Khám phá 10 phương tiện công cộng độc đáo nhất thế giới
Từ xe jeepney ở Philippines đến xe chở gà ở Guatemala, dưới đây là 10 phương tiện công cộng độc đáo phản ánh văn hóa và lối sống của người dân ở các quốc gia trên thế giới do Tạp chí National Geographic lựa chọn.

Chiếc xe jeepney là một trong những phương tiện công cộng quen thuộc ở Philippines. (Nguồn: BusinessWorld)
Jeepney ở Philippines
Xuất hiện từ thập niên 1950, jeepney là phương tiện công cộng đặc trưng của Philippines trong nhiều thập kỷ. Loại xe này là minh chứng cho sự linh hoạt và sáng tạo của người dân của quốc gia Đông Nam Á khi được cải tiến từ xe quân sự Mỹ sau Thế chiến II, rồi khoác lên mình lớp sơn đầy màu sắc, mang đậm dấu ấn văn hóa bản địa.
Tuy nhiên, dưới áp lực ô nhiễm và yêu cầu hiện đại hóa, Philippines đang từng bước thay thế xe jeepney cũ bằng các mẫu mới thân thiện với môi trường, sử dụng động cơ Euro 4 hoặc điện.
Chính quyền yêu cầu, đến năm 2029, quá trình hiện đại hóa phải được hoàn tất nhưng hiện tại, jeepney truyền thống vẫn là hình ảnh quen thuộc trên đường phố Philippines khi vừa là phương tiện thiết yếu, vừa là biểu tượng văn hóa của quốc gia này.
Xích lô ở Malacca (Malaysia)

Du khách khám phá thành phố lịch sử Malacca trên những chiếc xích lô rực rỡ. (Nguồn: Melakatravel)
Tại thành phố Malacca (Malaysia), những chiếc xe xích lô truyền thống (trishaw) đã được “hồi sinh” thành phiên bản hiện đại, đầy màu sắc và âm nhạc. Trang trí bằng đèn neon, hình ảnh nhân vật hoạt hình và nhạc sôi động, trishaw trở thành điểm nhấn văn hóa độc đáo, thu hút du khách và giới trẻ trên mạng xã hội.
Không chỉ mang tính giải trí, loại hình phương tiện này còn được số hóa. Khoảng 300 lái xe được cấp phép chính thức, có mã QR và ID riêng. Du khách có thể đặt xe qua ứng dụng iTrafik MBMB, giúp quản lý dịch vụ hiệu quả và nâng cao thu nhập cho tài xế, hiện dao động từ 5.000–6.000 Ringgit (khoảng 1.200-1400USD) mỗi tháng.
Từ một phương tiện tưởng đã lỗi thời, trishaw ở Malacca đã được “tái sinh” thành biểu tượng sống động của văn hóa giao thông, kết hợp giữa truyền thống và đổi mới, phục vụ cả nhu cầu di chuyển và trải nghiệm của du khách trong kỷ nguyên số.
Tàu treo ở Vũ Hán (Trung Quốc)

Tuyến tàu treo thu hút du khách tại thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc. (Nguồn: CGTN)
Tuyến tàu treo tại thành phố Vũ Hán (Trung Quốc) chính thức vận hành từ tháng 9/2023, là hệ thống tàu điện một ray dạng treo đầu tiên của nước này. Tàu được treo phía dưới thanh ray, lơ lửng trên cao, mang lại trải nghiệm độc đáo cho hành khách.
Mỗi đoàn tàu gồm hai toa, có sức chứa 200 người, trang bị cửa kính toàn cảnh cho tầm nhìn 270 độ ra thành phố. Tuyến đường dài hơn 10 km với 6 trạm dừng, vận hành tự động, không người lái, tốc độ tối đa khoảng 60 km/h.
Không chỉ phục vụ giao thông nội đô, tàu treo Vũ Hán còn trở thành điểm nhấn du lịch mới nhờ thiết kế hiện đại và trải nghiệm “bay giữa thành phố”.
Xe trượt tuyết điện ở Lapland (Phần Lan)

