Sắc màu văn hóa độc đáo tại chợ phiên Mường Chon

Thuộc bản Tông (xã Bình Chuẩn, huyện Con Cuông, Nghệ An), nằm gần ngã ba nhập vào Quốc lộ 48C, chợ phiên Mường Chon là chợ phiên duy nhất tại xã, có quy mô lớn tại địa phương.

Từ tháng 11/2020, chợ phiên Mường Chon đi vào hoạt động, bày bán các sản phẩm đặc trưng trong đời sống, sinh hoạt của cộng đồng các dân tộc tại các huyện Con Cuông, Quỳ Hợp, Tương Dương và là nơi bảo lưu, trao truyền, phát huy những giá trị văn hóa độc đáo mang đậm sắc màu văn hóa vùng cao miền Tây xứ Nghệ.

Phiên chợ còn có các loại thực phẩm truyền thống mang tính nhận diện văn hóa ẩm thực của đồng bào Thái như chuột rừng nướng. Ảnh minh họa: baonghean.vn

Phiên chợ còn có các loại thực phẩm truyền thống mang tính nhận diện văn hóa ẩm thực của đồng bào Thái như chuột rừng nướng. Ảnh minh họa: baonghean.vn

Đậm sắc màu văn hóa vùng cao

Ông Phạm Xuân Mạnh, Chủ tịch UBND xã Bình Chuẩn, huyện Con Cuông cho biết, chợ phiên Mường Chon họp vào ngày thứ Bảy, Chủ nhật của tuần thứ 3 hằng tháng. Phiên chợ cuối năm 2024 có thay đổi khi diễn ra vào thứ Hai, ngày 30/12, bắt đầu vào 5 giờ, kết thúc vào chiều muộn cùng ngày. Chợ thu hút nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh và nhân dân không chỉ của xã mà còn của các xã trong huyện, các xã lân cận của hai huyện Tương Dương, Quỳ Hợp đến họp.

Những năm qua, chợ phiên Mường Chon đã phát huy tốt chức năng thúc đẩy phát triển sản xuất, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân địa phương; tiêu thụ sản phẩm và cung ứng hàng hóa cho nhân dân 3 huyện Con Cuông, Quỳ Hợp và Tương Dương. Chợ cũng là nơi để các doanh nghiệp, hợp tác xã tìm kiếm cơ hội liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, thể hiện nét sinh hoạt văn hóa tiêu biểu của các cộng đồng của người Thái, Khơ Mú, Đan Lai…

Sáng sớm của ngày diễn ra phiên chợ, khi sương đêm còn chưa tan, từng tốp người dân ở các bản Quăn, Tông, Đình, Xiềng, Mét, Na Cọ, Quẹ đã gọi nhau đi chợ. Từng dòng người mang gùi, xe máy, xe tải chở hàng hóa ngược xuôi Quốc lộ 48C, tấp nập đổ về chợ. Tiếng động cơ xe máy tải nặng tại các chân dốc Pù Lìu, Pù Huột vang xa giữa đại ngàn Pù Huống.

Cổng chợ tấp nập những dòng người đang nhộn nhịp ra, vào. Trong khuôn viên chợ rộng lớn là khung cảnh sôi nổi của các hoạt động mua sắm, tham quan tại hàng chục gian hàng đang bày bán, giới thiệu sản phẩm.

Người đi chợ dễ dàng “lạc” mắt trước các loại sản phẩm dệt thổ cẩm đặc trưng của đồng bào Thái như: Túi, trang phục, khăn quàng, khăn piêu; các sản phẩm gắn với sinh hoạt, lao động hằng ngày được chế tác từ mây, tre đan như: Mâm, ghế, ép xôi, gùi, rổ, rá; sản phẩm rèn phục vụ sản xuất nông nghiệp. Tại phiên chợ còn bày bán các loại sản phẩm nông sản như: Cam, ổi, bưởi, bí xanh, măng khô, măng tươi, măng muối, khoai sọ, mộc nhĩ, nấm, gừng, cải ngọt, ngô, khoai, các loại rau. Phiên chợ cũng cung cấp nguồn thực phẩm tươi sống như thịt bò, thịt lợn, gà, ngan, vịt, cá suối, ốc xoắn...

Đặc biệt, phiên chợ còn có các loại thực phẩm truyền thống mang tính nhận diện văn hóa ẩm thực của đồng bào Thái như cá nướng, thịt chua, thịt nướng, thịt sấy khô, rượu cần, rượu men lá, cải muối ống nứa, cơm lam, lợn bản hấp lá chuối, chuột rừng nướng...

