Sắc màu trong trang phục của phụ nữ người Dao đỏ ở Hoàng Su Phì

Trang phục truyền thống của phụ nữ người Dao đỏ ở Hà Giang thực sự là một tác phẩm nghệ thuật, góp phần làm phong phú thêm bức tranh văn hóa đa dạng của cộng đồng các dân tộc Việt Nam.

Điểm nhấn trong trang phục truyền thống của người phụ nữ Dao đỏ là chiếc khăn đội đầu. Ảnh: Phương Liên

Điểm nhấn trong trang phục truyền thống của người phụ nữ Dao đỏ là chiếc khăn đội đầu. Ảnh: Phương Liên

Theo ông Nguyễn Anh Cường (giảng viên Khoa Văn hóa dân tộc thiểu số, Trường Đại học Văn hóa Hà Nội), người Dao sống tập trung chủ yếu ở các vùng rừng núi. Để thích ứng với môi trường khí hậu lạnh, ẩm, họ đã sáng tạo ra các giá trị văn hóa riêng, không lẫn với bất cứ tộc người nào khác. Điều này được thể hiện rõ nét qua trang phục cổ truyền của từng nhóm Dao và chung của cả cộng đồng. Trang phục của người Dao gồm nhiều thành tố như: Khăn, mũ, áo, yếm, quần, xà cạp... nhằm bảo vệ cơ thể con người. Trong trang phục của các nhóm Dao, màu cơ bản là màu xanh chàm làm nền cho các màu sắc khác. Từ màu chàm của nền vải, các nhóm Dao khác nhau chọn cho mình một số màu sắc chính. Một nhóm người Dao đã chọn màu đỏ làm màu chủ đạo, vì thế được gọi là người Dao đỏ.

Ở tỉnh vùng cao, biên giới Hà Giang, dân tộc Dao chiếm 14,82% tổng dân số của tỉnh. Họ cư trú nhiều nhất tại huyện Hoàng Su Phì. Trang phục truyền thống của phụ nữ Dao đỏ tỉnh Hà Giang thường được mặc vào các dịp lễ, Tết, cưới xin... Một bộ trang phục của người phụ nữ Dao đỏ gồm: Áo, yếm, quần, khăn vấn đầu, thắt lưng và các đồ trang sức đi kèm. Đặc điểm nổi bật trên trang phục của phụ nữ Dao đỏ là trang trí nhiều hoa văn, các túm bông, tua chỉ màu đỏ ở trên khăn, cổ áo, xẻ tà, vạt áo và trên hai ống quần từ đầu gối xuống gấu.

Điểm nhấn trong trang phục truyền thống của người phụ nữ Dao đỏ là chiếc khăn đội đầu, gồm có hai loại là khăn vấn bên trong và khăn phủ bên ngoài. Toàn bộ mặt khăn được thêu kín các họa tiết trang trí bằng chỉ màu trắng, xanh lơ và đỏ. Hai đầu khăn đính nhiều chuỗi hạt cườm, có tua dài màu đỏ. Khăn được gấp đôi theo chiều dọc, hai mép khăn khâu lại với nhau thành một cái ống. Khăn phủ bên ngoài thường làm bằng vải chàm đen, khi đội, khăn này phủ bên ngoài vành khăn bên trong, hai đầu khăn hướng về phía sau vai.

Cùng với khăn, áo dài là thành tố quan trọng trong trang phục của người Dao đỏ. Theo phong tục, phụ nữ Dao đỏ mặc áo dài tứ thân màu chàm hoặc đen, không khoét nách mà tay đấu thẳng vào thân. Nẹp cổ liền với nẹp ngực được thêu kín các họa tiết trang trí bằng chỉ màu đỏ. Hai đầu của nẹp ngực đính nhiều chuỗi hạt cườm và tua đỏ như nẹp ngực. Riêng ở gấu vạt trước và sau, người ta thêu hai nẹp tách rời nhau, trông xa như hai áo mặc lồng vào nhau, áo ngoài ngắn hơn áo trong. Áo của người Dao đỏ không có khuy nên khi mặc, người vắt chéo thân bên này đè lên thân bên kia rồi buộc dây lưng ra ngoài. Dây lưng bằng vải đỏ và không có hoa văn trang trí. Quần của phụ nữ Dao đỏ luôn cùng màu với áo, gấu quần có một vài đường thêu bằng chỉ màu trắng, đỏ và vàng.

