S-300 đang đến Syria: Nga sẽ thử xem máy bay Israel có 'bất bại' như lời đồn đại?
Theo giới phân tích, hệ thống phòng không của Nga có khả năng sẽ đập tan tuyên bố mà Israel vẫn hay tự hào nói về lực lượng phòng không của mình là 'ưu việt' và 'bất bại'.
Bộ Quốc phòng Nga đã bắt đầu chuyển giao hệ thống phòng không S-300 cho Syria để phản ứng với sự liên quan của Israel trong vụ việc máy bay trinh sát Il-20 của Nga bị bắn nhầm hồi giữa tháng này.
Phát biểu với Sputnik Thổ Nhĩ Kỳ về sự xuất hiện sắp tới của vũ khí phòng thủ Nga - được bổ sung bởi hệ thống kiểm soát tiên tiến và hệ thống nhận dạng địch/ta - nhà phân tích chính trị Thổ Nhĩ Kỳ, Tiến sĩ Volkan Ozdemir cho rằng, đây là dấu hiệu cho thấy chính sách không can thiệp của Nga trong cuộc xung đột Israel-Iran ở Syria đã kết thúc.
"Từ quan điểm địa chính trị, đang có những câu hỏi đặt ra về chiến lược của Nga đối với công cuộc hỗ trợ Damascus và hành động cân bằng giữa Israel và Iran - hai thế lực lớn trong khu vực", Ozdemir nói.
"Nga trong một thời gian dài đã ngồi bên lề các cuộc đụng độ giữa hai quốc gia trên lãnh thổ Syria. Trong đó, Moscow không can thiệp vào các hành động của Không quân Israel, vốn thường xuyên tấn công các nhóm do Iran hậu thuẫn. Tuy nhiên, như đã được làm rõ bởi Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu vài ngày trước, vụ việc Il-20 đã thay đổi hoàn toàn sự cân bằng nói trên", ông nói thêm.
Theo Tiến sĩ Ozdemir, việc triển khai S-300 ở Syria có thể dẫn đến quyết định đóng cửa không phận Syria, không chỉ dọc theo bờ biển Địa Trung Hải, mà còn ở các khu vực giáp ranh với Lebanon và Jordan.
"Điều này, lần lượt, sẽ không chỉ mang Nga, Iran và Syria sát lại gần nhau hơn, mà còn hạn chế đáng kể các cơ hội cho cả Israel và phương Tây trong việc tiến hành các hoạt động quân sự trong khu vực", nhà phân tích nhấn mạnh.
Trên thực tế, vụ việc Il-20 đã mở ra một chương mới trong cuộc khủng hoảng Syria, chuyên gia Ozdemir lập luận.
"Các cuộc xung đột Syria có thể được chia thành nhiều giai đoạn, mỗi giai đoạn đó bị ảnh hưởng với các mức độ khác nhau, bởi sự cân bằng quyền lực trên trường quốc tế. Một trong những giai đoạn này bắt đầu vào ngày 30/9/ 2015, khi lực lượng không quân Nga bắt đầu hoạt động chống khủng bố ở Syria. Vào thời điểm đó, quyết định này ảnh hưởng rất lớn đến sự liên kết của các lực lượng trong lãnh thổ Syria”, Tiến sĩ Ozdemir nêu quan điểm.
Cuối cùng, nhà phân tích Thổ Nhĩ Kỳ cho rằng quyết định của Nga về việc triển khai S-300 cho Syria "tương tự như việc bắt đầu một giai đoạn mới - một giai đoạn mà Israel không thể tấn công các mục tiêu ở Syria một cách dễ dàng mà không phải trả giá, như trường hợp trước đây. Nếu vẫn quyết định tự ý hành động, nước này sẽ phải đối mặt với một phản ứng dứt khoát không chỉ từ Iran và Syria, mà còn từ Nga", Ozdemir kết luận.
Chuyển giao S-300, Israel gặp khó?
Đồng tình với quan điểm trên, Tiến sĩ Hasan Unal, một nhà khoa học chính trị từ đại học Maltepe ở Istanbul đánh giá, việc triển khai S-300 đóng vai trò như một dấu mốc quan trọng về mặt quân sự.
"Trước đó, các hệ thống phòng không do Liên Xô đưa vào Syria đã nhiều lần chứng tỏ hiệu quả và có khả năng chống lại các cuộc tấn công của Không quân Israel. Việc Nga quyết định cung cấp các hệ thống S-300 cải tiến, hiện đại hóa cho Syria đã đặt Israel vào một tình huống vô cùng khó khăn. Giờ đây Damascus đã có được sự bảo vệ chắc chắn trước các cuộc tấn công của đối phương", chuyên gia Unal nhận định.
Theo Unal, dường như sẽ không còn cơ hội cho máy bay Israel thực hiện các cuộc tấn công vào lãnh thổ Syria thường xuyên sau khi S-300 được triển khai.
Hơn nữa, hệ thống phòng không của Nga còn có khả năng đập tan tuyên bố mà Israel vẫn hay tự hào nói về lực lượng phòng không của mình là “ưu việt” và “bất bại”.
Cuối cùng, Tiến sĩ Unal tin rằng sức mạnh hiện tại mà Nga đang nắm giữ ở Trung Đông sẽ không chỉ giới hạn nước này trong việc giao hàng S-300, mà còn có thêm những sự hỗ trợ bổ sung khác, bao gồm tích cực giám sát hoạt động của Israel dọc theo biên giới Syria-Lebanon, thông báo cho lực lượng Syria về tình hình trong khu vực và giúp duy trì phòng thủ của Syria một cách trực tiếp.
Bi kịch Il-20
Vào đêm 17/9, một chiếc máy bay trinh sát Il-20 của Nga với 15 thành viên phi hành đoàn đã bị bắn rơi bởi tên lửa phòng không của Syria trong lúc đang lên đường trở về căn cứ không quân Hmeymim.
Hỏa lực của phòng không Syria là để phản ứng đối với các cuộc không kích của Israel đang được thực hiện trên lãnh thổ Syria chỉ vài phút trước đó.
Bộ Quốc phòng Nga chỉ trích Israel không đưa ra cảnh báo đầy đủ để máy bay Nga thoát khỏi vùng nguy hiểm và cáo buộc Không quân Israel sử dụng Il-20 làm lá chắn trước tên lửa của không quân Syria.
Tel Aviv đã phủ nhận lời buộc tội và tiếp tục tuyên bố rằng Moscow đã nhận được cảnh báo kịp thời từ trước.
Sự mất mát của một chiếc trinh sát cơ đã khiến Nga phải thực hiện một loạt các biện pháp tăng cường an ninh cho những người lính Nga ở Syria, đồng thời cung cấp cho Damascus sự hỗ trợ quân sự bổ sung, bao gồm cả hệ thống phòng không S-300.
Quân đội Nga cũng nói rằng họ sẽ tiến hành triệt tiêu tín hiệu vô tuyến điện tử của vệ tinh định hướng, radar trên không và hệ thống thông tin chiến đấu của bất kỳ máy bay nào muốn tấn công các mục tiêu của Syria và cung cấp cho đồng minh Damascus hệ thống nhận dạng địch/ta.