S-400 Ấn Độ đã chính thức bước vào chế độ trực chiến với trung đoàn đầu tiên, nhưng đối thủ lớn của họ là Pakistan cho biết đã sẵn sàng đối phó chỉ bằng các loại vũ khí rẻ tiền.
Giới chức quân sự Pakistan mới đây tuyên bố có đầy đủ khả năng tự vệ trước các hệ thống tên lửa phòng không S-400 tiên tiến do Nga sản xuất và bán cho Ấn Độ. Trước tình hình trên, tờ EurAsian Times đã viết về chiến lược của Islamabad.
Khẩu đội S-400 Triumf đầu tiên được New Delhi mua từ Nga đã được triển khai tới tỉnh Punjab của Ấn Độ, giáp biên giới với Pakistan, chúng đang gây áp lực cực lớn với hàng không nước láng giềng thù địch.
"Việc triển khai tổ hợp S-400 của Ấn Độ là nhằm tăng cường khả năng phòng không của đất nước, vì vũ khí này được coi là một trong những hệ thống hiệu quả và đáng tin cậy nhất trên thế giới", các nhà quan sát của EurAsian Times cho biết.
Tầm bắn của Triumf lên tới 400 km, có nghĩa là hệ thống tên lửa phòng không này có khả năng tạo ra một lá chắn khổng lồ, bền bỉ, chống lại nhiều loại mối đe dọa khác nhau, bao gồm từ tên lửa hành trình cho tới máy bay.
Tính cơ động cao là một lợi thế quan trọng khác của S-400. Tổ hợp có thể chuyển trạng thái sẵn sàng chiến đấu chỉ sau 5 phút. Điều này không chỉ cho phép nhanh chóng đưa Triumf vào hoạt động mà còn khiến đối phương khó phát hiện ra.
Một tính năng quan trọng khác của S-400 là tiềm năng tấn công: “Kẻ thù bị giới hạn trong việc sử dụng không phận của mình. Pakistan sẽ đặc biệt dễ bị tổn thương do vị trí địa lý và đường biên giới dài với Ấn Độ. S-400 có khả năng bao phủ hầu hết đất nước”.
Tuy nhiên các chuyên gia quân sự Pakistan cho rằng Islamabad đã có "liều thuốc giải độc" để chống lại hệ thống phòng không do Nga sản xuất. Các nhà phê bình của EurAsian Times đã phân tích ý kiến của một số người ở phía đối địch.
Ví dụ, các chuyên gia Pakistan nhấn mạnh rằng Islamabad đã chuẩn bị trước cho việc chuyển giao vũ khí của Nga cho Ấn Độ. Cụ thể, Quân đội Pakistan cho triển khai các hệ thống phòng không tương tự mua từ Trung Quốc.
Chúng ta đang nói về hệ thống tên lửa phòng không tầm xa HQ-9. Tổ hợp này thực chất là "bản sao" của vũ khí Nga, khi được các chuyên gia Trung Quốc tạo ra trên cơ sở tổ hợp S-300 với một số tính năng kết hợp từ Patriot.
“Phạm vi tác chiến của HQ-9 là hơn 100 km. Tuy nhiên, rõ ràng cự ly này chỉ áp dụng cho máy bay. Người ta tin rằng khoảng cách tiêu diệt tên lửa hành trình và các mục tiêu tương tự là khoảng 25 km”, tờ EurAsian Times viết.
Pakistan đặt cược lớn vào các thiết bị bay không người lái rẻ tiền, theo những chuyên gia địa phương: "Chúng sẽ chứng minh hiệu quả cụ thể của chúng trong việc vô hiệu hóa các hệ thống phòng không khác nhau".
Ngoài UAV của riêng mình, Islamabad đã mua một số Bayraktar TB2 của Thổ Nhĩ Kỳ. Bên cạnh đó, giới phân tích dự đoán rằng máy bay không người lái tàng hình ZF1 của Pakistan cũng có thể trở thành vũ khí hiệu quả nhất để chống lại S-400 Ấn Độ.
Tạp chí EurAsian Times dự đoán rằng Islamabad có thể sử dụng một thủ thuật thông minh khác để chống lại đối thủ lớn nhất của mình.
“Pakistan có thể hưởng lợi từ việc tiến hành các cuộc tập trận chung với những nước thân thiện đã có S-400, chúng ta đang nói về Trung Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ. Những cuộc diễn tập như vậy sẽ giúp Islamabad xác định điểm mạnh và điểm yếu của S-400", trang EurAssian Times kết luận.
Bạch Dương