Sắc màu tình yêu đồng tính
'Cầu vồng lục sắc' được chọn là vở diễn tốt nghiệp chuyên ngành Đạo diễn sân khấu của sinh viên Lương Thu Trang, khóa 40 (2020 - 2022).
“Hãy chạm vào anh cho hơi ấm em tan vào anh/Cho băng giá tan nhanh mùa Đông/ Hãy chạm tay anh, cho những ngón tay đan vào nhau/Cho những cánh tay siết chặt nhau…”.
Đó là những câu hát trong ca khúc “Chạm” được láy đi, láy lại trong trong vở kịch “Cầu vồng lục sắc” và để lại cho khán giả không ít bâng khuâng để thấu hiểu về sắc màu tình yêu đồng tính.
Vở kịch được mở ra bằng rất nhiều tiếng cười của những chàng trai, cô gái đang tuổi xuân thì vừa tốt nghiệp đại học như Hoàng, Minh, Lan. Họ phơi phới niềm tin bước vào tương lai cùng ước mơ dựng xây tổ ấm.
Tiếng cười ấy còn rổn rảng ở nhà Hoàng - khi cậu là độc đinh nên ông chú không thể không quan tâm đến thằng cháu kế tục việc hương khói thờ tự. Ông đã cất công lặn lội từ quê lên Hà Nội chỉ để thúc giục Hoàng lấy vợ, thực hiện bổn phận của suất đinh duy nhất trong gia đình.
Vở kịch 'Cầu vồng lục sắc' (tác giả: Như Thủy - Anh Tú, đạo diễn: Lương Thu Trang) sẽ được Nhà hát Tuổi trẻ công diễn đến khán giả Hà Nội lúc 20 giờ ngày 20/5, tại rạp 11 Ngô Thì Nhậm, Hà Nội. Vở diễn có sự tham gia của các nghệ sĩ: Thanh Bình, Anh Thơ, Anh Tú, Phương Vy, Đức Hạnh, Lệ Quyên, Yến Nhi.
Những tung hứng giữa ông chú lúc với cô cháu gái thật thà, bẻm mép; lúc với cô nhân viên đỏng đảnh, lắm điều ở công ty bất động sản mà Hoàng làm giám đốc… vừa đem đến cho khán giả những giây phút thư giãn vui vẻ vừa thể hiện con người gia trưởng, trọng nam khinh nữ vẫn còn nặng nề ở làng quê: “Mình thì đẻ toàn con gái… Nhưng cũng phải có đứa nối dõi tông đường, hương hỏa cho mình về sau chứ. Phải cho nó cái trách nhiệm chứ?”, ông chú ruột của Hoàng lên kế hoạch.
Thậm chí, tư tưởng bằng mọi giá con trai phải lấy vợ, sinh con để nối dõi tông đường này cũng còn đè nặng lên vai những người mẹ góa bụa nơi thành phố - như mẹ Hoàng.
Dù bà là người hiểu chuyện: “Hoàng ơi mẹ biết, mẹ khổ một thì con khổ gấp trăm nghìn lần. Nhiều khi, mẹ cứ tự hỏi, mẹ đã làm gì sai mà sao con mẹ khổ như thế này?”; nhưng rồi bà vẫn cương quyết: “Nhưng con ơi, chưa yêu rồi con sẽ yêu, nghe mẹ lấy vợ rồi sinh con, con nhé”. Thậm chí, bà còn ra lệnh: “Anh là con tôi. Anh sống dưới mái nhà của tôi thì anh phải lấy vợ, nếu không tôi sẽ chết cho anh xem”.
Cũng bởi định kiến xã hội vốn ăn sâu, bám rễ bao đời như thế nên gần như những người thuộc cộng đồng LGBT như Minh - Hoàng trong “Cầu vồng lục sắc” thường bị mắc kẹt và ít có cơ hội sống thật với mình. Khi chưa bị thúc giục trách nhiệm, họ chọn cách che giấu.
