Sa Pa trong nỗi thất vọng của du khách

Sa Pa như một đại công trường với cảnh đào xới, 'băm nát' bởi những dự án khách sạn nghỉ dưỡng, nhà hàng ăn uống. Du khách lên chơi thời gian này bị cảm giác khó chịu.

Sa Pa - đại công trường

“Mấy năm trước thì hoang sơ lắm, nay thì khác rồi”, đó là câu cửa miệng của bất cứ ai khi được hỏi về Sa Pa, từ những người dân đã sống ở nơi này mấy chục năm thậm chí những du khách mới có vài lần đặt chân đến đây. Quả thật, chỉ 2 - 3 năm trước thị trấn của tỉnh Lào Cai còn đậm chất núi rừng Tây Bắc, nhưng nay đã thay đổi quá nhanh chóng.

Sa Pa những ngày cuối tháng 12 mùa đông ướt nhẹp, nhiệt độ chỉ khoảng 7 – 8 độ C, mặt đường là hỗn hợp của sương mù, đất đá từ các công trình và rác thải, tạo thành một thứ bùn đặc sệt mà di chuyển trên đó người đi đường phải hết sức cẩn thận. Thời tiết chẳng thể dự đoán được khi nào trời quang mây tạnh, phần lớn du khách ngồi nhâm nhi bên tách cà phê và ngắm nhìn khoảng không mù mịt phía trước với hy vọng sẽ được ngắm cảnh thị trấn trong vài giây ngắn ngủi.

Sa Pa và những trăn trở thời kỳ chuyển mình “Mấy năm trước thì hoang sơ lắm, giờ thì khác rồi”. Đó là câu cửa miệng của bất cứ ai khi được hỏi về Sa Pa, từ những người dân đã sống ở đây mấy chục năm đến du khách quen thuộc.

Sa Pa bắt đầu chuyển mình kể từ khi con đường cao tốc Hà Nội – Lào Cai thông xe vào đầu năm 2014. Những dự án nghìn tỷ cũng theo đó mà hình thành. Hàng loạt nhà hàng, khách sạn, khu nghỉ dưỡng...mọc lên che khuất những hàng thông xanh. Giá nhà đất tại những con phố trung tâm thị trấn đã lên tới 100-200 triệu đồng mỗi m2, tăng gấp đôi trong vòng 3 năm qua.

Rảo bước trên những con phố ở thị trấn, đập vào mắt du khách là những chiếc máy cẩu, máy xúc ồn ã ẩn hiện lúc mờ lúc ảo. Phố Xuân Viên lởm chởm đất đá... một chiếc xe chở vật liệu xây dựng khi dừng lại bốc dỡ cũng khiến cả đoạn ùn tắc, xe cộ thi nhau lao lên vỉa hè. Du khách không thể thong thả dạo phố mà phải nhảy cóc hết bước này qua bước khác để tránh ổ gà, ổ voi trên đường.

Theo báo cáo của tỉnh Lào Cai, số lượng ôtô đến thị trấn Sa Pa mỗi ngày khoảng 5.000 - 8.000 chiếc. Các phương tiện kể cả xe tải đều phải đi qua trung tâm thị trấn gây ách tắc thường xuyên, mất an toàn giao thông, ảnh hưởng lớn đến hoạt động du lịch. Trong khi đó, do khó khăn nguồn vốn, tuyến đường BOT kết nối Lào Cai-Sa Pa triển khai chậm. Tuyến đường sắt khổ rộng 1.435 mm chưa được nghiên cứu cụ thể và dự án sân bay Lào Cai vẫn chưa được khởi công xây dựng.

Khách du lịch nước ngoài tìm đến với cảnh quan thiên nhiên Sa Pa nhưng lại gặp những công trình xây dựng giống như những khu đô thị khác.

Khách du lịch nước ngoài tìm đến với cảnh quan thiên nhiên Sa Pa nhưng lại gặp những công trình xây dựng giống như những khu đô thị khác.

