Sắc chàm trên váy áo phụ nữ Nùng U Nấm Dẩn

Nằm dưới cánh rừng nguyên sinh Đèo Gió, xã Nấm Dẩn từ lâu được biết đến là nơi gìn giữ gần như nguyên vẹn nét văn hóa truyền thống của đồng bào Nùng U. Giữa nhịp sống hiện đại đang len lỏi khắp các bản làng vùng cao, người Nùng U ở Nấm Dẩn vẫn duy trì nghề nhuộm chàm, thêu dệt thổ cẩm tạo nên những bộ váy áo mang đậm bản sắc văn hóa truyền thống.

Người phụ nữ Nùng U thường mặc trang phục màu đen đặc trưng kết hợp với trang sức làm bằng bạc trong dịp tết, lễ hội.

Người phụ nữ Nùng U thường mặc trang phục màu đen đặc trưng kết hợp với trang sức làm bằng bạc trong dịp tết, lễ hội.

Người Nùng U vốn có lịch sử lâu đời với nhiều phong tục, tập quán đặc sắc, nhưng nổi bật hơn cả chính là trang phục của người phụ nữ. Bộ váy áo của phụ nữ Nùng U không sặc sỡ như một số dân tộc khác, mà giản dị, nền nã với tông chàm trầm mặc.

Chiếc áo cánh rộng, chỉ ngắn ngang thắt lưng, cài khuy bạc giữa ngực. Viền cổ, tay áo, gấu áo được điểm xuyết bằng những dải vải xanh, trắng, đôi khi là đường chỉ màu đối lập, tinh tế mà nổi bật. Váy của phụ nữ Nùng U dài chấm mắt cá chân, xếp nếp gọn gàng, khi mặc quấn túm ra sau, cài chắc nơi thắt lưng. Đi làm nương, góc váy được buộc vắt sau lưng, tạo dáng vẻ vừa kín đáo vừa duyên dáng.

Đi cùng chiếc váy là áo năm thân màu chàm, ngắn vừa đủ che phần hông, rộng rãi để thuận tiện khi đi nương, làm đồng. Tay áo và phần ngực thường được đắp thêm vải đen, tạo điểm nhấn tinh tế. Vào những dịp lễ hội, cưới hỏi, phụ nữ Nùng U đội thêm chiếc khăn bầu chịp, đeo trang sức bạc như vòng cổ, vòng tay, trâm cài tóc, vừa làm đẹp, vừa là tín vật gửi gắm niềm tin vào thần linh bảo hộ.

Bà Vàng Thị Phương, thôn Thống Nhất, xã Nấm Dẩn cho biết: “Để làm ra tấm vải chàm bền màu ấy, cây chàm giữ vị trí quan trọng trong đời sống người Nùng U. Những thiếu nữ lớn lên bên nương chàm, học cách trồng, thu hoạch, ủ lá chàm, khoắng nước chàm với vôi, gạn lấy phần tinh chất xanh ngọc. Từ chum nước chàm, qua bàn tay người phụ nữ, những tấm vải bông trắng tinh ngấm dần sắc xanh đen, rồi được đem phơi nắng, chà bóng bằng đá cuội mịn hoặc khúc gỗ nhẵn, để sợi vải trở nên bóng, mịn, dai và lên màu đen ánh đặc trưng”.

Nấm Dẩn hôm nay vẫn giữ được những mái nhà sàn lợp ngói máng, nép bên con suối mát lạnh. Chiều muộn, trong ánh hoàng hôn, những người phụ nữ gùi quẩy củ nâu từ rừng về, chuẩn bị cho mẻ chàm mới. Củ nâu là thứ phụ gia để chàm bám chắc hơn, vải lên màu đều hơn. Hiện nay, người dân ở Nấm Dẩn vẫn duy trì nghề nhuộm chàm, may váy áo và làm các sản phẩm thủ công phục vụ du khách. Nghề xưa vẫn được truyền cho con cháu, từng mũi kim, sợi chỉ như gói ghém bao câu chuyện của bản làng.

Không chỉ giữ gìn, bảo tồn nghề truyền thống, người Nùng U ở Nấm Dẩn giờ đây coi trang phục chàm là sợi dây kết nối du lịch cộng đồng. Du khách tìm đến Nấm Dẩn không chỉ để chiêm ngưỡng những phiến đá cổ khắc hoa văn kỳ bí hay thưởng ngoạn cảnh sắc núi rừng nguyên sơ, mà còn được tự tay trải nghiệm hái lá chàm, ủ chàm, nhuộm vải, may áo, thêu khăn. Mỗi tấm vải chàm mang về như một phần kỷ niệm, một mảnh ghép văn hóa dân tộc Nùng U ở Nấm Dẩn.

Giữa vòng xoáy hội nhập, khi không ít bản làng miền núi đã mai một nghề truyền thống, người Nùng U ở xã Nấm Dẩn vẫn gìn giữ màu chàm như gìn giữ cội nguồn. Mỗi nếp váy, tấm áo, mỗi chiếc khăn đội đầu còn thơm mùi rừng núi. Đó là hồn quê, bản sắc để tiếp nối từ thế hệ này sang thế hệ khác của đồng bào dân tộc Nùng U.

Bài, ảnh: Văn Long

Nguồn Tuyên Quang: http://baotuyenquang.com.vn/van-hoa/202507/sac-cham-tren-vay-ao-phu-nu-nung-u-nam-dan-fc659e8/