Sắc diện mới vùng cao

Sau khi tái lập tỉnh - năm 1997, Phú Thọ vẫn là một tỉnh nghèo với 270 xã, phường, thị trấn nhưng có tới 31 xã là xã vùng cao, đặc biệt khó khăn (ĐBKK) và 451 khu dân cư thuộc diện ĐBKK.

Thị trấn Yên Lập nhìn từ trên cao.

Theo từng giai đoạn, các địa phương vùng cao đã có sự bứt phá mạnh mẽ. Điển hình là huyện miền núi Yên Lập, trước đây gần như sống biệt lập với các vùng bởi giao thông đi lại khó khăn, chủ yếu là những con đường mòn, vắt qua các sườn đồi, thung lũng. Trên địa bàn huyện chỉ có tỉnh lộ 98 (nay là đường 313 và Quốc lộ 70B) chạy từ Tình Cương (Cẩm Khê) qua Yên Lập tới xã Địch Quả, nối với đường từ Đồn Vàng đi Thu Cúc (Thanh Sơn) dài 37km nhưng đường xấu, gập ghềnh ổ gà, ổ voi phương tiện giao thông chỉ chạy được vào mùa khô. Đến khi tái lập tỉnh năm 1997, Yên Lập cũng mới chỉ có một km đường tại trung tâm huyện được trải nhựa, còn lại vẫn là đường đất, đường cấp phối đá dăm. Đời sống người dân đa phần khó khăn, tỉ lệ hộ nghèo, cận nghèo ở một số thời điểm chiếm xấp xỉ 50%; nhiều khu vực như ở Sáu Khe (Trung Sơn), Mỹ Lung, Mỹ Lương… thường xuyên cần đến sự cứu trợ lương thực của Nhà nước khi giáp hạt.
Tuy nhiên, nhờ những Nghị quyết chuyên đề của tỉnh, của huyện như: Tiếp tục phát triển kinh tế trang trại, kinh tế đồi rừng; chương trình phát triển kinh tế - xã hội 31 xã ĐBKK; phát triển mô hình V-A-C…, đặc biệt là các chương trình định canh, định cư, 135, 134… nên đến đầu những năm 2000, tình trạng thiếu lương thực ở Yên Lập đã cơ bản được giải quyết. Từ chỗ chỉ có khoảng 13% dân số ở khu vực trung tâm huyện và các xã Hưng Long, Đồng Thịnh, Thượng Long được sử dụng điện từ nhà máy thủy điện Bến Sơn, đến nay, sau 25 năm tái lập tỉnh, gần 100% dân số của huyện Yên Lập đã được sử dụng điện lưới quốc gia; toàn huyện chỉ còn ba khu dân cư (thuộc xã Trung Sơn) đường đến trung tâm là đường đất, trời mưa đi lại khó khăn, còn lại đã được rải cấp phối, nhựa hóa hoặc bê tông hóa.

