Sắc màu câu chuyện thế nhân

Mưa ở Bình Dương (1) là tập truyện gọn và dung dị trong trình bày, loại sách có thể cầm trên tay, bỏ trong ba lô trên những chuyến đi chơi mà không ngại nặng hay sợ hư mất sách.

Với 24 truyện ngắn, Văn Giá viết như nói, thoải mái, bằng một kỹ thuật vững vàng. Khả năng xê dịch rộng, đôi mắt nhạy với các tình huống của đời, bút pháp hoạt, mỗi truyện ngắn của Văn Giá là một cảnh đời sống động được tái hiện dưới cảm quan hiện thực.

Đọc truyện ngắn Văn Giá, có thể thấy ông là một truyền nhân của Nguyễn Công Hoan, Nam Cao, Kim Lân, Nguyễn Huy Thiệp, theo kiểu gọn ghẽ, cơ động của riêng mình. Chất văn hóa Bắc Hà in đậm nơi vẻ hoạt ngôn, thông tục. Cảm hứng phê phán là chủ đạo, hòa trong các giọng điệu khác nhau: tưng tửng, thương xót, diễu cợt, cay đắng.

Những tình huống quen thuộc: sau đổ vỡ hôn nhân, các nhân vật vào Nam sống; những dan díu thoáng chốc giữa những người đã yên nơi, yên chỗ; không gian miền núi, vẻ đẹp hoang dại; công việc tẻ nhạt và những căng thẳng đô thị; mối quan hệ thầy trò thực dụng, tầm thường; những băng hoại len vào tận những ngóc ngách mà lâu nay người đời tưởng là nguyên sơ, trong lành: bản làng, thầy trò...

Tây Bắc đã in vào đây những con người, những tương giao, những không gian ám ảnh. Một Tây Bắc người thị thành ngày trở lại, đã phai rồi cái nguyên sơ, trong trẻo thuở nào. Một khúc nối đầy đam mê của mối tình thầy trò sau 11 năm gặp lại, đã làm họ như những con thiêu thân, bất chấp hậu quả, và gia đình người thiếu phụ người Dao có hai con, cuộc sống ổn định và sung túc trở thành tan nát (Thị trấn trên núi cao).

Những cuộc “tình tang” trong môi trường giáo dục; những hoa rừng cỏ nội Thái xinh tươi tan tác, và cuộc gặp bẽ bàng trong một quán karaoke phơi bày trò hoan lạc đầy son phấn thị thành (Bản phố). Một trốn lánh cảnh đời tù túng đơn điệu và kiếm tìm một bóng hình long lanh từ quá khứ như kiếm tìm cái tôi trong veo đã mất (Lên Mẫu Sơn).

Làng quê Bắc Bộ, cái nôi của Văn Giá, hiện lên trong không gian gia đình và họ tộc, với những nét khắc họa như là trải nghiệm thực. Ở đây, những cá tính và hệ lụy được mài sắc trong các biến cố lịch sử và thời sự. Có một câu chuyện mẹ chồng nàng dâu, nhưng không phải kiểu mâu thuẫn “biết rồi khổ lắm nói mãi!”, mà là “mỗi chuyện cụ hay nói tục” (tr.42).

Những mẩu đối thoại giữa mẹ - con, vợ - chồng hết sức sinh động, và ai cũng có lý, ai cũng dễ thương. Bà mẹ quê, chửi “ỉa vào mồm” những kẻ nói dối, và thường răn “nói điêu méo mồm”. Bà mẹ làm bột sắn dây, nuôi cả bầy con, tạo lập cơ ngơi, hiến hết cả nhà và cuối cùng bị lừa nốt nửa căn nhà còn lại, thưa kiện trong mấy chục năm ròng.

Một phong cách làm ăn tử tế và một sự sáng suốt “giấy rách phải giữ lấy lề”, trong cái chất phác, thô tháp ẩn chứa sự lương thiện và thẳng thắn đến quyết liệt. “Kiện ư? Kiện củ khoai. Trong một trật tự mù mịt và hoang dã đang lần mò cách thức tổ chức đời sống thế này thì kiện, kiện cái gì” (Làm U, tr.49).

Có những trang như là tự truyện (Bến Mom, Đêm ở làng, Câm sóng), trong đó nhân vật có học nhất nhà tự bỉ: “Lại nghĩ tâm hồn của người dân quê khỏe lắm. Họ không ủy mị, thậm chí bệnh hoạn như tôi. Chắc là do tôi ních vào bụng lắm chữ mà thành vậy. Càng lắm chữ, càng sinh ra hèn yếu. Lắm chữ người ta hay đắn đo, tính toán thiệt hơn. Lắm chữ cũng sinh ra hèn hạ” (tr.86).