Sa Pa bị đào xới từ hẻm ra đến đường chính. Những công trình xé toạc không gian lưng chừng núi. Công nhân xen lẫn khách du lịch chen nhau qua lại trên đường.

Sa Pa bị đào xới từ hẻm ra đến đường chính. Những công trình xé toạc không gian lưng chừng núi. Công nhân xen lẫn khách du lịch chen nhau qua lại trên đường.

Đêm xuống lẫn trong màn sương là từng dòng xe tải chở vật liệu ì ạch từng bước trên con dốc. Tiếng gạch va vào nhau loảng xoảng, tiếng người gọi nhau ý ới ở một công trường xây dựng ngay giữa trung tâm thị trấn.

Từ ngày Sa Pa "thay da đổi thịt" cuộc sống của những người dân nơi đây cũng dần bận rộn với xi măng, gạch đá. Vừa nhanh tay nhặt những viên gạch chuyển lên xe rùa, chị Mỉ - người phụ nữ Mông chia sẻ: “Có việc thì cứ làm thôi, làm bao giờ xong thì được nghỉ’. Họ là những người dân tộc thiểu số ở những vùng lân cận thị trấn để lại nương rẫy để lên phồn hoa mong muốn thay đổi cuộc đời.

Từ ngày làm công nhân xây dựng cho các công trình ở Sa Pa, Lò Láo Lùng và Dương Văn Hồi làm có thu nhập ổn định hơn việc làm rẫy hay đi lao động sang Trung Quốc.

Từ ngày làm công nhân xây dựng cho các công trình ở Sa Pa, Lò Láo Lùng và Dương Văn Hồi làm có thu nhập ổn định hơn việc làm rẫy hay đi lao động sang Trung Quốc.

Nguyễn Chí Thanh đã làm thợ xây ở Sa Pa được ngót nghét 1 năm. Qua một người bạn giới thiệu, anh bỏ nương bỏ rẫy đến thị trấn để làm với mức lương 250.000 đồng/ngày. Mỗi tháng anh làm được 25 công.

Lò Láo Lù, người Mông mới đến Sa Pa khoảng 1 tháng nay. Ngày trước anh đi làm ở Trung Quốc với mức lương 300.000 đồng/ngày. Bây giờ ở Sa Pa, cũng với cường độ công việc như vậy, thậm chí thời gian có phần dễ thở hơn, anh cũng kiếm được 200.000 đồng/ngày.

Dương Văn Hồi, người dân tộc Giáy (sinh năm 1990) cũng làm thợ lát nền gạch ở một vài nơi như thành phố Lào Cai, Yên Bái. Cuối cùng cậu chọn dừng chân ở Sa Pa bởi lý do đơn giản: “gần nhà mình hơn, có việc gì đi về cũng tiện”. Họ chung nhau một căn nhà trọ giá 1,5 triệu đồng có thể ở 4 - 5 người, mỗi tháng tranh thủ về nhà một lần.

Khách sạn mọc lên ít nhiều mang đến công ăn việc làm và thu nhập đảm bảo cho những người dân vùng núi.

Những công nhân trắng đêm với công trường để kiếm tiền trang trải cuộc sống.

Những công nhân trắng đêm với công trường để kiếm tiền trang trải cuộc sống.

Những người đàn ông của bản của núi, ngày trước chỉ biết cắm mặt trên những nương rẫy nương ngô, nay họ có thể kiếm mỗi tháng cả triệu đồng, con số không hề nhỏ đối với người dân tộc thiểu số ở Việt Nam.

Những người đàn ông có tên Thanh, Lù, Hồi…họ chẳng hề biết rằng Sa Pa đang trở thành một đại công trường, họ chẳng hề biết rằng người ta đang xót thương cho một Sa Pa gạch vữa lổn nhổn. Họ chỉ biết rằng công việc hiện tại đang nuôi sống gia đình vốn chỉ trông chờ vào vài vụ lúa vụ khoai mà trận lũ năm nay đã cuốn trôi đi tất cả.

