Sắc áo Công an nơi tuyến đầu chống dịch
Đêm, khi người dân chìm trong giấc ngủ thì dưới những cơn mưa tầm tã, các chốt kiểm soát dịch COVID-19 của tỉnh Hải Dương lại bắt đầu nhiệm vụ trên các cung đường. Mỗi chốt gồm các thành viên là Công an (chốt trưởng), Quân sự, Y tế, Giao thông, Dân quân tự vệ, tình nguyện viên, các đoàn thể và các lực lượng khác...
Trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, UBND tỉnh Hải Dương đã thành lập các chốt liên ngành trên các tuyến đường bộ, đường sắt ra, vào địa bàn tỉnh. Cùng với các lực lượng, Công an tỉnh Hải Dương với vai trò nòng cốt đã đảm bảo kiểm soát đường ra, vào; kịp thời phát hiện, ngăn chặn, cách ly các trường hợp nghi vấn có nguy cơ lây nhiễm vào địa bàn.
Đêm trắng ở điểm chốt
5h sáng, Thượng tá Vũ Dương Tường, Trưởng Công an huyện Gia Lộc (Hải Dương) và các lãnh đạo Công an huyện mới trở về trụ sở. Từ khi các chốt kiểm soát dịch COVID-19 được dựng lên ở các cửa ngõ ra vào huyện, các con đường liên thôn, cường độ làm việc của anh và lãnh đạo đơn vị càng thêm căng thẳng, cùng lúc vừa chống dịch, vừa đảm bảo an ninh trật tự (ANTT) trên địa bàn nhưng ai cũng quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ.
6h chiều, cơn mưa nặng hạt khiến anh và lãnh đạo đơn vị bồn chồn, lo lắng không yên. Ăn vội bát cơm, Thượng tá Vũ Dương Tường thúc giục các cán bộ nhanh chân xuống các chốt. Địa điểm đầu tiên họ dừng chân là chốt kiểm soát nằm trên địa bàn thị trấn Gia Lộc. Chốt ở đầu ngõ giáp ranh giữa TP Hải Dương và huyện Gia Lộc thường ngày các phương tiện ra vào tấp nập. Vào ban đêm, các phương tiện ra vào thưa thớt hơn nhưng không vì thế cán bộ chốt được ngơi nghỉ.
Dưới ánh đèn vàng hắt hiu, Thiếu tá Nguyễn Văn Tiệp cùng đồng đội lặng lẽ làm nhiệm vụ. Từng từng phương tiện lần lượt ra vào. Các chủ phương tiện ô tô, xe máy phối hợp với lực lượng cắm chốt dừng xe vào vị trí để kiểm tra y tế, đo thân nhiệt tất cả người trên xe. Dưới cơn mưa như trút nước, phải đứng 1 ca 8 tiếng, đôi chân của ai cũng mỏi nhừ, đôi giày đã thấm nước. Dù vất vả nhưng Thiếu tá Tiệp và các thành viên của tổ công tác vẫn không rời vị trí. Bởi ai cũng hiểu rằng chỉ cần một chút sơ sểnh, bệnh dịch có thể lây lan trên địa bàn.
Một lỗ thủng nhỏ trên chiếc bạt, từng giọt nước chảy tí tách xuống chiếc giường bạt được dùng làm chỗ nghỉ tạm trong ca trực của cán bộ, chiến sĩ. Thượng tá Vũ Dương Tường cùng anh em nhanh chóng dùng các miếng dán chít lại... Ngay sau khi UBND tỉnh ban hành kế hoạch và Công an tỉnh xây dựng phương án triển khai Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, Công an huyện Gia Lộc đã tham mưu cho UBND huyện ban hành kế hoạch, khảo sát toàn bộ các tuyến đường trên địa bàn huyện; xây dựng phương án trình UBND huyện phê duyệt. Trên địa bàn huyện Gia Lộc có 25 điểm cần lập chốt để kiểm soát, cách ly. Trong đó có 1 chốt do tỉnh đảm nhiệm, 12 chốt huyện đảm nhiệm và 12 chốt giao cho xã đảm nhiệm.
Sau khi xây dựng xong phương án, 0h ngày 1-4, Công an huyện Gia Lộc đã triển khai lực lượng tại 12 điểm chốt do huyện đảm nhiệm để kiểm soát người và phương tiện ra vào địa bàn huyện. Thời điểm đầu, các chốt mới chỉ có sự tham gia của lực lượng Công an. Tối hôm đó, anh em bắc rạp ngay tại các địa điểm ra vào huyện...
