Sắc màu Tây Bắc qua lễ hội Hoa ban
Đến hẹn tháng 3, các tỉnh vùng Tây Bắc lại vào mùa lễ hội Hoa ban. Những lễ hội này không chỉ hấp dẫn du khách nhờ cảnh sắc thiên nhiên độc đáo mà còn đầy sắc màu văn hóa của đồng bào các dân tộc vùng cao.
Đây là thế mạnh phát triển du lịch, dịch vụ, là một trong những “bệ đỡ” và đòn bẩy giúp các tỉnh miền núi Tây Bắc vươn lên phát triển kinh tế.
* Say đắm với những lễ hội hoa
Đến Tây Bắc vào mùa hoa tháng 3, chúng tôi bắt gặp hoa ban nở rộ khắp núi rừng, bản làng cũng như dọc các tuyến đường trong thành phố. Không khí lễ hội tưng bừng trải dài khắp các tỉnh Tây Bắc. Tuy cùng là lễ hội hoa ban nhưng mỗi tỉnh lại có màu sắc, nét độc đáo riêng gắn với chiến lược phát triển du lịch từng địa phương.
Khởi đầu cho mùa lễ hội tháng 3 năm nay là tỉnh Sơn La với lễ hội Mùa hoa ban diễn ra trong 2 ngày 11 và 12-3 gồm 2 phần: lễ Xên mường, diễn ra tại công viên Đông Xên, P.Chiềng Cơi. Phần hội được tổ chức tại Quảng trường Tây Bắc, gồm các hoạt động thi: Trại văn hóa; trình diễn nghệ thuật xòe Thái; Người đẹp Hoa Ban; trưng bày và thuyết minh ẩm thực dân tộc; thi thêu khăn piêu; thi các môn thể thao, trò chơi dân gian…
Theo Ban tổ chức lễ hội Mùa hoa ban TP.Sơn La, nội dung mới, hấp dẫn của lễ hội năm nay là hoạt động trình diễn trang phục Thái ở thực tế đồi hoa ban nở rộ mang ý nghĩa đóa hoa ban phải được tôn vinh, khoe sắc. Đây cũng là điểm nhấn và điểm mới so với những lễ hội trước. Yếu tố văn hóa được thể hiện đậm nét với phần thi thêu khăn piêu, thi trang phục… trong không gian rộn ràng của tiếng cồng, chiêng.
Tối 12-3, lễ hội Hoa ban năm 2023 và Ngày hội Văn hóa, thể thao và du lịch các dân tộc tỉnh Điện Biên lần thứ VII khai mạc tại Quảng trường 7-5, TP.Điện Biên Phủ với chủ đề Hương sắc miền Tây Bắc diễn ra từ ngày 10 đến 13-3.
Điện Biên là tỉnh tổ chức lễ hội Hoa ban sớm nhất của Tây Bắc vào năm 2014 nhân kỷ niệm 60 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ. Mốc thời gian ngày 13-3 là thời khắc khi quân và dân ta khai hỏa đánh quân Pháp tại chiến trường Điện Biên Phủ năm 1954. Từ đó đến nay, sự kiện này diễn ra hàng năm và được ghi nhận là sự kiện văn hóa tiêu biểu, nổi bật của vùng đất Tây Bắc nói riêng và của cả nước nói chung.
Lễ hội Hoa ban năm 2023 phong phú các hoạt động như: trưng bày, giới thiệu văn hóa truyền thống địa phương, sản phẩm văn hóa, du lịch; trò chơi dân gian, truyền thống các dân tộc; trình diễn, giới thiệu trích đoạn lễ hội, nghi thức sinh hoạt văn hóa truyền thống các dân tộc; thi Người đẹp Hoa Ban, thi ẩm thực Hương sắc Điện Biên; diễu hành văn hóa đường phố; liên hoan dân ca dân vũ, dân nhạc truyền thống các dân tộc… Qua đó tái hiện vẻ đẹp văn hóa, tinh thần của hoa ban, đất và người Điện Biên, Tây Bắc; đặc biệt là giới thiệu Điện Biên đang phát triển, bứt phá, giàu lòng mến khách đang mời gọi nhà đầu tư, du khách…
* Phát triển du lịch nhờ những mùa hoa
Những năm gần đây, các tỉnh miền núi phía Bắc đã khai thác sự độc đáo về văn hóa, cảnh sắc thiên nhiên để phát triển du lịch. Một trong những điểm nhấn làm nên thương hiệu du lịch Tây Bắc phải kể đến các lễ hội hoa như: lễ hội Hoa ban, lễ hội Hoa tam giác mạch, lễ hội Hoa đào… Việc tổ chức lễ hội hoa thành hoạt động thường niên vùng Tây Bắc góp phần rất lớn trong kích cầu du lịch.