Thu nhập của những người Mông trên công trường bằng mấy mùa khoai trên rẫy.

Thu nhập của những người Mông trên công trường bằng mấy mùa khoai trên rẫy.

Sa Pa mất chất

Những người dân tộc thiểu số từ trẻ đến già trong bộ váy sặc sỡ từ lâu đã bị cuốn theo nhịp sống hối hả của một thị trấn đang chuyển mình. Chụp hình cùng khách để xin tiền hay chèo kéo khách mua hàng ở Sa Pa dường như là "đặc sản" của những người mà tiếng ngoại quốc còn sõi hơn tiếng phổ thông. Họ ngày càng bạo dạn hơn, vội vã hơn nhiều so với trước.

Sân Quần ở trung tâm thị trấn hiện nay luôn lấp lánh những sắc màu phát ra từ chiếc ôtô điện, máy cân bằng điện phục vụ khách du lịch. Trước cửa nhà thờ, người ta dập dìu chơi đùa vui vẻ, vài đứa trẻ dân tộc Mông ăn mặc đẹp đẽ ngồi đợi khách đến chụp ảnh cùng. Chụp xong chúng sán lại chào mời mua hàng. Khách nào thương tình thì bấm bụng mua cho vài ba món đồ lưu niệm, có người dúi vội vào tay chúng tờ bạc mười nghìn, hai mươi nghìn mà không biết rằng càng như thế sẽ càng làm hư bọn trẻ, tạo thói quen xấu.

Buổi tối, bọn trẻ người Mông lại kéo nhau ra sân Quần, bên bảng hiệu điện tử sáng chói giữa màn đêm, chúng vẫn nhẫn nại ngồi đợi mặc dù chỉ lác đác vài bóng khách du lịch. Phần lớn, những cô cậu này đã nghỉ học. Điều quan tâm duy nhất của đứa trẻ từ sáng đến đêm là bán được hàng, kiếm được tiền cho dù chúng có phải chân trần, mặc chẳng đủ ấm trong tiết trời đông lạnh. Ngoài ra chẳng còn gì lo lắng nữa, tương lai chúng cũng mịt mờ như màn sương vô định.

Thanh niên trai bản ra công trường, trẻ em tìm kiếm khách du lịch, những người già trong bộ váy sặc sỡ quẩn quanh khu chợ tìm kiếm thức ăn thừa, nhặt giấy vụn đốt để sưởi ấm đêm đông. Tất cả cũng chỉ vì hai chữ "mưu sinh".

Những đứa trẻ dân tộc Mông đợi khách đến chụp ảnh cùng và xin tiền đã là hình ảnh quen thuộc nhiều năm nay tại Sa Pa.

Những đứa trẻ dân tộc Mông đợi khách đến chụp ảnh cùng và xin tiền đã là hình ảnh quen thuộc nhiều năm nay tại Sa Pa.

Những đứa trẻ từ sáng đến chiều tối bất chấp giá lạnh để bán hàng hoặc chụp hình với khách để được tiền.

Những đứa trẻ từ sáng đến chiều tối bất chấp giá lạnh để bán hàng hoặc chụp hình với khách để được tiền.

Khu phố ẩm thực đối diện sân Quần vốn tấp nập đông đúc với những món nướng, món lẩu trứ danh nhưng từ khi chợ được chuyển về chỗ mới thì khu phố trở nên ảm đạm như cái tiết trời vào đông của Sa Pa vậy. Hàng quán ngừng hoạt động, mấy tấm biển hàng treo lủng lẳng bên ngoài, khẽ đung đưa bởi con gió đông. Vài người Dao, người Mông bán hàng và thỉnh thoảng lắm mới có khách hàng ghé chân.

Nhưng khi đêm xuống, đây lại là nơi trú ngụ của mấy chục con người từ mọi ngõ ngách đổ về. Ban ngày họ lang thang khắp Sa Pa để bán hàng, tối đến họ tụ tập ở đây, nhanh chân nhận cho mình một chỗ ngả lưng.

