buổi trò chuyện với hai học giả Việt Nam và buổi thưởng thức suy tư của trí giả nghệ sĩ quốc tế, không khí khán phòng cùng trầm lắng bởi những “công dân toàn cầu” giờ đây cũng đang mong manh, hoài nghi. Ai cũng hiểu cuộc sống không bao giờ trở lại được như xưa.
Mong manh trong thiên nhiên và xã hội ốm yếu
Vài tháng trước, Viện Goethe Hà Nội đã thực hiện một loạt bài phỏng vấn nhà văn và nghệ sĩ của nhiều nước trên thế giới về suy tư của họ trong đại dịch COVID-19. Phối hợp cùng Nhà hát Tuổi trẻ, ban tổ chức đã chọn 3 bài phỏng vấn để 3 diễn viên thể hiện qua giọng đọc diễn xuất trong buổi thảo luận “Những suy tư sau này”. NSƯT Nguyễn Sỹ Tiến dẫn chương trình, trên màn hình nền hiện hình ảnh và thông tin giới thiệu về nhân vật được phỏng vấn, từng diễn viên bước ra đọc bài phỏng vấn, sau đó người tham dự bày tỏ suy tư của mình.
Qua giọng đọc truyền cảm của các diễn viên, cũng là lần đầu tiên khán giả trải nghiệm thưởng thức thông tin theo hình thức này, nhiều suy tư thú vị đã được khám phá.
Nữ nhà văn người Séc Petra Hülová nhìn nhận virus corora tượng trưng cho thiên nhiên ốm yếu và xã hội ốm yếu. “Trong xã hội có tính cá nhân chủ nghĩa cao độ vai trò của nhà nước ngày càng giảm đi. Đại dịch này đã lật ngược mối tương quan đó. Vai trò của nhà nước mạnh lên, và nhà nước sẽ tiếp tục hành xử một cách tự tin. Mọi người hành xử theo tinh thần đoàn kết, tuy nhiên với điều kiện là tuyệt đối không “động chạm” đến ai”.
Nữ nhà văn lo ngại “Cái “thế giới bình thường” biến mất trong đại dịch lúc này nhanh bao nhiêu thì cũng có thể sau khi hết đại dịch ký ức của chúng ta về nó cũng biến mất nhanh như vậy. Bà cho biết đang cố gắng chấp nhận sự hoang mang như một trạng thái sẽ kéo dài lâu lâu. “Nếu thấy không ổn, tôi lao vào công việc hoặc bỏ sức chăm sóc con cái thật nhiều, đó là sự cứu rỗi hữu hiệu nhất”.
Dan Perjovschi, họa sĩ Rumani nhận đồng cảm từ nhiều họa sĩ, nghệ sĩ thị giác Việt Nam khi chia sẻ: “Nghệ thuật Romania về bản chất vẫn mong manh, các nghệ sĩ độc lập và cấp tiến luôn sống bên mép vực thảm họa. Đại dịch này sẽ là cú đòn kết liễu cho tất cả. Nhưng ai thực sự phải làm nghệ thuật thì đằng nào cũng không có lựa chọn nào khác, bất kể trong điều kiện nào. Có thể chúng ta sẽ mạnh lên về ý niệm. Có thể chúng ta sẽ ngụy trang trong một lớp vỏ khác. Có thể rốt cục chúng ta sẽ bỏ phần “show” trong dự án triển lãm”.
Nhà văn Paul Diamond (New Zealand) thì cho rằng chỉ tung hô các nhân viên y tế là không đủ. “Mà chúng ta còn phải bầu các chính khách muốn phấn đấu vì một nền y tế tốt cho toàn dân. Cuộc khủng hoảng hiện tại đã vạch ra toàn bộ mức độ phụ thuộc lẫn nhau của chúng ta. Hy vọng nhận thức đó sẽ dạy chúng ta biết tránh xa quan điểm tự do mới đầy vẻ tiểu nhân và chủ nghĩa cá nhân tủn mủn”.
