Sa Pa phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao

Nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất, thị xã Sa Pa đang tập trung khai thác những thế mạnh về khí hậu, thổ nhưỡng để phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với phát triển du lịch. Đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm được ngành nông nghiệp và chính quyền thị xã đặc biệt quan tâm.

Sa Pa có khí hậu mát mẻ quanh năm, phù hợp với việc phát triển các sản phẩm nông nghiệp ôn đới như các loại rau, hoa, dược liệu… Hiện nay, Sa Pa có gần 300 ha đất sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, tập trung chủ yếu tại những nơi có thời tiết mát mẻ, độ ẩm không khí cao như khu vực thị trấn Sa Pa cũ và những xã lân cận. Một số công nghệ đã được người dân, doanh nghiệp ứng dụng mang lại hiệu quả rõ rệt như xây dựng hệ thống nhà lưới; cơ giới hóa khâu làm đất; áp dụng quy trình sản xuất nông nghiệp tốt; sử dụng công nghệ trong sơ chế, bảo quản sau thu hoạch…

Vườn dâu ứng dụng công nghệ cao vừa tạo sản phẩm an toàn vừa thu hút khách du lịch. Ảnh: T.L

Vườn dâu ứng dụng công nghệ cao vừa tạo sản phẩm an toàn vừa thu hút khách du lịch. Ảnh: T.L

Công ty TNHH Hà Lâm Phong là một trong những doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư vào sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao để trồng nấm hương. Với hơn 1,5 ha, công ty đã xây dựng 17 nhà trồng nấm, 13 nhà ươm và 2 nhà cấy nhân giống. Đây là mô hình trồng nấm hương áp dụng quy trình công nghệ cao, học hỏi theo mô hình sản xuất tại Trung Quốc - một trong những nơi có công nghệ trồng nấm hương tốt nhất trên thế giới. Mỗi năm, doanh nghiệp này sản xuất hơn 80 tấn nấm hương đã sấy khô, chủ yếu xuất khẩu sang thị trường Đài Loan, lợi nhuận 5 tỷ đồng/năm. Công ty cũng tạo việc làm ổn định cho khoảng 30 lao động tại Sa Pa.

Bên cạnh trồng nấm, điều kiện khí hậu tại Sa Pa cũng khá lý tưởng cho việc trồng các loại hoa. Trên địa bàn thị xã hiện có 3 doanh nghiệp, hợp tác xã và 102 hộ đầu tư trồng hoa ứng dụng công nghệ cao như hoa ly, hoa hồng... Diện tích trồng hoa ứng dụng công nghệ cao tại Sa Pa hiện nay đạt 168 ha, là địa phương có diện tích ứng dụng công nghệ cao vào trồng hoa lớn nhất tỉnh. Mô hình sản xuất này mang lại doanh thu bình quân 1,4 tỷ đồng/ha/năm, lợi nhuận bình quân 520 triệu đồng/ha/năm. Ngoài ra, thay vì canh tác thông thường, các loại rau, cây ăn quả, cây dược liệu cũng được người dân ứng dụng công nghệ cao. Tính bình quân, khi ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp, giá trị kinh tế đạt 250 triệu đồng/ha/năm, cao hơn rất nhiều so với sản xuất truyền thống.

Mặc dù hiệu quả kinh tế từ sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là rất lớn, nhưng để phát triển loại hình sản xuất này tại Sa Pa gặp không ít khó khăn. Tuy có lợi thế về khí hậu, nhưng địa hình của Sa Pa lại phức tạp, chia cắt mạnh, độ dốc lớn gây khó khăn cho việc đưa cơ giới hóa vào sản xuất, giao thông chưa thực sự thuận lợi nên làm tăng chi phí đầu tư, vận chuyển. Diện tích đất sản xuất nông nghiệp tại thị xã Sa Pa hiện khoảng 7 nghìn ha (gần 9% diện tích đất tự nhiên), trong đó có 3,6 nghìn ha ruộng bậc thang 1 vụ, còn lại chủ yếu là đất đồi, dốc, phù hợp với trồng ngô, rau, dược liệu, cây ăn quả. Do vậy, để sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, bên cạnh sản xuất trên diện tích đất tự nhiên, nhà đầu tư cần sản xuất trên giá thể để tận dụng diện tích núi đá, đất bạc màu. Chi phí đầu tư cho sản xuất nông nghiệp công nghệ cao rất lớn nên việc mở rộng gặp không ít khó khăn. Ngoài ra, để sản xuất mang tính hàng hóa với diện tích đủ lớn là rất khó, bởi đất đai tại Sa Pa manh mún, nhỏ lẻ và người dân lo ngại khi cho thuê, chuyển quyền sử dụng đất…

Bà Trần Thị Lan Hương, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thị xã Sa Pa cho biết: Sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao mang lại hiệu quả kinh tế rõ rệt, đây là một trong những hướng sản xuất được Sa Pa đặc biệt quan tâm. Việc sản xuất ứng dụng công nghệ cao tại Sa Pa đang gặp không ít khó khăn, cần sự vào cuộc của nhiều cơ quan chuyên môn cũng như chính quyền địa phương. Trong bối cảnh Sa Pa được quy hoạch thành thị xã, việc phát triển nông nghiệp công nghệ cao sẽ được định hướng phát triển gắn với du lịch để khai thác tối đa thế mạnh về điều kiện tự nhiên. Những mô hình sản xuất nông nghiệp sẽ trở thành một trong những điểm đến thu hút du khách, làm đa dạng sản phẩm du lịch của địa phương cũng như nâng cao hiệu quả kinh tế cho người dân từ sản xuất nông nghiệp.

Thúy Phượng

Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/kinh-te/sa-pa-phat-trien-nong-nghiep-ung-dung-cong-nghe-cao-z3n20200106150308248.htm