Trở đi trở lại trong truyện ngắn của Văn Giá là nhân vật nhà giáo hay nhà báo, đi nhiều, nghĩ lắm, nhìn tinh. Người ấy có những gặp gỡ và đối thoại. Lúc thì giữa giới mình, đầy chất nam quyền, khi nói về kẻ sát gái, về những trò à ơi và những cái nhìn sắc lẹm về phụ nữ: “Tuyết có cái sắc sảo, kiểu cách của người phố xá. Lại có một chút cái chất sơn cước, nhất là đôi mắt, trông thăm thẳm, rợp bóng rừng, mờ ảo. Cái cách làm nũng trông rất lạ. Có lúc trông rất bẽn lẽn nhu mì. Có lúc lại sắc như cật nứa” (Tam Đảo mù sương, tr.196); lúc thì đung đưa, dịu dàng, lửng lơ với các chị em trí thức, là đồng nghiệp (Gió thơm, Tìm em, Thì thôi áo Tết). Có vẻ như những mối tình vụn công sở, đang là phong trào, được nhà văn chú ý.

Đô thị phả vào trang viết của Văn Giá cái gấp gáp của nhịp sống, cái rối ren của tương giao, cái luẩn quẩn của ý nghĩ. Ở đó có nhiều cái chán: cái chán giấy tờ, cái chán công việc, cái chán đồng nghiệp, cái chán cơ chế (Một ngày lưng lửng). Ở đó con người “lạc trôi” giữa thiên hạ và trong tâm tưởng. Anh chàng nhân viên rời công sở buổi chiều, vừa phân vân muốn bù khú đâu đó, vừa muốn về nhà, và trên con đường chen chúc cộ xe, khói bụi, đầu anh rối tung lên vì những ý nghĩ như bật thành lời: từ đề tài của cơ quan, đến cảnh ăn mặc hở hang chướng mắt, cái bát nháo của xã hội, ký ức một mối tình tan vỡ chỉ vì mùi khét dầu mỡ trên tóc nàng (Về thôi).

Có những truyện ngắn dừng lại ở một tình huống, phơi mở tính cách: cơn cuồng sợ (Trên máy bay) hay nỗi hoang mang trong ứng xử (Sang cầu). Văn Giá miêu tả rất khéo cái ngổn ngang trong lòng một người học viên chiều cuối năm tặng quà và phong bì cho thầy mà thấp thỏm. Được thầy nhận quà và thông qua, nhưng lòng như kiệt sức. “Hóa ra không phải là sấm sét. Có phải trong thẳm sâu, mày vẫn mong một trận sấm sét phải không hả Huệ?”. Có truyện ngắn bao trùm số phận, những long đong chỉ vì yêu và ngộ nhận, có thể dựng thành phim (Hạnh).

Chất thông tục của đời sống tràn vào văn ông khá mạnh và ông cho phép nhân vật nhìn thẳng vào hiện trạng, nói trắng ý nghĩ của mình. Một sinh viên nói với chú mình: “trường cháu cứ thi cử, học hành là tiền, tiền, tiền. Nó thành lệ thâm căn cố đế rồi”; “Cái thời chúng cháu đi học bây giờ còn nhục hơn chó, chứ đâu được sướng như thời các chú với bố mẹ cháu” (tr.45). Một nhân vật công chức nghĩ: “Nó là kết quả của việc từ tấm bé đã được nghe dạy nói dối và tập làm người nói dối” (tr.224).

Sống trong lòng ngành giáo dục, chạm trán với những tình huống bi hài, Văn Giá không ngại ghi lại chúng. Những tên quan giáo dục gạ tình để phân công nhiệm sở; tay hiệu phó trường đại học răn dạy về đạo đức liêm khiết mà nhận quà không ngơi nghỉ; vị giáo sư già làm khó cô học viên cao học mà mình hướng dẫn, vì cô ấy không biết tặng quà (Qua cầu); tình thế thầy trò tại chức: “Điểm chác thời nay trong chốn học đường, nhất là học đường tại chức cứ vay vay trả trả ma mãnh như thế đấy” (Mưa ở Bình Dương).

Truyện của Văn Giá thường mở đầu đột ngột, các nút thắt khéo léo, ém quân kỹ, kết thúc lửng lơ, đối thoại ấn tượng. Cấu trúc câu rất hoạt, thường đi theo cái nhìn, và lời nói trong đầu của nhân vật. Dung lượng từ trong câu có một độ co giãn cao: một chữ, hai, ba chữ, nhiều chữ. Có truyện chỉ toàn là nhắn tin qua điện thoại (Cú sốc). Nhiều truyện, tiết tấu dồn dập, ý nghĩ lộn xộn, cuống quýt mang lại một cảm giác rất sống động.

Đang vào cái tuổi dồi dào trong sức viết, Văn Giá hẳn còn mang lại cho chúng ta nhiều bất ngờ chưa đoán định được. Ở ông, bản năng nghệ thuật đã hình thành, theo năm tháng cũng có thể trầm sâu, trong thôi thúc chạm đến miền tư tưởng...

(1) Nxb. Thanh Niên, 2018

Nguyễn Thị Thanh Xuân

Nguồn Saigon Times: https://www.thesaigontimes.vn/291306/sac-mau-cau-chuyen-the-nhan-.html