S&P Global: Xếp hạng tín nhiệm của Mỹ và Trung Quốc sẽ khó ảnh hưởng bởi căng thẳng thương mại

Theo S&P Global, Mỹ và Trung Quốc khó có thể chứng kiến một đòn giáng mạnh vào xếp hạng tín nhiệm do ảnh hưởng của chiến tranh thương mại, trong khi thiệt hại có khả năng tập trung nhiều hơn vào các quốc gia nghèo hơn và những quốc gia đã bị cảnh báo có nguy cơ bị hạ xếp hạng.

Trước đó, S&P đã tái khẳng định triển vọng ổn định đối với xếp hạng tín nhiệm AA+ của Mỹ vài ngày trước khi Tổng thống Donald Trump công bố đợt áp thuế thương mại toàn diện vào đầu tháng 4.

S&P đã trích dẫn mức nợ chính phủ gần 100% GDP của Mỹ và thâm hụt ngân sách ở mức 6%-7% GDP là những điểm yếu chính về xếp hạng, đồng thời cũng chỉ ra sự không chắc chắn đáng kể xung quanh các động thái thương mại và các chính sách khác của Tổng thống Trump.

Roberto Sifon-Arevalo, Giám đốc điều hành của S&P cho biết hầu hết mức độ xếp hạng tín nhiệm của các nền kinh tế lớn hiện tại sẽ có thể vượt qua được những căng thẳng.

"Vào đầu giai đoạn căng thẳng này, người ta đã hồi tưởng lại thời kỳ Covid và suy nghĩ rằng: Đây có phải là một cuộc khủng hoảng toàn cầu khác không… Nhưng khi bắt đầu nhìn vào bức tranh toàn cảnh và các kênh truyền tải, câu hỏi vẫn còn đó: Liệu nó có đủ để thay đổi đáng kể mức độ tín nhiệm của các quốc gia trên toàn cầu không”, ông cho biết.

Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là triển vọng tiêu cực sẽ không tăng lên. Quan trọng hơn là không có bất ngờ lớn nào.

Bên cạnh đó, mô hình mà S&P sử dụng dữ liệu thị trường hoán đổi rủi ro tín dụng cho thấy các nhà đầu tư hiện đang định giá mức hạ xếp hạng tín nhiệm 5 bậc đối với Mỹ và 3 bậc cắt giảm đối với xếp hạng A+ của Trung Quốc.

S&P đã không hạ xếp hạng tín nhiệm của Mỹ kể từ khi hạ bậc tín nhiệm của Mỹ khỏi mức AAA vào năm 2011 và không hạ xếp hạng tín nhiệm của Trung Quốc kể từ năm 2017, mặc dù Fitch Ratings đã hạ xếp hạng tín nhiệm của Trung Quốc vào ngày sau khi thuế quan đối ứng của Tổng thống Trump được công bố.

"Đối với Trung Quốc và Mỹ… vấn đề không phải là thời gian áp dụng thuế quan là bao lâu sẽ quyết định xếp hạng của hai quốc gia, mặc dù cần phải có một số giải pháp về thuế quan trong vài tháng tới", ông Sifon-Arevalo cho biết.

Ngoài ra, vấn đề cũng còn là liệu có những cú sốc bất ngờ khác xảy ra hay không và trong trường hợp của Trung Quốc, họ sẽ lựa chọn bơm bao nhiêu kích thích để bù đắp cho các đòn thuế quan.

S&P quan tâm nhiều hơn đến những tác động dây chuyền có thể xảy ra như sự sụt giảm kéo dài của giá hàng hóa như dầu mỏ và kim loại mà nhiều quốc gia phụ thuộc vào để có phần lớn doanh thu.

"Nếu giá hàng hóa có biến động lớn, điều đó sẽ tác động nhiều hơn đến xếp hạng", ông Sifon-Arevalo cho biết.

Mặt khác, xếp hạng tín nhiệm của châu Âu cũng có thể một lần nữa chịu áp lực nếu Tổng thống Trump tiếp tục kế hoạch áp thuế 20% đối với các nước EU.

Mặc dù hoan nghênh Đức lên kế hoạch chi tiêu quy mô lớn cho quốc phòng và cơ sở hạ tầng, ông Sifon-Arevalo cho biết những khó khăn về tình hình thương mại có thể làm suy yếu thêm nền kinh tế của khối.

"Trên khắp lục địa, sẽ có một câu hỏi lớn về quỹ đạo tài chính nếu tất cả những bất ổn thương mại này không sớm được giải quyết… Chúng ta cần tăng trưởng để hỗ trợ củng cố tài chính. Nếu áp dụng thuế quan vào thì chắc chắn sẽ không có ích gì", ông Sifon-Arevalo cho biết.

Hạc Hiên / Theo báo chí nước ngoài

Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/sp-global-xep-hang-tin-nhiem-cua-my-va-trung-quoc-se-kho-anh-huong-boi-cang-thang-thuong-mai-post368488.html