Sắc bùa náo nức đường xuân Hà Tĩnh
Khi mỗi góc nhà đã thơm mùi bánh chưng xanh, điểm tô hoa đào thắm, thì những thanh âm của tiếng trống, thanh la, câu chúc trong điệu sắc bùa ở vùng thôn quê Hà Tĩnh cũng náo nức trong thời khắc giao thừa…
Gửi gắm lời chúc bình an
Hát sắc bùa là loại hình nghệ thuật dân gian mang ý nghĩa chúc tụng nhân dịp đầu năm mới. Loại hình nghệ thuật này “mở màn” vào giữa đêm giao thừa, khi nhà nhà tất bật sửa soạn cho ngày Tết cổ truyền và chờ đợi giây phút giao thời giữa năm cũ với năm mới.
Theo lời kể của các cụ cao niên, mỗi đội sắc bùa thường có từ 5-10 người, trong đó có 1 người hát chính gọi là “cái kể”, những người hát phụ còn lại gọi là “con xô”. Cái kể hát “trịch” trước, mỗi người trong đội hát một câu so le, câu kết cả đội cùng hát gọi là hát sắc, họ đều thuộc các bài hát “chúc”, biết “lộn” (múa).
Những người còn lại vừa hát, vừa sử dụng một trong các nhạc cụ là coòng, thanh la, hai thanh tiền, trống “tầm vinh” (hay trống cơm) và trống con. Diễn viên thường mặc quần trắng, áo dài đỏ, vàng hoặc xanh, đầu vấn khăn hoặc để trần, thắt dải lưng điều hay hoa lý.
Nghệ nhân nhân dân Trần Khánh Cẩm, người đã có rất nhiều năm dày công sưu tầm, nghiên cứu về loại hình văn hóa này cho biết: “Dọc miền đất nước có rất nhiều nơi hát sắc bùa, nhưng đậm nét nhất vẫn là khu vực miền Trung mà tiêu biểu là ở Hà Tĩnh. Lối diễn xướng này có tên là hát sắc bùa bởi thời xưa, điểm bắt đầu hát sắc bùa thường từ đền chùa. Đội hát sẽ xin những lá bùa bình an ở đây, sau đó đi tới từng gia đình trong thôn xóm hát các bài chúc mừng năm mới. Những lá bùa bình an được trao cho gia chủ với hàm ý xua đuổi tà ma, cái xấu; mang lại may mắn, bình an cho gia đình trong năm mới…”.
Rộn ràng đón năm mới...
Phường sắc bùa ở thôn Phú Yên, xã Hương Xuân (Hương Khê) vào mỗi dịp xuân về lại náo nức, rộn ràng bởi những buổi tập chuẩn bị cho đêm giao thừa. Ông Dương Bá Mận - Trưởng phường sắc bùa thôn Phú Yên vui vẻ chia sẻ: “Năm nay, phường sắc bùa chúng tôi kết nạp thêm một số thành viên mới, nên đợt này phải dành thời gian tập luyện nhiều hơn”.
Còn trong căn nhà nhỏ của cụ Phan Công Hường (thôn Hiệu Châu, xã Kỳ Châu, huyện Kỳ Anh), tiếng trống cơm, tiếng sinh tiền gõ nhịp cũng đã rộn ràng gọi các thành viên tập trung. Ở tuổi 85, dù đôi chân không còn nhanh nhẹn nhưng cụ Hường vẫn hát hay, diễn dẻo, là “linh hồn” của đội sắc bùa thôn Hiệu Châu.
Cụ Hường vui mừng chia sẻ: “Tết đến, xuân về, đội hát sắc bùa đang ngày đêm tập luyện không chỉ để phục vụ bà con mà còn đi giao lưu với các đội bạn. Thường thì trong năm, đội sắc bùa thôn chúng tôi cũng biểu diễn nhiều dịp khác nhau, nhưng hát sắc bùa vào dịp Tết Nguyên đán được xem là dịp trọng đại và mang nhiều cảm xúc nhất…”.
Trong dòng chảy của cuộc sống hiện đại, hát sắc bùa đang được trao truyền và có được những mảnh đất riêng để gìn giữ, phát huy. Tại Trường THCS Kỳ Tân (xã Kỳ Tân, huyện Kỳ Anh), những buổi học ngoại khóa ngày cuối năm, 120 thành viên Câu lạc bộ “Em yêu làn điệu sắc bùa” của trường cũng đang chuẩn bị những tiết mục đón tết.
Cô giáo Nguyễn Thị Thanh Mai - Hiệu trưởng Trường THCS Kỳ Tân cho hay: “Trước khi các em nghỉ tết, nhà trường tổ chức một buổi biểu diễn về sắc bùa, vừa mang đến không khí tết cổ truyền, vừa giúp các em có một sân chơi hấp dẫn ngoài giờ lên lớp…”.
Cuốn hút và đời thường, giai điệu của lối hát sắc bùa, cùng tiếng trống, thanh tiền, thanh la… làm sống dậy những ký ức của bao lớp cao niên, trung niên về một thời tuổi trẻ, gợi nhắc nỗi nhớ quê nhà thao thiết trong lòng người con xa quê. Sự “hồi sinh” của loại hình nghệ thuật dân gian này cũng đang làm cho không khí ở nhiều làng quê Hà Tĩnh càng thêm náo nức, vui tươi và ý nghĩa khi tết đến, xuân về.
Thu Trang
Nguồn Hà Tĩnh: http://baohatinh.vn/ve-ha-tinh/sac-bua-nao-nuc-duong-xuan-ha-tinh/186259.htm