Sắc hoa Tây Bắc
Tản văn: Hoàng Liên (Thành phố)
Khi những hạt mưa xuân còn vương trên những vòm cây, tháng ba về trên quê hương Sơn La thật trong trẻo, bởi bức tranh thiên nhiên đang thời điểm đẹp nhất. Những gam màu sáng của cỏ cây, hoa lá hiển hiện, trải dài trên khắp các triền đồi, thung lũng làng bản, khiến cho lòng người cảm nhận niềm háo hức, say mê…
Tháng ba về, cả núi rừng Tây Bắc bừng lên bởi một sắc hoa, loài hoa đặc trưng mang tên người con gái Thái: Hoa ban - cái tên gắn liền với câu chuyện tình vừa lãng mạn vừa bi thương. Những nụ ban thon thon như búp tay người con gái; cánh hoa mỏng manh phơn phớt tím, tỏa hương thơm man mác dịu dàng tựa tấm lòng trong trắng của nàng ban quyết không chịu ép gả cho nhà phìa tạo, mà chỉ một lòng nguyện chung tình với chàng Khum. Nàng đã kiệt sức, chết gục trên con đường đi tìm gọi người yêu. Linh hồn người con gái Thái còn trinh trắng như ẩn trong dáng hình, hương sắc của loài hoa lạ mọc lên nơi nàng ngã xuống, cứ mỗi độ xuân về lại nở trắng khắp núi rừng Tây Bắc. Còn chàng Khum vì miệt mài đi tìm người yêu mà kiệt sức, chết hóa thành loài chim sống lẻ loi trong rừng sâu. Loài chim này chỉ cất tiếng hót khi mùa hoa ban nở, nghe da diết, khắc khoải khôn nguôi…
Với vẻ đẹp tinh khôi, thuần khiết, hoa ban trắng là nét duyên riêng của núi rừng Tây Bắc; là nguồn cảm hứng bất tận cho các văn nghệ sỹ sáng tác, khắc họa; là hương hoa đồng nội mời gọi du khách phương xa đến với Tây Bắc, với Sơn La.“Con đường nào thuở ấy thân quen, trắng rừng ban tình yêu chúng mình”… Có người con đi xa quê trở về vào dịp mùa ban nở rộ vẫn không khỏi xốn xang trước vẻ tinh khiết của loài hoa đẹp và ao ước “Hoa ban đẹp cũng được ví như hoa Anh đào của đất nước Nhật Bản vậy. Anh đào phủ kín đường phố Nhật Bản, thu hút khách du lịch khắp thế giới; vậy sao hoa ban lại không thể trở thành một loài hoa đặc trưng phủ kín đường phố Sơn La ?”.
Giờ đây một phần mong ước ấy đã trở thành hiện thực. Mỗi độ tháng ba về, hoa ban không chỉ nở trắng xóa trên những triền núi mà còn nở rộ ngay giữa lòng Thành phố, hay trước cổng các công sở; rực rỡ trong khuôn viên Quảng trường Tây Bắc- nơi khắc cốt Tượng đài Bác Hồ kính yêu. Tự hào hơn, loài hoa đặc trưng xứ xở Tây Bắc còn có mặt giữa lòng thủ đô Hà Nội, vươn cành, xòe cánh, kể mãi câu chuyện tình thủy chung của đôi trai gái thuở nào…
“Tháng ba mùa con ong đi lấy mật”!. Nếu lạc vào nơi thung lũng rừng quê Tây Bắc những ngày tháng ba, không những chỉ có những nhành Ban trắng xóa làm bạn say mê, mà đâu đó, hương thơm ngọt ngào quyến rũ lan tỏa từ những triền đồi cà phê bát ngát đang độ trổ hoa trắng tinh khôi sẽ khiến bạn thêm ngất ngây. Những chùm hoa trắng trong như bông tuyết, dịu dàng tỏa hương, gọi mời đàn ong tới hút mật, cho cây kết trái, nhả tinh túy cho đời. Bạn sẽ thấy giữa những đồi cà phê trắng xóa ấy thấp thoáng chiếc khăn piêu sặc sỡ sắc màu của các cô gái Thái. Họ là những người nông dân được đổi đời, góp phần đưa thương hiệu Cà phê Sơn La vươn xa ra khắp thị trường thế giới.
Tháng ba về, “Hoa gạo vương đầy trên lối cỏ chiều nay. Nghe rưng rức một triền đê ngập nắng. Hoa vẫn đỏ giữa khoảng trời trống vắng. Mỗi cánh hoa như tia lửa mặt trời”. Trong cái thoáng lạnh, ấm hanh của tiết trời chuẩn bị giao mùa, những chùm hoa gạo đỏ thắm bung nở trên cành, tô điểm cho bức tranh quê hương Sơn La thêm lộng lẫy. Nếu bạn đến Sơn La hãy nhớ về với vùng đất Quỳnh Nhai, Sông Mã để ngắm nhìn những chùm hoa gạo thắp lửa giữa vùng biên. Bạn sẽ cảm nhận thật êm đềm giữa không gian tĩnh lặng, một bông hoa gạo rớt xuống thảm cỏ, bên dòng nước sông Đà, sông Mã xanh biếc. Giữa không gian thanh bình ấy, tuổi thơ bạn lại ùa về náo nức, xốn xang…
“Tháng ba về mình cùng xiết tay đan. Giữa trời xuân bung tràn hương mật ngọt”. Thoảng giữa trời xuân là ngan ngát hương xoan, hương bưởi; là hoa cau rơi như mưa vàng trước ngõ; là gió heo may và nắng vàng rất nhẹ... Có ai đi xa mà không nhớ về sắc màu của tháng ba! Ở phía xa kia, phượng hồng đang ươm nụ để rồi ngập ngừng đi qua tháng ba.
Nguồn Sơn La: http://www.baosonla.org.vn/vi/bai-viet/sac-hoa-tay-bac-38349