Sa lầy tại 6 dự án, Tổng công ty địa ốc Sài Gòn còn 'làm lợi cho đối tác'
Hầu hết các dự án BĐS có bóng dáng của Tổng Công ty Địa ốc Sài Gòn bị thanh tra đều chậm tiến độ thực hiện và thi công, việc chi tiền hộ cho đối tác cũng được xác định 'làm lợi cho đối tác'.
Thanh tra TP.HCM vừa thông báo kết luận thanh tra về công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí trong việc quản lý, sử dụng vốn Nhà nước tại Tổng Công ty Địa ốc Sài Gòn – TNHH MTV (Tổng Công ty Địa ốc Sài Gòn). Thời kỳ thanh tra năm 2017, 2018.
Qua thanh tra 6 dự án điển hình cho thấy, việc thực hiện các dự án đầu tư xây dựng của Tổng công ty Địa ốc Sài Gòn, các đơn vị thành viên và công ty cổ phần có vốn góp của Tổng Công ty có nhiều sai phạm.
Cụ thể, 6 dự án bị thanh tra gồm: Dự án căn hộ Felisa Riverside (số 99 Bến Bình Đông, phường 11, quận 8) do Công ty CP Địa ốc Sài Gòn làm chủ đầu tư; dự án tại số 577 Bến Bình Đông, phường 13, quận 8 và dự án Trung tâm thương mại Bình Đăng (Quốc lộ 50, phường 6, quận 8) do Công ty CP phát triển Địa ốc Sài Gòn 5 làm chủ đầu tư;
Các dự án do Tổng Công ty Địa ốc Sài Gòn làm chủ đầu tư như: dự án đầu tư xây dựng khu cao ốc văn phòng tại số 257 Điện Biên Phủ, quận 3; dự án hạ tầng kỹ thuật khu dân cư An Hội, phường 14 và dự án chung cư Nguyễn Kim B, quận 10.
Theo Thanh tra TP.HCM, qua ghi nhận hầu hết các dự án nói trên đều chậm tiến độ thực hiện cũng như chậm tiến độ thi công, có một số dự án từ khi phê duyệt dự án đến nay đã hơn 10 năm nhưng chưa đưa vào khai thác sử dụng, làm ảnh hưởng đến nguồn vốn doanh nghiệp và có sai phạm trong việc chỉ định thầu, đấu thầu.
Bên cạnh đó, việc bán nhà hình thành trong tương lai chưa đảm bảo quy định, chưa thực hiện đâùy đủ việc bảo lãnh ngân hàng nhưng đã tiến hành bán nhà ở hình thành trong tương lai.
Riêng việc quản lý, sử dụng nhà đất số 236 Điện Biên Phủ, phường 6, quận 3 của Công ty CP Xây dựng và Kinh doanh Địa ốc III (doanh nghiệp có vốn góp của Tổng Công ty Địa ốc Sài Gòn) có sai phạm khi doanh nghiệp này cho Công ty CP Địa ốc Thủ Thiêm thuê lại không đúng đối tượng, mục đích được giao, thuê đất. Tháng 11/2018, Sở TN&MT đã đề xuất UBND TP.HCM thu hồi và lập thủ tục đấu giá quyền sử dụng đất.
Về việc chi tiền hộ cho đối tác kinh doanh, chi hộ trả tiền thuê đất cho các đơn vị, Tổng Công ty Địa ốc Sài Gòn sử dụng 100% vốn Nhà nước để chi nộp tiền thuê đất, thuế đất của Công ty CP Hùng Vương hơn 4,8 tỷ đồng; của Công ty CP Địa ốc 7 hơn 469,5 triệu đồng; đặc biệt chi trả các chi phí thực hiện dự án chung cư Nguyễn Kim – Khu B thay cho Công ty CP Địa ốc Ngân Hiệp.
Theo Thanh tra TP.HCM, việc chi tiền hộ cho các đối tác làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của Tổng Công ty, làm lợi cho đối tác, rủi ro cao, có sự tùy tiện trong việc quản lý, sử dụng vốn Nhà nước, dễ dẫn đến làm thất thoát, thiệt hại tài sản Nhà nước.
Đến cuối năm 2018, Công ty CP Địa ốc Ngân Hiệp đã góp vốn 398,31 tỷ đồng và góp bằng tiền thu từ chia tiền bán sàn thương mại khu B chung cư Nguyễn Kim là 32,18 tỷ đồng. Tổng Công ty Địa ốc Sài Gòn chưa kịp thời kiểm tra, xử lý, chưa báo cáo xin ý kiến chủ sở hữu để chỉ đạo.
Giai đoạn 2017 – 2018, Tổng Công ty Địa ốc Sài Gòn đầu tư tài chính tại 32 doanh nghiệp với tổng vốn là 2.250,4 tỷ đồng, tuy nhiên chỉ có 18 đơn vị có lợi nhuận, được chia cổ tức. Trong năm 2017, có 7 doanh nghiệp đầu tư bị lỗ với tổng số lỗ lũy kế lên đến 40,66 tỷ đồng. Năm 2018 có 5 doanh nghiệp với tổng giá trị lỗ gần 24 tỷ đồng, khó có khả năng bảo toàn vốn đầu tư.
Liên quan đến 3 dự án chung cư của Tổng Công ty Địa ốc Sài Gòn tại quận 10, ngày 23/4, Văn phòng UBND TP.HCM có văn bản chỉ đạo các sở ngành, UBND quận 10 rà soát các thủ tục, báo cáo để TP xem xét giải quyết. Các dự án gồm: Dự án xây mới chung cư Nguyễn Kim – Khu B, phường 7; dự án xây mới chung cư Thành Thái và dự án lô A chung cư Bưu Điện tại phường 14.