S&P cảnh báo nguy cơ vỡ nợ của các doanh nghiệp thuộc thị trường mới nổi trong 4 năm tới
S&P Global Ratings đã cảnh báo về nguy cơ vỡ nợ của các công ty ở các thị trường mới nổi, khi các công ty ở những thị trường này phải vật lộn để chịu chi phí đi vay cao hơn.
Theo dữ liệu thu được từ S&P Global Ratings, nợ đến hạn ở các thị trường mới nổi, ngoại trừ Trung Quốc, sẽ đạt trung bình 47 tỷ USD từ năm 2024 đến năm 2027, so với 20 tỷ USD trong năm nay.
“Cạnh tranh thanh khoản của các tổ chức phát hành sẽ rất khốc liệt trong hai năm tới. Rất khó có khả năng các tổ chức phát hành đợi đến năm 2025 mới tái cấp vốn và có thể họ sẽ khai thác thị trường vào năm 2024 với lãi suất vẫn ở mức cao. Những điều kiện này có thể không bền vững đối với nhiều tổ chức phát hành, dẫn đến vỡ nợ và phá sản”, các nhà phân tích của S&P cho biết trong một báo cáo công bố hôm thứ Tư (4/10).
Lãi suất cao hơn trong thời gian dài hơn, tăng trưởng toàn cầu chậm lại và đồng đô la mạnh sẽ gây thêm áp lực cho các công ty có sức mạnh tài chính yếu nhất.
S&P cho biết vào tháng 9 rằng, Mỹ Latinh là điểm áp lực đối với các thị trường mới nổi, với khu vực này chiếm tới 13 trong số 14 vụ vỡ nợ của doanh nghiệp tính đến tháng 8. Báo cáo cũng cho biết tỷ lệ vỡ nợ dự kiến sẽ đạt 4,5% tại Mỹ vào tháng 6/2024 từ mức 3,5% vào tháng 7/2023 và tỷ lệ vỡ nợ ở châu Âu dự kiến sẽ tăng lên 3,75% vào tháng 6/2024 từ mức 3,1% vào tháng 7/2023.
Theo chỉ số của Bloomberg, chi phí đi vay trung bình bằng đô la đối với các tổ chức phát hành ở thị trường mới nổi đã tăng lên mức cao nhất kể từ tháng 11/2022 trong tuần này ở mức khoảng 11,8%.