Sắc màu Mặt trận
Trong rất nhiều hoạt động của Mặt trận ở khu dân cư, Ngày hội Đại đoàn kết đã trở thành ngày hội của lòng dân để hướng về Ngày Truyền thống MTTQ Việt Nam (18/11/1930-18/11/2019). Ở đó có sự sẻ chia ấm ấp mà làng xóm láng giềng dành dụm cho nhau, là những cuộc hạnh ngộ thân tình. Bức tranh hội tụ mang đậm màu sắc Mặt trận như một biểu tượng sinh động cho khối đại đoàn kết, trở thành chất keo gắn kết, nhân lên sức mạnh từ mỗi cộng đồng dân cư.
Ngày 1/8/2003, Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam đã ra Nghị quyết số 04 về việc tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc và quyết định lấy ngày 18/11 hằng năm là Ngày hội Đại đoàn kết ở các cộng đồng dân cư.
Mục đích ban đầu của Ngày hội là ôn lại truyền thống của MTTQ Việt Nam, là dịp để báo cáo những kết quả hoạt động của cuộc vận động “ Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”. Nhưng sau 16 năm, Ngày hội đã không chỉ còn là đợt sinh hoạt mang tính định kỳ, nhỏ lẻ của một số người tích cực trong hoạt động xã hội mà trở thành nơi cố kết cộng đồng, nơi sẻ chia của tình làng nghĩa xóm, nơi bạn bè thân hữu gặp gỡ, nơi để người lãnh đạo được trở về với dân.
Từ thực tế cho thấy, việc tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết càng thêm ý nghĩa hơn khi có sự đồng thuận của lòng dân, lấy tinh thần đoàn kết ngày hội để giải quyết nhiều vấn đề phát sinh trong cuộc sống thường ngày, thể hiện rõ sự gắn kết cộng đồng, những bất hòa mâu thuẫn trong làng xóm được giải tỏa, tình làng nghĩa xóm thêm bền chặt…
Bức tranh hội tụ ấy chính là biểu hiện sinh động nhất biểu dương cho lực lượng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, thể hiện rõ tính đúng đắn, ý nghĩa chính trị, xã hội một cách sâu sắc về chủ trương thực hiện. Chính vì vậy, tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết đã trở thành nhiệm vụ quan trọng trong công tác Mặt trận.
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Chính sách Mặt trận là chính sách rất quan trọng. Công tác Mặt trận là công tác rất quan trọng trong toàn bộ công tác cách mạng”.
Sau khi Đảng thành lập và lãnh đạo cách mạng Việt Nam (3/2/1930), Ban Thường vụ Trung ương Đảng ra Chỉ thị thành lập Hội Phản đế Đồng minh - hình thức tổ chức đầu tiên của Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam (nay là MTTQ Việt Nam).
Trong suốt quá trình đó, đoàn kết là sợi dây xuyên suốt để Mặt trận thực hiện sứ mệnh của mình. Đoàn kết trong Mặt trận Liên-Việt, nhân dân ta đã kháng chiến chống thực dân Pháp thắng lợi, miền Bắc được hoàn toàn giải phóng và không ngừng lớn mạnh trở thành hậu phương lớn của tiền tuyến lớn miền Nam.
Đoàn kết trong MTTQ Việt Nam, Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam, Liên minh Các lực lượng dân tộc dân chủ và hòa bình Việt Nam, nhân dân ta đã làm tròn nhiệm vụ lịch sử vẻ vang giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, hoàn thành cách mạng dân tộc, dân chủ nhân dân trong cả nước.
Cứ như vậy, trong mọi hoàn cảnh khó khăn, thách thức, Mặt trận luôn là nơi khơi dậy và phát huy lòng yêu nước của người Việt Nam, tập hợp và tăng cường sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc để giành độc lập, tự do cho Tổ quốc và xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho nhân dân.
Sứ mệnh gìn giữ và xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc đã trao cho Mặt trận vai trò và sức mạnh to lớn trong mọi thời điểm, mọi hoàn cảnh mà lịch sử 89 năm qua đã minh chứng. Ở giai đoạn hiện nay, Mặt trận tiếp tục là trung tâm đoàn kết, tuyên truyền, tập hợp rộng rãi các tầng lớp nhân dân chung sức, đồng lòng thực hiện các mục tiêu, lý tưởng của Đảng, góp phần thực hiện thắng lợi công cuộc đổi mới.
Tất cả những mục tiêu lớn lao ấy, đều được người Mặt trận bắt đầu từ những phần việc nhỏ nhưng rất cụ thể từ mỗi cộng đồng dân cư. Có đi đến Ngày hội Đại đoàn kết ở các khu dân cư những ngày này mới thấm thía hơn những điều tưởng như nhỏ bé ấy.
Ngày hội năm nay có ý nghĩa rất quan trọng, được tổ chức trong thời điểm cả nước hướng tới Đại hội Thi đua toàn quốc lần thứ X và Đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII; chào mừng thành công Đại hội Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lần thứ IX, nhiệm kỳ 2019-2024.
Từ Ngày hội cho thấy, với vai trò, vị trí của mình, mọi hoạt động do Mặt trận phát động, khởi xướng và tổ chức thực hiện đều có tác động và sức lan tỏa sâu rộng trong nhân dân. Từ việc chia buồn, hòa giải cho đến giám sát, vận động nhân dân xây dựng nông thôn mới, vì người nghèo thì còn đi sâu vào những vấn đề người dân đang có nhiều bức xúc như phòng chống tham nhũng, lãng phí.
Kinh nghiệm đã chỉ ra rằng, có những việc tưởng chừng rất nhỏ nhưng nếu không được giải quyết rốt ráo từ mỗi địa bàn dân cư, việc nhỏ sẽ “góp gió thành bão” khiến lòng dân “dậy sóng”, địa bàn không thể yên ổn.
Nếu địa bàn dân cư yên ổn, phát huy được dân chủ, người dân chung tay đóng góp thì lòng tin của người dân đối với Đảng, chính quyền ngày càng được tăng cường. Vì mục tiêu dân chủ hiện nay là tạo được lòng tin của người dân, gần dân, hiểu dân, nắm được tâm tư, nguyện vọng của nhân dân.
Việc Mặt trận đứng ra chủ trì và phát động những cuộc vận động hay phong trào trong nhân dân thì tác động và sức lan tỏa của công tác này sẽ rất lớn bởi nhân dân không chỉ rất quan tâm tới những vấn đề thiết thân của mình mà còn do uy tín lâu dài của Mặt trận đối với nhân dân.
Chính vì vậy, giai đoạn hiện nay đặt ra cho công tác Mặt trận nhiều trách nhiệm mới, tương ứng đòi hỏi một đội ngũ cán bộ Mặt trận có tư duy mới năng động, sáng tạo, dám nghĩ dám làm mới mong đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ.
Và trong mỗi Ngày hội Đại đoàn kết, luôn có bóng dáng của họ - người cán bộ Mặt trận, vẫn thầm lặng trong cuộc sống thường ngày nhưng chưa khi nào vơi cạn ngọn lửa nhiệt tình với công tác cộng đồng, làng xã. Với sứ mệnh xây dựng khối đại đoàn kết, họ vẫn kiên trì, bền bỉ, nguyện chỉ là những chấm nhỏ để tô thêm sắc màu cho bức tranh Mặt trận ngày càng sâu đậm, ngày càng tươi mới.
Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/goc-nhin-dai-doan-ket/sac-mau-mat-tran-tintuc452619