“Không biết được ngủ ở đây đến bao giờ nhưng tốt hơn vỉa hè nhiều, ngoài đấy lạnh lắm”, một người phụ nữ Dao Đỏ đảo mắt tìm một chỗ trống trong căn phòng chật hẹp đã gần như kín người nằm.

Những người phụ nữ mưu sinh quanh khu chợ bỏ hoang.

Những người phụ nữ mưu sinh quanh khu chợ bỏ hoang.

Gian phòng bên cạnh chỉ còn sót lại tấm ván gỗ không đủ chắn gió là chỗ ở của ba người phụ nữ Mông đã ngót nghét gần 100 tuổi. Ban ngày họ đi nhặt rác loanh quanh trong thị trấn: “Đói quá phải đi nhặt rác thôi”. May mắn trong ngày hôm đấy, các bà được một nhà hàng cho hai tảng thịt đông cứng. Ba người thay nhau chặt chặt xẻ xẻ để có bữa cơm ngon. Nhưng với thời tiết hiện tại đến tối miếng thịt ấy cũng không thể rã đông được. Họ đành gặm bánh mì bằng cái miệng móm mém đã rụng hết cả hàm răng.

Khuya, sương giăng đầy, trong căn nhà bỏ hoang một người cuộn tròn trong chiếc bao tải, hai người kia ngồi đốt lửa sưởi qua đêm.

Trong khu chợ bỏ hoang, những phụ nữ người Mông, Dao...đốt lửa sưởi ấm dưới cái lạnh 9 - 10 độ C.

Trong khu chợ bỏ hoang, những phụ nữ người Mông, Dao...đốt lửa sưởi ấm dưới cái lạnh 9 - 10 độ C.

Sa Pa qua con mắt nữ du khách Hà thành

Lần đầu lên Sa Pa, Kiều Ly (23 tuổi) đã chuẩn bị rất kỹ càng. Chuyến đi chỉ 3 ngày 2 đêm nhưng cô gái Hà Nội đã phải lên kế hoạch khoảng 2 tháng trước, từ đặt nhà nghỉ, xe khách đến các điểm đi chơi. Tuy nhiên sau đó hành trình của Ly đã kết thúc trước 1 ngày. Cô bạn lên Sa Pa đúng những ngày mù mịt ẩm ướt, cả thị trấn chìm trong một màn sương dày đặc, tầm nhìn chỉ cách vài bước chân, chẳng thể đi đến những nơi đã dự định. "Có ở lại cũng không biết đi đâu", Ly nói.

Giữa màn sương, cô gái đến từ thủ đô vẫn nghe thấy tiếng khoan đập của một vài công trường gần nhà nghỉ, còn những chiếc máy cẩu, máy xúc ồn ã ẩn hiện lúc mờ lúc ảo.

“Chắc phải 2-3 năm nữa mình mới quay lại Sa Pa, hy vọng đến lúc đó mọi thứ đã được xây dựng xong, thị trấn sẽ đẹp hơn”, Ly kỳ vọng.

Thích Sa Pa từ khi vừa biết những cung đường phượt, Đức Lê bắt đầu rời thủ đô lên Sa Pa lập nghiệp từ năm 2010. Đức đứng ra tổ chức những tour leo núi sau mở rộng thêm kinh doanh nhà nghỉ, café và đồ ăn nhẹ. Lượng khách hàng của anh ngày một tăng qua các năm, có những khi phòng nghỉ kín chỗ trước cả tháng.

Theo báo cáo của tỉnh Lào Cai, lượng khách du lịch đến Sa Pa năm 2017 là trên 2,5 triệu, ước tính đến 2020 trên 4 triệu lượt, 2030 vượt 8 triệu lượt khách vừa mang lại kinh tế đáng kể cho địa phương đồng thời gây áp lực lớn về giao thông cho thị trấn du lịch.

Khu chợ bày bán các sản phẩn truyền thống của người dân tộc nằm gần quảng trường Sa Pa.