Đến 0h ngày 1-4, công tác hậu cần đã bước đầu đáp ứng được nhiệm vụ của chốt cách ly và tiếp tục được bổ sung. Cùng lúc vừa thống nhất phân công nhiệm vụ lần 1 cho thành viên từng chốt, đồng thời phải lo công tác hậu cần, công việc đối với cán bộ đơn vị rất vất vả nhưng ai cũng quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ. Đến ngày 6-4, Công an huyện Gia Lộc đã xử phạt 20 trường hợp không đeo khẩu trang; rà soát và phát hiện một số trường hợp có thân nhiệt cao hơn nhưng không đến từ vùng dịch. Các chốt đến thời điểm này đều thực hiện đúng quy trình rà soát.
Ngoài ra, Công an huyện Gia Lộc đã phát hiện, xử lý 11 trường hợp vi phạm liên quan đến dịch COVID-19. Trong đó, có 5 vụ 6 trường hợp có các hành vi lợi dụng dịch COVID-19 để trục lợi; khởi tố 1 vụ, xử phạt hành chính 4 vụ, 5 đối tượng với số tiền 32 triệu đồng.
Không nuôi tằm vẫn ăn cơm đứng
Lúc chúng tôi đến khoảng 22h, chốt kiểm dịch COVID-19 số 10 tại huyện Ninh Giang, trên tỉnh lộ 392 đến huyện Tứ Kỳ (Hải Dương) mới có được bữa ăn tối trong ngày. Những bữa cơm được hậu cần Công an huyện Ninh Giang chuẩn bị tươm tất là vậy, giờ cũng nguội ngơ nguội ngắt. Ở trong chốt chẳng có gì để hâm nóng nhưng đến giờ này, tất cả đều đói nên vài người tranh thủ ăn trước, số còn lại vẫn thay phiên làm nhiệm vụ.
Là một trong những chốt kiểm soát quan trọng trên địa bàn huyện Ninh Giang, phụ trách đường 392, tuyến giao thông huyết mạch của huyện, mỗi ngày ở đây có khoảng 3.000 công nhân thường xuyên đi qua, hàng chục nghìn lượt người dân và phương tiện qua lại. Hằng ngày, vào các khung giờ cao điểm là 7, 12h, 15h và 20-21h, khi các công nhân tăng ca, chốt làm nhiệm vụ vất vả nhất. Vì thế, anh em tăng cường hàng chục cán bộ, chiến sĩ làm nhiệm vụ, với mục tiêu đảm bảo người dân phòng, chống dịch COVID-19 nhưng cũng phải đảm bảo nhanh nhất cho người và phương tiện qua lại.
Chia sẻ với chúng tôi, một cán bộ Công an huyện Ninh Giang cho biết: Một ngày điểm chốt phải làm việc 24/24h, chia làm 3 ca liên tục, bữa ăn của anh em vì thế thường quá bữa. Vất vả nhất là những ca ban đêm, vào thời điểm này tất cả các quán xá đều đã đóng cửa nên nhiều khi chỉ có bánh mỳ và lương khô...
Chứng kiến buổi làm việc của các chốt kiểm soát dịch COVID-19 của huyện Ninh Giang, chúng tôi cảm nhận được phần nào sự vất vả của các anh, chị. Một ngày 8 tiếng, chia làm 3 ca thường xuyên phải đứng nên anh em ai cũng thấm mệt nhưng đều cố gắng hoàn thành nhiệm vụ được giao. Sau khi trở về từ ca trực, họ lại về các khu cách ly tập trung của Công an huyện Ninh Giang.
Cũng như các chốt kiểm soát dịch COVID-19 khác trên địa bàn, những ngày này họ phải hy sinh niềm hạnh phúc nhỏ nhoi là những giây phút yên ấm bên những người thân trong gia đình. Mỗi cán bộ, chiến sĩ làm nhiệm vụ đều cảm thấy trách nhiệm của bản thân với cộng đồng, trong việc chung tay ngăn chặn đại dịch COVID-19.
Trao đổi với chúng tôi, Thượng tá Hoàng Kim Thái, Trưởng Công an huyện Ninh Giang cho biết: Công an huyện đã huy động 55 cán bộ, chiến sĩ tham gia chống dịch. Mỗi chốt đều có 5 thành viên tham gia. Trong trường hợp không có lực lượng quân đội thì các chốt sẽ có giáo viên và một số đoàn thể khác. Trong đó, Công an huyện đã bố trí 3 chốt, mỗi chốt 10 người, có 3 đồng chí công an chia làm 3 ca thay phiên nhau làm nhiệm vụ.
Phòng, chống dịch theo phương châm 4 tại chỗ
Trao đổi với chúng tôi, Đại tá Lê Ngọc Châu, Giám đốc Công an tỉnh Hải Dương cho biết: Thực hiện Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ và Công điện số 02/CĐ-BCA-V01 của Bộ trưởng Bộ Công an về việc thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19, Công an tỉnh Hải Dương đã triển khai quyết liệt đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch và bảo đảm ANTT trên địa bàn tỉnh.