Buổi thảo luận giống không khí “thưởng thức ý tưởng” hơn nên chỉ có vài người tham dự rụt rè chia sẻ về tâm trạng và những tác động tiêu cực tích cực của đại dịch đến bản thân.
Nỗi sợ “đô thị hóa”, “toàn cầu hóa”
Tại một buổi thảo luận khác, kiến trúc sư Nguyễn Yến Phi (livestream từ Thụy Sĩ) và nhà xã hội học Nguyễn Phúc Anh cùng quan điểm khi coi trọng “việc nhìn lại quá khứ để bớt sợ tương lai”, thận trọng với “toàn cầu hóa” “đô thị hóa” và đề cao việc chia sẻ kiến thức.
KTS Nguyễn Yến Phi, gửi tới khán phòng bức tranh một con cáo đáng yêu để mở đầu bài diễn thuyết với nhiều con số, đồ thị, hình ảnh chứng minh “Đô thị hóa, công nghiệp hóa đã khiến thiên nhiên dần từ bỏ con người”. Gần đây do một số thành phố phát triển nỗ lực phủ xanh môi trường, giảm khói bụi công nghiệp, một số động vật đã xuất hiện trở lại. Người ta có thể bắt gặp, cáo, dê, thỏ… ở một ngã tư trên phố. “Thiên nhiên có dấu hiệu trở lại với con người”. Tuy nhiên những chấm xanh hy vọng đó không đủ để ngăn thiên tai, đại dịch. “COVID hẳn không phải là đại dịch toàn cầu cuối cùng mà chúng ta phải đối mặt”, là chủ đề xuyên suốt của nữ diễn giả.
“COVID chỉ ra những bất cập và sự bất bình đẳng trong thiết kế xây dựng kiến trúc và đô thị hiện nay với áp lực “toàn cầu hóa”. Thành phố Hồ Chí Minh chỉ có 0,5 m² diện tích công viên trên mỗi đầu người, không có chỗ để đi dạo, chạy bộ nên “chúng ta là thế hệ “nghiện nhà”, suốt ngày chỉ ở trong nhà”. Theo KTS Yến Phi, một đô thị thông minh vì sức khỏe cộng đồng thực sự có lẽ không nằm ở những máy móc công nghệ hiện đại hay trang thiết bị tối tân, không nằm trong những con số vô hình và vô cảm - những giải pháp có lẽ chỉ càng làm rộng thêm khoảng cách giàu nghèo trong xã hội.
Dưới con mắt của nhà xã hội học, diễn giả Nguyễn Phúc Anh nhìn nhận mặt tiêu cực của “toàn cầu hóa” ở hiện tượng “khuếch đại cảm xúc và sự hoảng loạn”. Nỗi sợ dịch bệnh đã được “toàn cầu hóa cảm xúc”. Cùng quan điểm với KTS Yến Phi, Nguyễn Phúc Anh cho rằng công nghiệp hóa, đô thị hóa cũng có cái phải trả giá. Ông đưa ví dụ một trang trại trồng chè tư nhân phải bỏ rất nhiều tiền để mua dây chuyền hái, sao chè công nghệ; cuối cùng vẫn không bền vững bằng tổ sản xuất dùng phương pháp thủ công. Công nghệ đòi hỏi số tiền đầu tư quá lớn, phải vay ngân hàng, đầu ra cho sản phẩm không đảm bảo, dẫn đến nợ nần, phá sản.
Được khán giả hỏi về chiến lược cụ thể cho bản thân thời kỳ hậu COVID, nhà xã hội học cho biết gia đình anh đã sợ đô thị. Vợ chồng anh bán nhà chung cư, mua căn nhà bé ở ngoại ô Hà Nội, sống với chi phí rẻ hơn hẳn. Bản thân anh từ chối nhiều dự án lớn, nhận dạy học cho học sinh từ cấp 1 -2 đến đại học. “Đại dịch khiến tôi chuyển sang đầu tư cho gia đình và kiến thức. Và chia sẻ kiến thức là một cách tốt để tôi được giúp đỡ người khác”.
Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/xa-hoi/rut-re-noi-ve-tuong-lai-hau-covid19-1679608.tpo