Sắc màu lung linh trên những cây nêu ở miền Tây xứ Nghệ
Những ngày cận Tết Nguyên đán dọc các con đường thôn, xã, huyện của tỉnh Nghệ An, sắc màu lung linh trên các cây nêu được dựng lên trước cổng nhà mỗi gia đình khiến cho không khí sắc xuân đã về sớm ở nơi này.
Cây nêu ngày tết đã là một truyền thống tốt đẹp của người Việt tự bao đời nay. Cứ mỗi dịp Tết Nguyên Đán, mỗi gia đình lại trồng trước sân nhà, hoặc dựng nêu trong nhà, phía trên có treo một số vật dụng mang tính chất biểu tượng, tùy phong tục địa phương.
Ghi nhận của PV Báo Nhà báo và Công luận vào đêm ngày 5/2, tại huyện Quỳ Hợp, một huyện thuộc miền Tây xứ Nghệ. Dọc các con đường làng, ngõ xóm, các trục đường huyện, nhà nhà dựng cây nêu với rất nhiều sắc màu, khiến cho những người dân di chuyển qua đây ngỡ ngàng trước sắc xuân, không khí lung linh bởi các ánh đèn nhấp nháy mang lại.
Cây nêu đã làm cho các con đường ngày Tết ở ở đây như khoác thêm một màu áo mới, lung linh, rạng rỡ.
Nhiều cây nêu được người dân dựng trước nhà trang trí nhiều sắc màu lộng lẫy.
Được biết, theo phong tục khi hạ cây nêu cũng là lúc người nông dân xuống đồng cày cấy vào mùng 7 tháng Giêng.
Anh Phạm Ngọc Anh trú tại xóm Hợp Xuân (xã Nghĩa Xuân, huyện Quỳ Hợp, Nghệ An) đang trang trí những công đoạn cuối cùng cho cây nêu của nhà mình cho biết: “Do công việc đi làm về muộn nên tôi phải tranh thủ dựng cây nêu trong đêm nay, cố gắng phải xong trước 12h đêm cho đúng ngày truyền thống.”
“Vật liệu dựng cây nêu truyền thống cũng khá đơn giản, với các vật liệu thân cây nêu được dựng bằng tre già, quấn bóng nháy, cờ tổ quốc và dàn nháy. Cây tre thì tôi vào trong làng để xin nhà người quen nên chi phí cũng chỉ mất thêm tiền mua bóng nháy để trang trí.” – anh Ngọc Anh cho hay.
Tương tự anh Ngọc Anh, anh Trần Mạnh Thế trú tại xóm Minh Xuân (xã Minh Hợp, huyện Quỳ Hợp, Nghệ An) vừa mới hoàn thành xong cây nêu được dựng trước cửa nhà mình vào 11h đêm, anh Thế nói: “Theo phong tục thì đúng ra, trong buổi chiều hôm trước là phải dựng cây nêu luôn. Nhưng do bận công việc nên chúng tôi phải tranh thủ dựng vào buổi tối. Cây nêu dựng trước nhà mong muốn xua đuổi tà ma, những điều xui xẻo của năm cũ đi qua và năm mới đến gia đình được mạnh khỏe, bình an.”
Cây nêu truyền thống được dựng bằng cây tre, nhiều người dân tin rằng dùng cây tre làm thân cây nêu tượng trưng cho sức mạnh của người dân Việt Nam. Phía trên trang trí bằng đèn lồng, cờ tổ quốc và các bóng nháy.
Ngày nay, do điều kiện kinh tế của từng nhà và nhiều nhà đã cho dựng cây nêu sắt với bóng cờ nhấp nháy, trang hoàng dọc các trục đường.
Các lá cờ dưới những ánh đèn nhấp nháy trên con đường của 1 huyện miền Tây xứ Nghệ đã làm cho nơi này lung linh, chào đón Tết đến xuân về.
Truyền thuyết về dựng cây nêu thì rất nhiều nhưng thường mang ý nghĩa là cây bảo vệ cho người dân, cho vùng đất đó yên lành, bảo vệ khỏi quỷ dữ và tà ma xâm nhập. Bóng của cây nêu lan tỏa đến đầu thì đấy là đất Phật, đất dân lành; lũ quỹ dữ buộc chạy ra ngoài Biển Đông.
Bởi theo quan niệm của người xưa, quỷ dữ còn trong đất liền, sống chung với con người, gây nhiều thứ gây rắc rối cho con người. Khi dựng cây nêu lên, Bụt giúp người dân hóa phép trừ tà. Ngoài ra, người xưa còn dùng vôi bột vẽ mũi tên trước cổng nhằm ra hướng Đông hoặc xung quanh cây nêu trừ tà...
Cũng theo truyền thuyết cây nêu gắn liền với Phật giáo, với tín ngưỡng bản địa và đó là sự khéo léo trong phối hợp giữa hai tôn giáo. Việc dựng cây nêu ngày Tết, ngoài ý nghĩa xua đuổi ma quỷ còn mang ý nghĩa cầu cho quốc thái dân an, mùa màng tốt tươi, đất nước thịnh vượng.
Truyền thuyết về dựng cây nêu thì rất nhiều nhưng thường mang ý nghĩa là cây bảo vệ cho người dân, cho vùng đất đó yên lành, bảo vệ khỏi quỷ dữ và tà ma xâm nhập. Bóng của cây nêu lan tỏa đến đầu thì đấy là đất lành.