Trên tinh thần chỉ đạo của UBND tỉnh, Công an tỉnh Hải Dương đã xây dựng phương án phong tỏa địa bàn tỉnh Hải Dương để phòng, chống dịch bệnh COVID-19. Công an tỉnh Hải Dương đã thành lập 166 chốt liên ngành gồm công an (chốt trưởng), quân sự, y tế, giao thông, dân quân tự vệ, tình nguyện viên, các đoàn thể và các lực lượng khác theo điều kiện và tình hình cụ thể của từng chốt.
Theo nhiệm vụ được phân công, các chốt sẽ kiểm soát chặt chẽ người, phương tiện ra vào địa bàn tỉnh Hải Dương; phát hiện sớm, ngăn chặn các nguy cơ lây lan dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với các ban ngành, chính quyền địa phương và phát huy phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ trong kiểm soát, quản lý người dân ra vào, cư trú trên địa bàn tỉnh, bảo đảm tình hình ANTT phục vụ phòng, chống dịch bệnh theo phương châm 4 tại chỗ.
Đồng thời, Công an tỉnh Hải Dương đã rà soát địa điểm trên địa bàn toàn tỉnh để xác định các chốt thực hiện nhiệm vụ cách ly tỉnh Hải Dương với các tỉnh xung quanh gồm: Quảng Ninh, Hải Phòng, Bắc Ninh, Bắc Giang và TP Hà Nội. Cùng với việc kiểm tra sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân nghiêm túc chấp hành mọi quy định và khuyến cáo của cơ quan chuyên môn trong thời gian thực hiện lệnh cách ly; đồng thời kiên quyết xử lý, đề xuất xử lý nghiêm các hành vi cố tình vi phạm, chống đối, khai báo y tế gian dối.
Tại các chốt sẽ sử dụng rào chắn, barie, phương tiện, vật tư y tế, dựng lều bạt tại chỗ để sinh hoạt và thực hiện nhiệm vụ. Ngoài ra, trên các tuyến giao thông đường thủy, đường sắt cũng bố trí phương án cụ thể như tạm ngừng hoạt động, kiểm soát y tế để phòng dịch bệnh.
Kết quả đến nay, các chốt đã kiểm soát 521.008 lượt người, 322.886 lượt phương tiện. Phát hiện 149 người sốt, đưa về xã theo dõi 11 người, còn lại theo dõi tại chỗ. Nhắc nhở không đeo khẩu trang đối với 580 người, xử lý 45 người. Cùng với đó đã xử lý nhiều trường hợp có sức răn đe. Điển hình là sự việc xảy ra tại phường Nhị Châu, TP Hải Dương (Hải Dương).
Khoảng 8h30’ ngày 5-4, tổ công tác của phường Nhị Châu gồm 6 đồng chí, tổ chức tuyên truyền, vận động đối với các hộ dân và những người bán hàng rong tại khu dân cư số 2, phường Nhị Châu chấp hành các quy định về phòng, chống dịch bệnh COVID-19. Tổ công tác đã tuyên truyền, vận động và yêu cầu bà Trần Thị Cánh (sinh năm 1957, trú tại Khu 3, phường Nhị Châu) bán thịt lợn tại vỉa hè thực hiện đúng các quy định về việc bán hàng đảm bảo vệ sinh và bán đúng nơi quy định.
Bà Trần Thị Cánh đã chấp hành thực hiện ngay theo yêu cầu của tổ công tác. Khi tổ công tác tiếp tục tuyên truyền về công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19 thì đối tượng Trần Xuân Sơn (sinh năm 1981, trú tại khu 3, phường Nhị Châu là con trai của bà Trần Thị Cánh) đi đến khu vực tổ công tác có hành vi chửi bới, đe dọa, ngăn cản không cho tổ công tác làm nhiệm vụ và dùng dao tấn công tổ công tác.
Ngay sau đó, các thành viên của tổ công tác đã khống chế, tước hung khí của đối tượng và đưa Trần Xuân Sơn về trụ sở công an phường. Giám đốc Công an tỉnh đã chỉ đạo Cơ quan cảnh sát điều tra Công an TP Hải Dương phối hợp với Viện KSND cùng cấp củng cố hồ sơ, ra quyết định khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can và ra lệnh bắt tạm giam đối với Trần Xuân Sơn về hành vi chống người thi hành công vụ...
Tại các chốt kiểm soát, chúng tôi cũng đã ghi nhận tấm lòng của người dân với CBCS công an và các thành viên tổ công tác. Những món quà của người dân gửi đến các chốt kiểm soát chống dịch COVID-19 vào những ngày này là sự động viên, khích lệ những người làm nhiệm vụ tiếp tục chân cứng đá mềm, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.
Nguồn ANTG: http://antg.cand.com.vn/phong-su/sac-ao-cong-an-noi-tuyen-dau-chong-dich-589759/