Sắc dục và bạo lực - công thức thành công của siêu phẩm truyền hình
'Game of Thrones' là trường hợp thú vị trên màn ảnh nhỏ. Thành công của series thúc đẩy các hãng phim đầu tư vào dòng phim giả tưởng.
Series Game of Thrones, chuyển thể từ bộ tiểu thuyết dã sử kèm yếu tố kỳ ảo của tác giả George R. R. Martin, lên sóng HBO từ năm 2011. Phim kéo dài 8 phần và khép lại vào mùa hè 2019. Ngày 17/4, Game of Thrones sẽ kỷ niệm tròn 10 năm lên sóng.
Theo AFP, dù Game of Thrones không ít lần trở thành đề tài tranh cãi hay gây hụt hẫng vì cái kết chưa trọn vẹn, nó vẫn là hiện tượng màn ảnh nhỏ của thế kỷ XXI. Sau Game of Thrones, các hãng phim vẫn không ngừng suy nghĩ về việc làm thế nào để tạo ra một thành công tương tự.
Công thức làm phim táo bạo
Tiếng tăm của Game of Thrones trên màn ảnh nhỏ trước hết đến từ những tranh cãi xoay quanh yếu tố sắc dục táo bạo. Ngay từ tập mở màn, lên sóng năm 2011, khán giả đã bị sốc vì cảnh giường chiếu bạo liệt giữa Daenery (Emilia Clarke) với Khal Drogo (Jason Momoa).
“Tôi nghĩ nhà làm phim đã đánh giá sai khán giả từ phút mở màn… Bộ phim chứa nhiều phân cảnh dễ khiến người ta hiểu lầm với sản phẩm khiêu dâm” - bà Carolyne Larrington, giáo sư khoa Văn học trung đại trường Đại học Oxford nhận định. Larrington cũng là tác giả cuốn sách All Men Must Die: Power and Passion in Game of Thrones.
Thế nhưng, dù ngập tràn hình ảnh nhạy cảm, theo thống kê của MrSkin.com, Game of Thrones chỉ đứng thứ 7 trong bảng xếp hạng các tựa phim truyền hình có nhiều cảnh khỏa thân nhất. 73 tập phim Game of Thrones chứa tổng cộng 82 cảnh khỏa thân, với 74 trong số này thuộc về nhân vật nữ. Con số thấp hơn nhiều so với Shameless (236 cảnh) và True Blood (137 cảnh).
Sau các cảnh khỏa thân, bạo lực là yếu tố hút khách thứ hai của Game of Thrones. Tỷ lệ tử vong cao của series cũng góp phần gia tăng yếu tố bất ngờ. Theo thống kê của Statista, có 59 người bỏ mạng trong mùa một Game of Thrones. Con số tăng lên 3.523 trong mùa 8, cũng là mùa cuối của thương hiệu truyền hình.
Kịch bản phim chất lượng
Tuy nhiên, sự cuốn hút bên ngoài vẫn chưa phải yếu tố quyết định, làm nên thành công của tác phẩm. Theo thống kê từ HBO, tại Bắc Mỹ, tập cuối Game of Thrones đã thu hút 19,3 triệu người Mỹ tìm xem. Một năm sau khi tập cuối lên sóng, đây vẫn là series truyền hình được nhắc đến nhiều nhất.
Thành công của series không chỉ đến từ cảm giác giật gân về hình ảnh mà còn nằm trong đường dây câu chuyện được hai nhà sáng tạo Dan Weiss và David Benioff xây dựng từ trang văn Martin viết ra.
“Series phim cuốn hút tới vậy là nhờ sức mạnh kép của hai yếu tố chính trị và chiến tranh gia tộc. Khán giả bị thu hút bởi hành trình cách nhân vật giành, giữ và sử dụng quyền lực…
Bên cạnh đó, 8 phần phim cũng là hành trình các nhân vật trẻ tuổi tìm cách vượt ra khỏi cái bóng của cha mẹ hay ông bà mình. Đây chính là yếu tố giúp bộ phim có sức lan tỏa mạnh mẽ”, Larrington nhận xét.
Theo South China Morning Post, Game of Thrones cũng được chú ý vì xây dựng những hình mẫu nhân vật nữ với bản chất phức tạp. “Để mở rộng tập khán giả, một bộ phim giả tưởng chất lượng không thể đơn thuần xoay quanh thế giới đàn ông, còn phụ nữ chỉ đóng vai trò hiền mẫu hoặc là phần thưởng cho cuộc tranh đấu của phái mạnh”, Larrington khẳng định.
Tương lai thể loại giả tưởng trên truyền hình
Tầm ảnh hưởng của Game of Thrones đặt HBO nói riêng và nhiều hãng truyền hình nói chung trước nhiệm vụ sản xuất một series truyền hình mới với tầm danh tiếng và thành công thương mại tương tự.
Với HBO, hãng lựa chọn tiếp tục mở rộng thế giới của Game of Thrones bằng nhiều series ngoại truyện. Tuy nhiên, trong số này mới chỉ có series House of Dragon được hãng bật đèn xanh và đi vào sản xuất.
Trong khi đó, Amazon đã đầu tư 250 triệu USD để mua bản quyền chuyển thể pho tiểu thuyết Lord of the Rings của J. R. R. Tolkien thành series truyền hình. Hồi tháng 10/2020, từng có thông tin đoàn Lord of the Rings bản truyền hình đang tìm kiếm “những tài năng không ngần ngại bán khỏa thân hoặc khỏa thân trên màn ảnh vào các vai phụ” từ nhà sản xuất được công bố.
Jennifer Ward-Lealand, một chuyên gia “điều phối cảnh thân mật” trên màn ảnh, đã được chiêu mộ vào thành phần đoàn Lord of the Rings bản truyền hình. Điều này đồng nghĩa phim sẽ xuất hiện các phân cảnh giường chiếu, hoặc ít nhất, khỏa thân.
Người hâm mộ các tác phẩm của Tolkien bày tỏ bất bình trước khả năng các nội dung nhạy cảm liên quan tới tình dục sẽ xuất hiện trong bản chuyển thể truyền hình của Lord of the Rings cũng như nguy cơ series phim sẽ trở thành một Game of Thrones thứ hai.
Myles McNutt, tác giả của cuốn Game of Thrones: A Guide to Westeros and Beyond nhận định: "HBO và Amazon đang đặt cược hàng triệu USD vào cánh cửa mà Game of Thrones đã mở ra cho thể loại giả tưởng trên truyền hình. Đây là điều tôi chẳng thể tưởng tượng ra vào một thập kỷ trước khi tập phim đầu tiên lên sóng". McNutt cũng băn khoăn về phản ứng của khán giả với các series mới.