Xe trượt tuyết eSled vận hành êm ái, giúp du khách trong tour Aurora Emotion hòa mình trọn vẹn vào thiên nhiên hoang dã. (Nguồn: Mountain Sledder)
Tại vùng đất Bắc Cực Lapland (Phần Lan), xe trượt tuyết phiên bản chạy điện (e-sled) đang dần thay thế xe động cơ xăng truyền thống, mang lại trải nghiệm yên tĩnh và thân thiện với môi trường hơn.
Du khách có thể dễ dàng điều khiển e-sled để băng qua rừng tuyết, hồ đóng băng hoặc săn cực quang. Nhiều tour kết hợp hoạt động ngoài trời như nghỉ trại lửa, thăm trại tuần lộc hay tìm đá quý, biến hành trình trở thành trải nghiệm trọn vẹn trong không gian băng giá thanh bình.
Xe trượt tuyết điện không chỉ giúp giảm tác động lên hệ sinh thái mà còn dễ điều khiển, phù hợp với nhiều độ tuổi. Với tốc độ vừa phải và thiết kế an toàn, e-sled đang trở thành lựa chọn phổ biến cho cả người dân địa phương và du khách muốn trải nghiệm Lapland một cách bền vững.
Xe kéo tay ở Kolkata (Ấn Độ)

Xe kéo tay truyền thống vẫn còn hoạt động tại một số khu vực nhỏ ở Kolkata. (Nguồn: Kolkata Pages)
Kolkata (Ấn Độ) là một trong số ít thành phố vẫn duy trì loại phương tiện cổ xưa: xe kéo tay. Được du nhập từ Trung Quốc vào thế kỷ XIX, loại xe này gồm một ghế ngồi hai bánh, được kéo hoàn toàn bằng sức người. Những người hành nghề thường khỏe mạnh và dẻo dai để len lỏi giữa các con phố đông đúc, đặc biệt trong điều kiện ngập lụt hoặc đường hẹp.
Dù từng bị xem là lạc hậu và nhiều lần đối mặt với nguy cơ bị cấm, xe kéo tay vẫn tồn tại như một giải pháp đi lại linh hoạt cho những chặng đường ngắn. Hiện nay, tại một số khu phố cổ ở Kolkata, vẫn còn khoảng vài nghìn chiếc hoạt động như một phần di sản còn sót lại giữa đô thị hiện đại.
Xe trượt dốc ở Madeira (Bồ Đào Nha)

Những chiếc xe trượt này có thể đạt tốc độ lên tới 48 km/giờ. (Nguồn: Oddviser)
Tại thành phố Funchal trên đảo Madeira (Bồ Đào Nha), du khách có thể ngồi trên một chiếc ghế mây gắn thanh trượt (toboggan) để lao dốc từ khu Monte xuống phố. Loại phương tiện có lịch sử từ giữa thế kỷ XIX này từng được người dân địa phương sử dụng để di chuyển nhanh xuống trung tâm thành phố.
Ngày nay, toboggan đã trở thành một trải nghiệm du lịch độc đáo. Hai người điều khiển, gọi là carreiros, mặc đồng phục trắng, đội mũ rơm, sẽ chạy phía sau để giữ thăng bằng và điều hướng xe bằng chân. Chặng trượt dài khoảng 2 km, có thể đạt tốc độ gần 40 km/h, mang đến cảm giác hứng khởi giữa khung cảnh đồi dốc và vịnh biển thanh bình của Funchal.
Xe buýt nhỏ ở Dakar (Senegal)

Được nhập khẩu từ Pháp, những chiếc xe buýt nhỏ này nhanh chóng được cải tiến để phù hợp với nhu cầu đi lại tại địa phương. (Nguồn: Senegal-shuttle)
Tại thủ đô Dakar (Senegal), những chiếc xe buýt nhỏ (car rapide) đã trở thành biểu tượng đường phố từ thập niên 1970. Dù tên gọi nghĩa là “xe nhanh”, nhưng thực tế chúng khá cồng kềnh và chạy chậm. Xe thường được trang trí bằng màu sắc rực rỡ, hoa văn dân gian và biển hiệu phát sáng, tạo nên một diện mạo độc đáo không lẫn vào đâu. Dạng phương tiện công cộng này đóng vai trò quan trọng trong giao thông đô thị nhờ giá rẻ, linh hoạt và phù hợp với nhu cầu đi lại của người dân quốc gia này.
Tuy nhiên, trước áp lực về ùn tắc và ô nhiễm, chính phủ Senegal đang triển khai hệ thống xe buýt nhanh (BRT) chạy điện và các phương án vận tải công cộng hiện đại khác. Những chiếc car rapide vì thế đang dần được thay thế không chỉ để cải thiện chất lượng giao thông mà còn hướng đến mục tiêu phát triển bền vững cho đô thị Dakar.
Máy bay bụi ở Alaska (Mỹ)