Bên cạnh quần áo là trang phục chính, người Dao đỏ rất thích dùng đồ trang sức như vòng cổ, túi ăn trầu, nhẫn... Với họ, ngoài làm đẹp thì việc đeo thêm đồ trang sức còn có giá trị tín ngưỡng cầu mong được thần linh phù hộ hoặc trừ tà ma. Một người phụ nữ Dao đỏ ở xã Hồ Thầu, huyện Hoàng Su Phì cho biết, tiền mua bạc để trang trí trên bộ trang phục truyền thống khoảng 9 triệu đồng, cộng thêm vải vóc, công sức làm ròng rã trong ít nhất 2 tháng thì giá thành một bộ trang phục không thể thấp hơn 15 triệu đồng, nhưng cũng không có bán sẵn ngoài chợ.

Chia sẻ cảm xúc tự hào khi khoác lên người bộ trang phục truyền thống của dân tộc Dao đỏ, chị Phùng Mùi Thu, ở thôn Nậm Hồng, xã Thông Nguyên, huyện Hoàng Su Phì tâm sự, một thiếu nữ Dao đỏ phải học thêu từ nhỏ để khi lớn lên có thể tự thêu cho mình bộ quần áo tinh xảo, với sắc đỏ rực rỡ để mặc trong ngày trọng đại nhất cuộc đời - ngày làm cô dâu.

Chị Triệu Mùi Pham, ở thôn Nậm Hồng, xã Thông Nguyên kể rằng, từ nhỏ, chị đã được bà, mẹ truyền dạy các kỹ thuật thêu truyền thống, để đến bây giờ, khi trở thành một nghệ nhân, chị lại tiếp tục truyền nghề cho con cháu với mong muốn trang phục truyền thống của dân tộc không bao giờ bị mai một. Tâm huyết của chị Pham nhận được sự ủng hộ của nhiều người trẻ, trong đó có chị Lý Thị Hương, ở thôn Tân Phong, xã Hồ Thầu. Trong suy nghĩ của chị Hương, trang phục là vốn quý, là bản sắc văn hóa tộc người nên mỗi người phải ra sức giữ gìn, phát huy, giới thiệu tới đông đảo công chúng biết đến vẻ đẹp của trang phục phụ nữ người Dao đỏ. Đây thực sự là một tác phẩm nghệ thuật, kết tinh từ sự khéo léo, tỉ mỉ và sáng tạo, góp phần làm phong phú thêm bức tranh văn hóa đa dạng của cộng đồng các dân tộc Việt Nam.

Theo Tiến sĩ Vũ Hồng Nhi (Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam), cần xác định đặc trưng trang phục của các vùng văn hóa để tạo ra các sản phẩm du lịch, trên cơ sở ấy đưa ra chiến lược bảo tồn, phát huy phù hợp cho từng vùng sẽ là điều kiện tốt, góp phần bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc. Về cơ bản, sản phẩm du lịch sẽ dựa vào đặc trưng của quy trình tạo tác, kỹ thuật trang trí, ý nghĩa hoa văn, hình thức sử dụng trang phục truyền thống để xây dựng nên các sản phẩm du lịch mới. Từ trang phục của người Dao đỏ, có thể thiết kế các sản phẩm du lịch như: Trình diễn, giới thiệu các bước cơ bản của kỹ thuật thêu; chuẩn bị sẵn một số nguyên liệu và đồ vải gần hoàn thiện để hướng dẫn du khách thực hành, trải nghiệm nhuộm chàm, thêu hoàn thiện họa tiết hoa văn mà mình thích theo kỹ thuật của người Dao đỏ...

Phương Liên

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/sac-mau-trong-trang-phuc-cua-phu-nu-nguoi-dao-do-o-hoang-su-phi-post484712.html