Sa Pa có điều muốn nói

Sa Pa là một trung tâm du lịch. Nói không ngoa là đi trên phố, vào cà phê, vào quán ăn hoặc tới những điểm du lịch cũng đều gặp người nơi khác đến. Và đã đi du lịch thì khách lại thích la cà quán xá, ăn uống và mua sắm.

Sa Pa là một trung tâm du lịch. Nói không ngoa là đi trên phố, vào cà phê, vào quán ăn hoặc tới những điểm du lịch cũng đều gặp người nơi khác đến. Và đã đi du lịch thì khách lại thích la cà quán xá, ăn uống và mua sắm.

Hàng thổ cẩm ở Sa Pa.

Hàng thổ cẩm ở Sa Pa.

Trước hết nói chuyện cà phê. Phải nói là vì là nơi nhiều người tới nên Sa Pa cũng có quán cà phê, dẫu không nhiều, bởi người địa phương vẫn thích uống trà hơn. Chúng tôi phải leo lên tận ngọn đồi, chị phục vụ bưng ra hai ly cà phê trong khung cảnh buồn buồn, chẳng sang trọng gì mấy mà ly cà phê cũng mất 40 ngàn đồng. Nhưng khi dừng chân ở quán dành cho khách nước ngoài, dựa lưng vào thung lũng Mường Hoa, ngồi nơi đây có thể tận hưởng cảnh sắc tuyệt vời của mây, của cây cỏ, của sương mù, của lũng sâu thì chỉ phải trả có 25.000 đồng.

Tiếp theo là chuyện ăn. Ở Sa Pa có những món ăn mà về lại quê mình không tìm đâu ra được. Các hàng nướng bán rất nhiều, tập trung ở Nhà thờ Sa Pa vào đêm, ngay con đường dưới chân núi Hàm Rồng, các quán chen ngang trong phố và tại Bản Cát Cát hoặc núi Hàm Rồng. Những món ăn có tên rất địa phương: Thắng cố, gà bản, heo cắp nách, cơm lam, trứng nướng, khoai nướng, bắp nướng... Cách ăn "bụi" ở Sa Pa luôn làm cho khách thích thú. Thí dụ khi chúng tôi dừng chân ở một chiếc lều nhỏ ngay thác Cát Cát, bà chủ quán bày biện một lò than nướng để nướng đồ ăn phục vụ du khách. Khách ngồi trên những chiếc ghế nhỏ, cứ một xâu thịt là 15.000 đồng, ống cơm lam nhỏ là 8.000 đồng, trứng gà nướng là 3.000 đồng, bắp nướng hoặc khoai lang nướng có giá 5.000 đồng... Khách ăn bao nhiêu, sau đó tính tiền.

Rượu thì có rượu ngô, sán lùng, rượu táo mèo đựng trong các chai pet nhựa loại nửa lít. Khách có thể uống một ly giá 10 ngàn đồng hoặc nửa lít là 40.000 đồng... Ăn kiểu dân dã như thế, uống vài ly rượu trong tiết trời se lạnh của Sa Pa có cảm giác rất ngon miệng. Ngay tại một nhà sàn phục vụ ăn uống trên lưng chừng núi Hàm Rồng quyến rũ du khách bằng con gà nướng quay vàng rụm trên bếp than hồng. Bảng giá ghi: Gà nướng bản giá một con 350 ngàn đồng. Chúng tôi chê mắc thì bà chủ hàng giảm giá ngay tức khắc còn 250 ngàn đồng. Nhưng khá bất ngờ khi chúng tôi bước vào một quán ăn đàng hoàng, có nhân viên phục vụ thì giá lại rẻ hơn ở ngoài là một xâu thịt chỉ còn 10.000 đồng, một ống cơm lam là 7.000 đồng, gà bản là 220 ngàn đồng và một con heo cắp nách là 400 ngàn đồng (heo cắp nách có nghĩa là có thể kẹp con heo vào nách được).

Hết chuyện ăn tới chuyện massage chân. Lúc đầu tôi không hiểu tại sao ở Sa Pa lại có nhiều nơi massage chân và tắm thuốc đồng bào dân tộc đến thế. Các điểm massage chân này rất lộ thiên, khách đi trên đường có thể nhìn thấy rõ các hoạt động bên trong. Sau một cuộc hành trình đi bộ, đôi chân mỏi nhừ, tôi mới hiểu tác dụng của các điểm này. Mỏi chân cỡ nào, nhưng bảo đảm chỉ bỏ 100 ngàn đồng ngâm thuốc và massage chân là hôm sau lại có thể tiếp tục đi bộ đến các điểm du lịch ở Sa Pa. Nói rõ thêm là phần lớn các tour tuyến ở Sa Pa đều đưa khách đi bộ, dẫu có khi đoạn đường cả 5-7 cây số, với lý do là để du khách tận hưởng cảnh đẹp của thị trấn mù sương này.

Chuyện chính là mua sắm. Mua sắm thứ nhất là hạt dẻ rừng. Đi dọc theo con đường xuyên qua chợ Sa Pa, từ thấp lên cao là gặp những người bán hàng bán các loại rể, lá thuốc, rể thuốc và hạt dẻ tươi, hạt dẻ rang bơ hoặc rang muối. Thuốc thì trị bách bệnh, có hướng dẫn sử dụng trên bao bì, không biết có công hiệu không? Riêng hạt dẻ rang chín thì được bán với giá 120 ngàn đồng/ký.

Hoa lan và trái cây rừng ở Sa Pa.

Hoa lan và trái cây rừng ở Sa Pa.

Rất nhiều cửa hàng lớn nhỏ bày bán đủ mọi hàng hóa cho khách mặc sức mà mua sắm. Nhưng dẫu là xứ lạnh, nhưng Sa Pa không có hàng sales giống như ở Đà Lạt. Tất cả hàng bày bán đều không có treo bảng giá, cho nên khách dễ bị lọt vào mê hồn trận giá cả. Lợi thế chính là nếu không mua những món hàng đó ở Sa Pa thì không mua được ở nơi khác. Rất nhiều du khách nước ngoài chọn mua những chiếc ba lô nhiều ngăn, những đôi giày leo núi và áo khoác chống lạnh. Khách Việt lại chuộng mua những chiếc vòng bạc đủ loại, những chiếc khăn choàng cho ấm cổ.

Một bộ phận người H'Mông và Dao Đỏ cứ vào buổi sáng là ra Quảng Trường trung tâm bày bán những thứ mà mình làm ra. Những món hàng họ bán nhiều khi mua chỉ cho vui như những tấm vải thêu, cái yếm dân tộc, những chiếc mũ nồi và những túi xách, bóp tay bằng thổ cẩm. Những người khác thì lại lên trên đường bán các loại trái cây rừng như táo Mèo, Dâu tây đến lan rừng, mật ong và nhiều loại rể thuốc.

Dạo chợ, dạo phố, ghé các cửa hàng ở Sa Pa đôi khi không mua một thứ gì hoặc mua về mà chẳng biết làm gì cũng là cái thú rong chơi khi đến nơi này.

VIỆT KHUÊ

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/111_217260_sa-pa-co-dieu-muon-noi.aspx