Sà vào chiếu xẩm chợ Lồng
'Con người của xã Yên Phong nói chung và huyện Yên Mô thuộc đất Ninh Bình của cố đô xưa nó lạ lắm, chả giống với bà con trong thiên hạ tý nào đâu. Anh tính, ai đời, với chúng tôi, hàng ngày ngoài cơm nước ra không kể, thiếu thức gì thì thiếu chứ nhất định không thể thiếu 'cái món' hát xẩm được. Xẩm với người dân đất này chả khác gì hơi thở đâu, thật đấy!' - Ông Vũ Văn Phó, một trong những người học trò 'cưng' của cụ Hà Thị Cầu, nghệ nhân hát Xẩm lừng danh đất Việt, đã mở đầu câu chuyện với tôi như thế.
Ông Phó kể: Chuyện rằng, ngay sau khi ra đời, hát xẩm đã từng trở nên rất hưng thịnh. Nhưng thời nào kim cương ấy. Bắt đầu từ những năm 60 của thế kỷ trước trở đi, vì nhiều nguyên nhân cả chủ quan lẫn khách quan. Rồi thì do điều kiện môi trường và xã hội, đặc biệt là do những quan niệm sai lầm, các phường xẩm không riêng gì ở đất cố đô Hoa Lư xưa cứ lần lượt thay nhau rã đám.
Và tới một lúc nọ, trong thinh không rộng lớn, chả còn thấy vang vọng tiếng hát xẩm cùng tiếng nhị tiếng phách nữa. Có một điều khiến cho các nghệ nhân hát xẩm và đông đảo những người yêu mến nó cảm thấy hoang mang khi cụ Hà Thị Cầu "người hát xẩm cuối cùng của thế kỷ 20" - linh hồn của nghệ thuật hát xẩm theo bước tổ nghề vân du về miền cực lạc vào năm 2013 thì, xẩm cũng sẽ chỉ còn là dĩ vãng, làm gì có tương lai cho loại hình nghệ thuật diễn xướng thuần Việt độc nhất vô nhị ấy nữa. Nhưng mà…
Ngay sau âm tiết "nhưng mà…" bỗng dưng sắc mặt ông Phó trở nên tươi rói, đầy thần thái. Ông lão tỷ tê tâm sự, cái sự lo lắng ấy của những người yêu xẩm chỉ diễn ra trong chốc lát mà thôi. Vì rằng, do không muốn thứ di sản văn hóa phi vật thể mà tổ nghề, cùng biết bao các thế hệ tiền nhân và người mẹ của mình nhọc nhằn gây dựng, để lại cho hậu thế, cuối cùng thành công dã tràng, năm 2018, bà Nguyễn Thị Mận, con gái cụ Hà Thị Cầu đã mạnh dạn thành lập câu lạc bộ chiếu xẩm mang tên người mẹ đẻ của mình.
Nghệ sĩ Bùi Công Sơn (người chơi đàn nguyệt) và các học trò nhỏ tại chiếu xẩm chợ Lồng.
Rồi thì một ngày nọ, chiếu Câu lạc bộ Xẩm chợ Lồng thuộc xã Yên Phong, nơi quê chồng của nghệ nhân ưu tú Hà Thị Cầu ra đời. Chị Lê Thị Chiến, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Xẩm chợ Lồng chia sẻ, các thành viên tham gia Câu lạc bộ Xẩm chợ Lồng bằng tình yêu dành cho môn nghệ thuật truyền thống. Và ai nấy đều có chung một nguyện ước: lan tỏa được tình yêu xẩm đến cộng đồng.
Vẫn trong trạng thái xúc động đầy thiêng liêng ấy, chị Chiến cho hay, đã từng rất nhiều lần, bằng nghệ thuật hát xẩm, Câu lạc bộ Xẩm chợ Lồng tự nguyện tổ chức những cuộc biểu diễn để quyên góp vật chất, tiền bạc cho các hoạt động thiện nguyện đầy ý nghĩa không chỉ dừng lại ở phạm vi địa phương cấp huyện, tỉnh. Vậy đấy, bằng tính chân - thiện - mỹ truyền thống, nghệ thuật hát xẩm đã khẳng định phần nào tính cộng đồng, và giá trị xã hội thời công nghiệp 4.0.
"Xin được tự hào khoe với anh thế này, bây giờ ở huyện Yên Mô, cái nôi của hát xẩm, ngoài Chiếu xẩm chợ Lồng cánh tôi ra, còn có rất nhiều các câu lạc bộ khác cùng hoạt động với mục đích bảo tồn, phát triển nghệ thuật hát xẩm đấy nhé!" - Thần thái rạng rỡ, chị Mận bỗng dưng chủ động hạ giọng thì thầm, vẻ đầy thiêng liêng - "Này, anh biết không, Chiếu xẩm chợ Lồng không chỉ có các thành viên là người xã Yên Phong góp mặt đâu. Câu lạc bộ chúng tôi còn sự tham gia của những người rất trẻ từ tỉnh bạn lặn lội tới tham gia nữa đấy!".
Một trong những người trẻ vốn dĩ trước đó rất xa lạ với chị Mận và các thành viên của Chiếu xẩm chợ Lồng chính là nghệ sĩ Bùi Công Sơn. Lâu nay người trong cõi dân gian quen gọi anh chàng đó bằng cái tên trìu mến thân thương: Sơn "xẩm". Thiên hạ gọi chàng nghệ sĩ tuổi đời chưa đến 30, nhưng đã có hơn chục năm trời "ăn cùng xẩm, ngủ cùng xẩm" ấy như vậy là vì nhẽ, tại khác khu chợ miền Bắc, hình ảnh Bùi Công Sơn trải chiếu hát xẩm đã trở nên vô cùng thân quen.