Một chiếc de Havilland Beaver hạ cánh trên sông băng Ruth ở Vườn quốc gia Denali, nơi phần lớn Alaska vẫn không thể tiếp cận bằng đường bộ. (Nguồn: Alaska Photo Graphics)
Alaska là một trong những bang rộng lớn và thưa dân của Mỹ. Nơi đây có nhiều vùng biệt lập nên phương tiện duy nhất để tiếp cận là máy bay dân dụng loại nhỏ, thường được gọi là “máy bay bụi”. Những chiếc máy bay này có khả năng cất, hạ cánh trên đường băng ngắn, đất gồ ghề hoặc mặt nước, chuyên chở cư dân và hàng hóa thiết yếu đến các cộng đồng xa xôi, đồng thời phục vụ du khách đến khám phá thiên nhiên hoang dã.
Phổ biến nhất là các mẫu như Piper Super Cub, Cessna 206 hay De Havilland Beaver, được trang bị bánh lốp lớn, ván trượt hoặc cánh phao, cho phép hạ cánh linh hoạt giữa rừng, tuyết và hồ băng. Ngoài việc vận chuyển, chúng còn đảm nhiệm các chuyến bay cứu hộ, giao thuốc men, tuần tra động vật hoang dã và tiếp tế vào mùa Đông.
Dù hoạt động trong điều kiện khắc nghiệt và thường xuyên đối mặt với thời tiết thay đổi, máy bay dân dụng nhỏ này vẫn là một phần không thể thay thế trong cuộc sống tại Alaska.
Xe buýt lội nước ở Hà Lan

Những chiếc xe buýt lội nước độc đáo ở Hà Lan. (Nguồn: Civitatis)
Không ai ngạc nhiên khi xe buýt tại Hà Lan bất ngờ lao xuống kênh nước và tiếp tục di chuyển như thuyền. Đó chính là Amfibus – phương tiện giao thông lai giữa xe buýt và tàu thủy, do công ty Dutch Amphibious Transport phát triển. Phương tiện độc đáo này có thể chạy tới 100 km/h trên đường nhựa và 6,5 hải lý mỗi giờ trên mặt nước nhờ hệ thống đẩy thủy lực hiện đại.
Amfibus được đưa vào vận hành thử nghiệm từ năm 2009 và chính thức hoạt động tại Rotterdam từ năm 2011, sau đó mở rộng ra Amsterdam và một số thành phố khác.
Với thiết kế 55 chỗ ngồi, Amfibus chủ yếu phục vụ du lịch, mang lại trải nghiệm “hai trong một” vừa khám phá thành phố trên đường phố, vừa du ngoạn trên kênh đào đặc trưng của Hà Lan. Đây không chỉ là phương tiện vận chuyển mà còn là điểm nhấn du lịch độc đáo tại xứ sở tulip.
Xe chở gà ở Guatemala

Những chiếc xe màu sắc bắt mắt trên đường phố Antigua, Guatemala. (Nguồn: Flickr)
Tại Guatemala, những chiếc xe buýt cũ từ Mỹ được sơn sửa rực rỡ và tái sử dụng để phục vụ nhu cầu đi lại. Tên gọi “chicken bus” (xe chở gà) bắt nguồn từ việc hành khách thường mang theo cả gia cầm lên xe.
Những chiếc xe đông đúc, chật chội nhưng sống động này không chỉ là phương tiện thiết yếu của người dân địa phương mà còn mang đến những trải nghiệm khó quên với du khách. Không có giờ khởi hành cố định, xe chỉ rời bến khi đã kín chỗ. Bên trong, hành lang hẹp luôn chật người, hành lý treo trên nóc, âm nhạc sôi động và không khí lúc nào cũng rộn ràng. Với nhiều du khách, việc bước lên một chiếc chicken bus là một “nghi thức nhập gia” để thực sự cảm nhận nhịp sống thường nhật của đất nước Trung Mỹ này.
Từ những con phố rực rỡ ở Manila đến vùng tuyết trắng Lapland hay băng qua các kênh nước êm đềm ở Amsterdam, mỗi phương tiện công cộng đều kể một câu chuyện sống động về nhịp sống của mỗi quốc gia, vùng đất. Chúng là những mảnh ghép sống động trong bức tranh văn hóa bản địa, phản ánh cách con người thích nghi với địa hình, khí hậu từng khu vực. Hành trình di chuyển trên những phương tiện công cộng độc đáo này luôn là một trải nghiệm đáng nhớ đối với du khách.