Cũng có lúc, họ đấu tranh với chính bản thân, tại sao lại không bước ra ánh sáng hay cô đơn trần tình với cộng đồng: “Chúng tôi cũng khổ tâm nhiều lắm, khi thấy mình khác biệt so với số đông. Dù chỉ là số ít trong xã hội nhưng không có nghĩa là chúng tôi làm điều gì sai hay trái với tự nhiên cả.
Tự nhiên sinh ra chúng tôi như vậy. Từ khi được chào đời, chúng tôi đâu có quyền được lựa chọn giới tính cho mình. Sao mọi người lại nhìn tôi với ánh mắt như vậy? Tôi không có lỗi, chúng tôi không có lỗi gì hết…”.
Nhưng rồi họ ngập ngừng và dừng lại ngay giữa lằn ranh ấy. Lúc bị “bại lộ” phần nào trước người thân (ông chú và mẹ Hoàng phát hiện), họ chấp nhận thuận theo trách nhiệm của định kiến - Hoàng lập gia đình (lấy Lan) còn Minh ra nước ngoài với bố. Những tưởng từ đó sóng sẽ yên, bể sẽ lặng. Nhưng không, bi kịch còn chồng dầy gấp nhiều lần: “Không phải vết thương nào cũng chảy máu nhưng không phải là không chảy máu là không đau…” (Lan nói trong nước mắt).
Nhất là, cái kết mở được đặt ra với không ít day dứt khi vẫn còn đó những định kiến, rào cản có khi mâu thuẫn ở ngay trong suy nghĩ của người trong cuộc:
“Hoàng: Cầu vồng thật đẹp, đẹp như tình yêu của chúng mình.
Minh: 6 sắc thì vẫn là cầu vồng!
Lan: Không đâu, đã là cầu vồng thì phải là 7 sắc. Thiếu một sắc còn thú vị gì, phải 7 sắc cầu vồng…”.
“Cầu vồng lục sắc” không phải là kịch bản mới vì đã được tổ chức PEPFAR tại Việt Nam phối hợp với Tổ chức sức khỏe gia đình quốc tế tại Việt Nam (FHI 360) hỗ trợ Nhà hát Tuổi trẻ dàn dựng và công diễn trong dự án Đưa nghệ thuật vào phát triển cuộc sống tại Việt Nam cách đây hơn 10 năm.
Bản dựng đầu tiên này do cố NSND Anh Tú đạo diễn và là hoạt động hưởng ứng Ngày Quốc tế chống kỳ thị người đồng tính, lưỡng tính và chuyển giới (ngày 17/5). Sau đó, vở diễn đã được biểu diễn ở nhiều trường đại học trong cả nước và ghi danh tại Liên hoan Sân khấu kịch chuyên nghiệp toàn quốc và Giải thưởng Sân khấu năm 2012.
Lần trở lại này, “Cầu vồng lục sắc” được chọn là vở diễn tốt nghiệp chuyên ngành Đạo diễn sân khấu của sinh viên Lương Thu Trang, khóa 40 (2020 - 2022). Ở đây có sự “đảo vai” khá ấn tượng của nữ diễn viên tài năng này - nếu như trước đây cô thủ vai Lan thì giờ là đạo diễn.
Bản dựng của Thu Trang khá chắc tay, với lối kể tương đối ngọt và đậm tính nữ. Ca khúc “Chạm” của nhạc sĩ Giáng Son dưới phần thể hiện truyền cảm của ca sĩ Nguyễn Trần Trung Quân được Thu Trang sử dụng trong vở diễn rất hiệu quả khi có thể cộng hưởng để ngân lên tiếng lòng của nhân vật. Các nghệ sĩ khá tròn vai nên góp phần đem đến cho “Cầu vồng lục sắc” sức hấp dẫn của sự tươi mới.
Tuy nhiên, vở diễn sẽ thêm phần sinh động nếu cảnh trí có những chuyển động rõ nét và độc đáo hơn. “Mọi sự khởi đầu sẽ còn nhiều thiếu sót và non nớt, nhưng em tin: Nếu chúng em còn cố gắng, phấn đấu và nghiêm túc làm việc thì vẫn có cơ hội để chạm đến thành công”, Lương Thu Trang bày tỏ.
Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/sac-mau-tinh-yeu-dong-tinh-post638698.html