Cho rằng mình "có căn duyên với xẩm" từ lúc còn đang mài đũng quần trên ghế trường làng, Bùi Công Sơn kể: tình cờ một bữa nọ bắt gặp trên màn hình tivi hình ảnh nghệ nhân Hà Thị Cầu đang độc diễn, ngay lập tức anh bị xẩm quyến rũ. Thoạt đầu là xem và nghe người nghệ sĩ ấy biểu diễn. Rồi thì sau đó Sơn mày mò tìm hiểu về nghệ thuật hát xẩm. Và học theo. Nhưng mà "không thày đố mày làm nên", Sơn chủ động tìm đến những người chuyên kéo nhị gần nhà để học các ngón đàn. Không chỉ thế, Sơn lân la làm quen với các nghệ nhân hát xẩm để xin được làm học trò của họ.
Quần áo nâu sồng, vóc vạc thư sinh với nước da trắng trẻo cùng gương mặt thông minh, tuấn tú và tóc dài mượt đen búi củ hành sau gáy, Bùi Công Sơn tủm tỉm nửa đùa nửa thật rằng, mình là cái anh chàng cổ mốc, rêu phong. Từ dáng hình cho tới lời ăn tiếng nói của Sơn đều mặc định điều này: cái tâm hồn xẩm đã ngấm sâu vào máu thịt của anh thật rồi.
Nghe nói, chả ai bảo ai, hầu hết các nghệ sĩ xẩm có "thương hiệu" đều thừa nhận với nhau một sự thật: nghe Sơn hát người ta thấy thoảng đâu đó cái hồn xẩm của cố nghệ nhân Hà Thị Cầu đã được trao truyền ấn định trong anh. Trong nhân gian ai đó đã cho rằng, Sơn "xẩm" chính là truyền nhân của cố nghệ sĩ Hà Thị Cầu, hẳn là rất xác đáng?! Và, người ta đã không hề ngoa ngôn tý tẹo nào khi gọi anh: "Người xẩm"!
Những nghệ sĩ hát xẩm tương lai của chiếu xẩm chợ Lồng.
Một lúc nọ, bỗng ghìm một cái thở nặng, Sơn "xẩm" kể: cái số mình đã thật đen đủi khi chuẩn bị "khăn gói quả mướp" rời đất Thái Bình "đánh đường" sang huyện Yên Mô để xin được tầm sư học đạo với cụ Hà Thị Cầu thì bất ngờ nhận được tin nghệ nhân ưu tú trứ danh ấy qua đời. Sự kiện đó khiến cho Sơn cảm thấy hụt hẫng và vô cùng hoang mang. Nhưng cơ may vẫn chưa đóng kín cửa với Sơn. Bởi vẫn còn đâu đó vài ba nghệ nhân vốn là học trò của cụ Hà Thị Cầu để "trao duyên" xẩm cho Sơn.
Sơn chia sẻ, với nghệ thuật hát xẩm, bảo tồn chưa đủ mà phải tính tới chuyện phát triển thì loại hình diễn xướng dân gian truyền thống ấy mới có cơ hội tồn tại một các căn cơ, bền vững được. Với khát vọng nhân văn ấy, Sơn đã giơ tay để chạm vào ước mơ bằng việc mở chiếu quy tụ các em thiếu nhi có cùng đam mê tại khu chợ Lồng.
Một trong những điều "chẳng giống ai" tại chiếu xẩm chợ Lồng của Sơn là cái cách sáng tạo xẩm hợp thời cuộc. Sơn trải lòng, với xẩm cổ chỉ dành cho những người đam mê, hiểu về xẩm. Còn muốn phổ cập phải dùng ngôn ngữ hiện đại, dễ hiểu đi vào tâm thức người nghe. Đấy chính là một phương thức phát triển nghệ thuật hát xẩm truyền thống một cách căn cơ, bài bản.
*
Buông cái thở dài nhẹ nhõm, ông Vũ Xuân Năng, một trong những "của hiếm" trong giới nhạc công vừa có thể đánh trống và gõ xênh. Và cũng là người đã từng gắn bó với nghệ nhân Hà Thị Cầu quãng thời gian dài mấy chục năm bỗng tỏ ra áy náy: "Hóa ra cánh già chúng tôi đã lo xa bằng thừa anh ạ. Cứ ngỡ rằng, sau khi cụ Hà Thị Cầu khuất núi theo tiên tổ thì cái nôi xẩm Yên Mô sẽ rã đám, chả ai thèm đoái hoài gì tới món nghệ thuật độc đáo ấy nữa. Nhưng không phải thế!'.
Run run kéo vạt áo chấm vào hai khóe mắt chăng đầy những vết chân chim ngang dọc, ông Năng nghèn nghẹn tiếp lời: "Đúng là "tre già măng mọc!". Các lớp hậu duệ của nôi xẩm Yên Mô chúng tôi đã biết bảo nhau nhất tâm giữ cho bằng được nghệ thuật hát xẩm truyền thống. Lại còn có những người rất trẻ như anh Bùi Công Sơn cùng xúm vào chung lòng không những chỉ đơn thuần bảo tồn xẩm mà còn tìm cách phát triển nó lên cho hợp với thời cuộc mà sống mãi. Chả còn lo xẩm bị một mai mai một nữa thật rồi. Mà xẩm còn thì chả lo văn hóa làng bị băng hoại, mất gốc dù có "ra biển lớn" gì đi chăng nữa, phải không anh nhỉ?!".
Nguồn VNCA: https://vnca.cand.com.vn/tu-lieu-van-hoa/sa-vao-chieu-xam-cho-long-i635335/