Ông Đỗ Văn Trụ, Chủ tịch UBND TP.Sơn La cho biết, lễ hội Mùa hoa ban TP.Sơn La lần đầu tiên được tổ chức vào năm 2008, đến nay đã trải qua 5 mùa lễ hội. Lễ hội này đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa tinh thần của nhân dân, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc trên địa bàn tỉnh, mang đậm bản sắc văn hóa các dân tộc tiểu vùng Tây Bắc. Đây là dịp quảng bá, giới thiệu tiềm năng văn hóa và du lịch tỉnh Sơn La, thu hút khách tham quan trong nước và quốc tế, các doanh nghiệp, tổ chức đến tìm cơ hội đầu tư, giao lưu, hợp tác phát triển và hội nhập.
Cùng quan điểm, ông Đoàn Văn Chì, Phó giám đốc Sở VH-TTDL tỉnh Điện Biên chia sẻ, không chỉ là xứ sở hoa ban, nơi chứa đựng bản sắc văn hóa của 19 dân tộc, Điện Biên còn tự hào là mảnh đất anh hùng gắn với chiến thắng Điện Biên Phủ. Nơi đây được thiên nhiên ban tặng nhiều danh thắng tươi đẹp, thơ mộng như cánh đồng Mường Thanh lớn nhất miền Tây Bắc, đèo Pha Đin huyền thoại, hồ Pá Khoang, cảnh sông nước Mường Lay, núi đá hoang sơ Tủa Chùa... Với niềm tự hào, ý thức trách nhiệm, đoàn kết một lòng, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Điện Biên đã, đang và sẽ tiếp tục bảo tồn, phát huy và lan tỏa các giá trị nội sinh, biến tiềm năng, lợi thế thành động lực phát triển kinh tế, xã hội để tiếp tục là điểm đến hấp dẫn trong hành trình về Tây Bắc.
Theo bà Nguyễn Thị Mộng Bình, Phó giám đốc Sở VH-TTDL tỉnh Đồng Nai, tổ chức lễ hội dựa trên tài nguyên đặc thù của từng địa phương để quảng bá hình ảnh và thu hút du khách là xu hướng các địa phương đang làm hiện nay. Ví dụ khi nói đến Tây Bắc là sẽ nhớ ngay đến các lễ hội hoa; Tây nguyên có lễ hội cà phê… Các hoạt động văn hóa dân gian, đặc sản địa phương được tổ chức thành chuỗi sự kiện, tạo nên sự đa dạng, phong phú cho mùa lễ hội. Bên cạnh đó, các địa phương, doanh nghiệp du lịch, lữ hành đã kết nối, hình thành các tour đến với lễ hội để thu hút du khách trong và ngoài nước.
Bà NGUYỄN THỊ MỘNG BÌNH, Phó giám đốc Sở VH-TTDL tỉnh Đồng Nai nhấn mạnh, trong dòng chảy xu hướng tổ chức lễ hội dựa trên tài nguyên đặc thù của địa phương, Đồng Nai có lễ hội Trái cây hàng năm tại TP.Long Khánh. Một số doanh nghiệp du lịch trên địa bàn tỉnh đã xây dựng các tour du lịch tàu hỏa, đường bộ thu hút khách về Đồng Nai. Sắp tới, tỉnh sẽ đầu tư, tạo thêm các sản phẩm du lịch dã ngoại, nông nghiệp nông thôn, du lịch hội nghị… để khai thác hiệu quả những tiềm năng sẵn có.