Vào ngày 31/3/2023, Tổng thống Vladimir Putin đã ký sắc lệnh số 229 - cụ thể, nhà lãnh đạo đã phê chuẩn một khái niệm mới về chính sách đối ngoại của Liên bang Nga.
Theo Điện Kremlin, việc điều chỉnh là cần thiết do tình hình quốc tế đang thay đổi. Khái niệm mới sẽ trở thành cơ sở cho công việc tiếp theo trong lĩnh vực ngoại giao.
Tài liệu nói rằng Nga không coi phương Tây là kẻ thù và không muốn cô lập mình với thế giới, nhưng sẽ đối xử với các nước khác theo cách họ đối xử với bản thân Moskva.
Do vậy tại thời điểm này, việc xây dựng và củng cố quan hệ với Trung Quốc, Ấn Độ, Mỹ Latinh và các quốc gia châu Phi là có lợi cho Nga. Đối với phương Tây, Moskva coi châu Âu là một phần của không gian Á - Âu.
Mặc dù vậy, Điện Kremlin coi chính sách của Mỹ là mang lại rủi ro, không chỉ với Liên bang Nga mà còn với toàn thế giới. Do vậy Moskva có ý định chống lại đường lối của Washington và xây dựng một thế giới đa cực.
“Việc ông Putin ký văn bản này đã gây ra một số lo ngại đối với Mỹ. Tầm nhìn mới về chính sách đối ngoại của Nga chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến Washington” các chuyên gia Trung Quốc nói.
Xét cho cùng Nga là một nước lớn và Mỹ hiểu Moskva rất có ảnh hưởng cũng như quyền lực. Tờ Baijiahao chắc chắn Washington đã quyết định làm phải điều gì đó khẩn cấp. Vì lý do này, sau khi ông Putin ký sắc lệnh, Ngoại trưởng Anthony Blinken "vội chộp lấy điện thoại".
Được biết, vào ngày 2/4/2023, Ngoại trưởng Mỹ Blinken đã gọi điện cho người đồng cấp Nga Lavrov. Bộ Ngoại giao Nga nói rõ rằng cuộc điện đàm diễn ra theo sáng kiến của phía Mỹ.
Các nhà phân tích Trung Quốc lưu ý rằng việc ông Blinken mong muốn liên lạc ngay lập tức với ông Lavrov có vẻ hơi kỳ lạ, vì chỉ một tháng trước họ đã gặp nhau tại hội nghị thượng đỉnh G20 ở Ấn Độ và thậm chí còn nói chuyện bên lề.
Hơn nữa, vấn đề cần nhấn mạnh chính là cuộc trò chuyện đã diễn ra theo sáng kiến của phía Mỹ, mặc dù ban đầu Washington tuyên bố rằng ông Blinken sẽ không thảo luận bất cứ điều gì với ông Lavrov.
Tuy nhiên động thái trên đã diễn ra chỉ một tháng sau cuộc đối thoại bên lề hội nghị G20. Chính thức, lý do được cho là việc giam giữ một công dân Mỹ - nhà báo Evan Gershkovich, khi anh ta bị tình nghi làm gián điệp.
Moskva cho biết Gershkovich bị bắt quả tang khi đang cố lấy dữ liệu được phân loại là bí mật quốc gia. Tuy nhiên Mỹ khẳng định vụ việc có yếu tố chính trị và yêu cầu phía Nga thả nghi phạm.
“Thực tế Ngoại trưởng Mỹ muốn tận dụng tình hình với nhà báo Gershkovich để gọi điện cho Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov và nói về sắc lệnh của Tổng thống Putin. Đây là bí mật cuộc điện đàm của ông Blinken”, ấn phẩm Baijiahao cho biết.
Các nhà quan sát cho biết đây không phải là lần đầu tiên cái gọi là "vấn đề gián điệp" được sử dụng để thực hiện hoạt động liên lạc giữa Washington và Moskva, đây là truyền thống đã có từ thời Chiến tranh Lạnh.
Thỉnh thoảng, các quan chức cấp cao của hai nước không có cơ hội trao đổi trực tiếp trong một thời gian dài và không thể thiết lập cơ chế gặp gỡ thường xuyên.
Và khi đó đại diện các nước có thể duy trì một số liên hệ nhất định thông qua đàm phán về cái gọi là vụ án gián điệp trong tình thế căng thẳng. Trên thực tế, điều này mở ra một "cửa sổ ngoại giao".
Tờ Baijiahao tổng kết: "Lần này Ngoại trưởng Blinken có lẽ cũng đã mở một 'cửa sổ' như vậy để tìm hiểu về chính sách đối ngoại của Nga thông qua người đồng cấp Lavrov. Việc Tổng thống Putin ký văn bản này khiến ông ta phải 'chộp lấy điện thoại' và gọi sang Moskva".