Hạ tầng đô thị thị trấn Thanh Sơn ngày càng được cải thiện.Đặc biệt, thực hiện công cuộc đổi mới của Đảng, lấy nông nghiệp là mặt trận hàng đầu và là khâu đột phá trong nhiệm kỳ 1996-2000, nhất là sau khi triển khai thực hiện Nghị quyết số 02-NQ/HU ngày 26/4/1997 của BTV Huyện ủy Yên Lập về “Tiếp tục đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong nông nghiệp trên địa bàn huyện”, sản xuất nông nghiệp và đời sống người nông dân từng bước được cải thiện. Sức sản xuất được giải phóng một bước; chuyển từ sản xuất tự cấp, tự túc sang sản xuất hàng hóa đa canh, hiệu quả.Đáng chú ý, từ chỗ chủ yếu khai thác sản vật từ rừng và phá rừng làm nương rẫy, sản xuất lâm nghiệp thực sự trở thành một trong những thế mạnh của huyện. Từ năm 1997, sau khi triển khai thực hiện Nghị định 77/NĐ-CP của Chính phủ về đẩy mạnh công tác bảo vệ rừng đến hộ và khu dân cư, huyện đã giao cho các gia đình nhận quản lý, chăm sóc, ký cam kết bảo vệ hơn 10.000ha rừng, góp phần giảm hẳn tình trạng đốt phá rừng làm nương rẫy. Với cách làm này, công tác trồng rừng được đẩy mạnh hơn. Hiện nay, toàn huyện Yên Lập có 330ha rừng đặc dụng, 8.606ha rừng phòng hộ được khoanh nuôi, bảo vệ và hơn 18.000ha rừng sản xuất, tỉ lệ che phủ rừng luôn được duy trì trên 61%. Ngoài trồng, bảo vệ, phát triển rừng, huyện có hơn 1.250ha chè, hơn 2.000ha quế, 340ha bưởi Diễn, tạo ra vùng cây đặc sản mới trên đất lâm nghiệp và được coi là cây mũi nhọn, có ý nghĩa kinh tế lâu dài của huyện. Giá trị sản phẩm được nâng lên, đói nghèo được đẩy lùi, đời sống mọi mặt của người dân đổi thay từng ngày, đồng bào các dân tộc yên tâm, tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng, sự điều hành của Nhà nước. Ông Triệu Văn Tiên - Người uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số thôn Quán, xã Thượng Long tâm sự: Nếu không có những chương trình đầu tư, chính sách đột phá cho vùng cao và thiếu chí tự lực, tự cường của người dân địa phương thì Yên Lập vẫn còn rất nhiều gian khó.Cũng như ở Yên Lập, cách đây 25 năm, Thanh Sơn là huyện miền núi nghèo, đa số các xã thuộc vùng ĐBKK, xã an toàn khu; điểm xuất phát thấp; hệ thống giao thông về trung tâm huyện đã tương đối hoàn chỉnh nối với các khu vực trong và ngoài vùng nhưng giao thông về các xã vẫn còn rất khó khăn bởi địa hình phức tạp, việc xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng, quy hoạch, phát triển các vùng sản xuất tập trung phải đầu tư lớn; tỉ lệ hộ nghèo còn cao so với mặt bằng chung của tỉnh; trình độ dân trí, tập quán canh tác lạc hậu còn tồn tại ở một số nơi… Nhưng với tinh thần đoàn kết nhất trí, năng động, sáng tạo, sự lãnh đạo tập trung, quyết liệt của Đảng bộ cùng sự giúp đỡ, hỗ trợ của Trung ương, của tỉnh, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc Thanh Sơn đã phát huy nội lực, lợi thế, đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới với nhịp độ cao, vững chắc. Đặc biệt, sau hơn chục năm chia tách huyện, bộ mặt khu vực miền núi, vùng cao Thanh Sơn, Tân Sơn đã thực sự khởi sắc.Đồng chí Hà Văn Nội, nguyên Bí thư Huyện ủy Thanh Sơn, nguyên Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh, nguyên Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh tâm sự: Việc tái lập tỉnh Phú Thọ cách đây 25 năm và chia tách huyện thành Thanh Sơn, Tân Sơn hơn chục năm qua thực sự tạo luồng gió mới, cơ hội phát huy, khai thác mọi tiềm năng vốn có về lao động, tài nguyên thiên nhiên của địa phương. Từ đó khái quát lại các vấn đề then chốt, trọng tâm và có biện pháp chỉ đạo kịp thời cho từng thời gian nhằm mục tiêu xóa đói, giảm nghèo cho nhân dân các dân tộc trong tỉnh, trong huyện. Không chỉ ở Yên Lập, Thanh Sơn, trong suốt 25 năm qua, cùng các chương trình, dự án, chính sách của Trung ương, kể từ ngày tái lập, tỉnh luôn ưu tiên nguồn lực để phát triển KT-XH cho vùng cao, vùng đồng bào DTTS. Trọng tâm đầu tư là thực hiện các mục tiêu phát triển sản xuất, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, giảm nghèo bền vững. Những năm gần đây, cơ cấu kinh tế khu vục miền núi, vùng cao, vùng đồng bào DTTS đã có những chuyển biến rõ nét nhờ chương trình phát triển kinh tế - xã hội các xã vùng ĐBKK, chương trình sản xuất hàng hóa, xây dựng các mô hình, các chuỗi liên kết nâng cao giá trị sản phẩm. Hạ tầng kinh tế - xã hội khu vực miền núi, vùng cao, vùng đồng bào DTTS tiếp tục được đầu tư nâng cấp, trong đó cơ bản là điện, đường, trường, trạm và hạ tầng phục vụ đời sống, sản xuất. Từ chỗ thiếu thốn trăm bề, sau 1/4 thế kỷ tái lập, 100% số xã đã có đường ô tô đến trung tâm, có hạ tầng viễn thông, công nghệ thông tin; 100% thôn bản có điện lưới với trên 99% số hộ được sử dụng điện lưới quốc gia; tỉ lệ dân cư nông thôn được sử dụng nước sạch, nước hợp vệ sinh đạt 98%...Khu vực miền núi, vùng cao, vùng sâu, vùng đồng bào DTTS không còn là “vùng lõm” như những năm trước, khoảng cách phát triển với khu vực đồng bằng đã được thu hẹp, diện mạo nông thôn, đời sống của người dân khởi sắc. Phát huy khí thế và nền tảng sẵn có, khu vực miền núi, vùng cao, vùng đồng bào DTTS của tỉnh đang tiếp tục phấn đấu, nỗ lực vươn lên, chinh phục những tầm cao mới.

Đinh Vũ

Nguồn Phú Thọ: http://baophutho.vn/dan-toc-ton-giao/202201/sac-dien-moi-vung-cao-182052