S&P 500, Nasdaq lập kỷ lục mới khi dữ liệu lạm phát hỗ trợ quan điểm cắt giảm lãi suất

S&P 500 và Nasdaq đóng cửa ở mức cao kỷ lục vào 29/2, được hỗ trợ bởi các cổ phiếu công nghệ liên quan đến AI, trong khi dữ liệu lạm phát và nhận xét từ các quan chức Fed đã giúp hình thành kỳ vọng về thời điểm cắt giảm lãi suất…

Kết thúc phiên 29/2, chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones tăng 47,37 điểm (+0,12%) lên 38.996,39 điểm. S&P 500 thêm 26,51 điểm (+0,52%) thành 5.096,27 điểm và Nasdaq Composite leo 144,18 điểm (+0,90%), đóng cửa ở mức 16.091,92 điểm.

Nasdaq đã vượt trên mức cao kỷ lục trước đó là 16.057,44 điểm được thiết lập vào ngày 21/11/2021, trong khi S&P 500 lập kỷ lục mới trên mức 5.088,80 điểm được thiết lập vào tuần trước.

Trong tháng, S&P 500 tăng 5,17%, Nasdaq tăng 6,12% và chỉ số Dow Jones tăng nhẹ 2,22%. Cả ba chỉ số chính đều ghi nhận mức tăng trong tháng 2 và cũng là mức tăng hàng tháng thứ tư liên tiếp. Chỉ số Russell 2000 vốn hóa nhỏ bổ sung thêm 5,45% trong tháng.

Trong ngày, mức tăng của chỉ số Dow Jones đã phần nào bị hạn chế, một phần do cổ phiếu Boeing giảm 1,59% sau báo cáo về cuộc điều tra của Bộ Tư pháp mỹ.

Công ty phân tích dữ liệu đám mây Snowflake lao dốc 18,14% do dự báo doanh thu sản phẩm quý đầu tiên thấp hơn ước tính của Phố Wall và tin tức Giám đốc điều hành Frank Slootman sẽ nghỉ hưu.

Trong khi đó, nhà sản xuất chip Nvidia tăng 2,08%, là một trong những động lực thúc đẩy lớn nhất đối với chỉ số S&P chuẩn và Nasdaq trong khi đối thủ nhỏ hơn là Advanced Micro Devices tăng 9,06%. Các công ty chip và công nghệ đã trở thành tâm điểm của làn sóng lạc quan ở Phố Wall trong những tháng gần đây, được thúc đẩy bởi niềm tin về triển vọng tăng trưởng liên quan đến trí tuệ nhân tạo.

Dell Technologies, công ty kinh doanh máy chủ tối ưu hóa cho AI được sản xuất bằng bộ xử lý cao cấp của Nvidia, cũng thêm 1,51% trước thềm báo cáo sau giờ giao dịch.

Khối lượng giao dịch trên các sàn chứng khoán Mỹ là 13,88 tỷ cổ phiếu, cao hơn so với mức trung bình 11,78 tỷ cổ phiếu trong 20 ngày giao dịch vừa qua.

Về khía cạnh kinh tế, các báo cáo về giá tiêu dùng và giá sản xuất hồi đầu tháng 2 cho thấy lạm phát dai dẳng đã khiến các nhà đầu tư hạ thấp kỳ vọng về việc cắt giảm lãi suất sang tháng 6. Vào đầu năm nay, các nhà giao dịch coi tháng 3 có thể là điểm khởi đầu cho chu kỳ nới lỏng của Fed.

Trong khi đó, số đơn xin trợ cấp thất nghiệp trong tuần kết thúc vào ngày 24/2 đang đứng ở mức 215.000, cao hơn kỳ vọng là 210.000, các nhà kinh tế tham gia khảo sát của Reuters cho biết.

Về phía mình, chủ tịch Fed Atlanta Raphael Bostic đã nhấn mạnh việc áp dụng cách tiếp cận phụ thuộc vào dữ liệu đối với chính sách tiền tệ, nói rằng đây sẽ là một con đường gập ghềnh để đạt được mục tiêu lạm phát 2%. Ông cũng một lần nữa lặp lại quan điểm về việc ngân hàng trung ương sẽ cắt giảm lãi suất trong những tháng hè.

Trong khi đó, chủ tịch Fed Chicago Austan Goolsbee lại nói rằng những cải thiện trong năm ngoái về nguồn cung hàng hóa và thị trường lao động đã mở đường cho việc giảm lạm phát trong năm nay và ông vẫn ủng hộ việc cắt giảm lãi suất muộn hơn vào cuối năm.

Tỷ lệ các nhà đầu tư hiện đặt cược vào việc Fed sẽ cắt giảm lãi suất vào tháng 6 đã tăng lên, theo công cụ FedWatch của CME, đặc biệt là sau khi báo cáo của Bộ Thương mại Mỹ cho thấy giá cả và chi phí dịch vụ tại nước này tăng vào tháng 1 giống với dự đoán của các nhà phân tích nhưng lạm phát hàng năm vẫn ở mức thấp nhất trong ba năm.

Trên thị trường năng lượng, giá dầu giảm trong phiên 29/2 do dữ liệu lạm phát của Mỹ cho thấy nền kinh tế lớn nhất thế giới vẫn đang gặp khó khăn, từ đó có thể làm suy yếu nhu cầu dầu thô, với việc sản lượng tăng của OPEC cũng gây áp lực lên giá.

Giá dầu Brent kỳ hạn tháng 4 ổn định ở mức 83,62 USD/thùng, giảm 6 cent. Dầu thô WTI của Mỹ ổn định ở mức 78,26 USD/thùng, giảm 28 cent.

Thước đo lạm phát ưa thích của Cục Dự trữ Liên bang, chỉ số chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE) cho thấy lạm phát tháng 1 phù hợp với kỳ vọng của các nhà kinh tế, khiến việc cắt giảm lãi suất vào tháng 6 vẫn được cân nhắc.

John Kilduff, đối tác của Again Capital LLC, cho biết: “Dữ liệu kinh tế chưa rõ ràng, dẫn đến các tranh luận về việc cắt giảm lãi suất của Fed. Những đợt cắt giảm đó sẽ có tác động đến nhu cầu dầu mỏ”.

Về phía nguồn cung, tồn kho dầu thô tại Mỹ, một trong những nhà sản xuất hàng đầu thế giới, đã tăng ở tuần thứ 5 liên tiếp thêm 4,2 triệu thùng, vượt dự báo tăng 2,7 triệu thùng.

Ngoài ra, việc gia hạn cắt giảm sản lượng dầu tự nguyện từ nhóm sản xuất và xuất khẩu OPEC+ cũng được đưa ra bàn thảo. Các nhà phân tích của ANZ cho rằng với triển vọng nhu cầu vẫn không chắc chắn, OPEC sẽ gia hạn thỏa thuận nguồn cung hiện tại đến cuối quý 2.

Kim Nguyễn

Nguồn Thương Gia: https://thuonggiaonline.vn/sp-500-nasdaq-lap-ky-luc-moi-khi-du-lieu-lam-phat-ho-tro-quan-diem-cat-giam-lai-suat-post549519.html