Khu chợ bày bán các sản phẩn truyền thống của người dân tộc nằm gần quảng trường Sa Pa.

Mới đây, trong buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhất trí chủ trương nâng cấp Sa Pa từ thị trấn lên thị xã đồng thời cũng nhắc nhở phải làm sao cho đỡ xáo trộn và tốn kém.

Thủ tướng cũng khẳng định trong buổi làm việc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Lào Cai vào đầu tháng 12/2017, nếu chuyển đổi mà làm mất đi văn hóa thì Sa Pa cũng không còn nữa: "Sa Pa phát triển không chỉ là những ngôi nhà, những con đường, mà văn hóa của người địa phương, của các dân tộc anh em ở đây là rất quan trọng. Chúng ta giữ gìn văn hóa để đây là yếu tố thu hút lâu dài trên cơ sở phát triển hạ tầng, các điều kiện để tương xứng với thị xã".

Sa Pa đang được xây dựng để trở thành khu du lịch quốc gia và kỳ vọng sẽ mang tầm quốc tế.

 Sa Pa vẫn là một trong những điểm du lịch yêu thích của giới trẻ.

Sa Pa vẫn là một trong những điểm du lịch yêu thích của giới trẻ.

Kiều Ly (đeo kính) cùng nhóm bạn trẻ đốt lửa sưởi ấm trong homestay.

Kiều Ly (đeo kính) cùng nhóm bạn trẻ đốt lửa sưởi ấm trong homestay.

Sống gần trọn đời người ở vùng núi Sa Pa, bà Tâm ngồi sưởi ấm trước hiên nhà, mắt xa xăm về công trình, trầm ngâm: “Cũng khó nhìn thật đấy nhưng mọi thứ rồi cũng phải phát triển chứ, đâu thể mãi là một Sa Pa hoang sơ như mấy chục năm trước được, qua thời kỳ này rồi sẽ ổn thôi, Sa Pa sẽ đẹp trở lại”.

Để có được miếng đất xây nhà nghỉ như bây giờ, Đức đã phải mất một thời gian khá dài tìm hiểu và thương lượng để thuê, chủ yếu phục vụ các bạn trẻ với đam mê xê dịch. Sau này, khi mọi thứ dần đi vào ổn định, vì một vài lý do tế nhị, một phần công trình bị lấy lại và hoạt động kinh doanh riêng ngay sát cơ sở của anh. "Thương trường như chiến trường mà, nhưng nhìn các bạn trẻ hào hứng mỗi lần đến với Sa Pa, có người đơn giản chỉ ngồi uống cafe ngắm núi ngắm rừng cũng khiến những người làm dịch vụ như mình thấy có thêm động lực để làm mọi thứ tốt hơn", Đức chia sẻ.

Sương mù vẫn bao phủ quanh Sa Pa ngày này qua ngày khác. Mỗi đợt thời tiết như thế này kéo dài nửa tháng mới nhìn thấy mặt trời. Cái nắng của Sa Pa mà Nguyễn Thành Long từng phải thốt lên qua con chữ: “Nắng bây giờ bắt đầu lèn tới, đốt cháy rừng cây. Những cây thông chỉ cao quá đầu, rung tít trong nắng những ngón tay bằng bạc dưới cái nhìn bao che của những cây tử kính thỉnh thoảng nhô cái đầu màu hoa cà lên trên màu xanh của rừng. Mây bị nắng xua, cuộn tròn lại từng cục, lăn trên các vòm lá ướt sương, rơi xuống đường cái, luồn cả vào gầm xe”.

Cảnh tượng ấy, có lẽ sẽ rạo rực như niềm tin của những người như bà Tâm, bạn trẻ Đức hay du khách Hà Nội tên Ly về một Sa Pa của hai ba năm tới…

Quỳnh Trang - Tùng Tin - Tiến Tuấn

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/sa-pa-trong-noi-that-vong-cua-du-khach-post803797.html