Đến với chợ phiên, du khách còn được tham gia các trò chơi dân gian truyền thống độc đáo của đồng bào các dân tộc như chọi gụ, đu xít, nhảy sạp, thưởng thức nước uống chè đâm nổi tiếng của đồng bào Thái.

Ông Phạm Xuân Mạnh, Chủ tịch UBND xã Bình Chuẩn, huyện Con Cuông cho biết, trước 1 tuần diễn ra chợ phiên, chính quyền đã có thông báo khuyến khích chủ các gian hàng, người dân trên địa bàn mặc trang phục truyền thống của dân tộc Thái khi tham gia để tạo điểm nhấn độc đáo cho chợ phiên; đồng thời tuyên truyền cho mọi người dân, các hộ đăng ký kinh doanh chuẩn bị đầy đủ hàng hóa, sản phẩm trưng bày nhằm phục vụ nhu cầu mua sắm của du khách khi đến mua bán, trao đổi tại chợ.

Tạo đà du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng

Bình Chuẩn là xã vùng sâu, vùng xa, cách trung tâm huyện Con Cuông khoảng 30km, nằm giáp ranh giữa các huyện Tương Dương, Quỳ Hợp và Quỳ Châu (Nghệ An). Xã có 7 bản với hơn 1.040 hộ, hơn 4.510 nhân khẩu, đa phần là đồng bào Thái. Kinh tế của xã chủ yếu là sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi gia súc, gia cầm, hộ nghèo còn hơn 20%. Từ năm 2012, người dân xã Bình Chuẩn đã được sử dụng điện lưới quốc gia với gần 10 trạm biến áp.

Xã có 3 bản đạt danh hiệu làng văn hóa, 2 bản đạt chuẩn nông thôn mới. Riêng bản Tông, nơi tọa lạc chợ phiên Mường Chon, có hơn 140 hộ, gần 600 nhân khẩu. Đây là bản có phong trào văn hóa, văn nghệ khá nổi bật. Người dân trong bản luôn đoàn kết, đồng lòng phát triển kinh tế với các mô hình chăn nuôi, trồng trọt cho hiệu quả cáo. Hiện, thu nhập bình quân của bản đạt 40 triệu đồng/người/năm, hộ nghèo còn dưới 8%.

Ông Phạm Xuân Mạnh, Chủ tịch UBND xã Bình Chuẩn chia sẻ, xã bao quanh là những dãy núi trùng điệp, không có chợ dân sinh nên rất khó khăn trong giao thương, tiêu thụ sản phẩm, kích cầu sản xuất, phát triển kinh tế. Việc mở ra chợ phiên Mường Chon đã “hóa giải” được những bất cập đó. Chợ phiên tạo điều kiện cho sản phẩm hàng hóa, nông sản của người dân trên địa bàn giao thương thuận lợi hơn, giá trị sản phẩm cũng nâng lên. Đặc biệt, với những nét hấp dẫn độc đáo và không gian văn hóa đa sắc riêng có, chợ phiên Mường Chon đã tạo nên một địa chỉ, một điểm nhấn để địa phương phát triển du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng trong tương lai gần.

Toàn xã có 5 con đập lớn nhỏ, lớn nhất là đập Nà Cọ. Người dân ở những tiểu vùng văn hóa quanh khu vực đập có thể phát triển du lịch văn hóa cộng đồng để phát huy, bảo tồn giá trị văn hóa bản địa. Quốc lộ 48C từ huyện Tương Dương sang huyện Quỳ Hợp chạy qua địa bàn xã Bình Chuẩn từ năm 2004 với chiều dài hơn 20km hầu như kết nối các bản trong xã, tạo điều kiện giao thông rất thuận lợi. Trên trục quốc lộ này dễ dàng bắt gặp những cụm cọn nước của đồng bào Thái với tổng cộng hơn 30 chiếc, ngày đêm đưa nước lên cánh đồng Nà Cọ.

Xã còn có danh thắng Thẳm Tông là hang đá nằm trong dãy núi đá thuộc bản Tông, còn giữ được vẻ đẹp nguyên sơ gắn với nhiều truyền tích. Trong hang có nhiều lối đi, trần hang cao, vô số khối thạch nhũ trên vách đá với hình thù đa dạng, màu sắc phản chiếu lung linh. Con suối nhỏ trong hang càng điểm tô cho vẻ đẹp kỳ thú. Hang có nhiều ngách dài hàng km, xuyên sang địa bàn huyện Quỳ Châu. Khám phá hang là một hành trình thú vị đối với mỗi du khách.

Ngoài ra, ở các bản Đình, bản Xiềng của xã còn lưu giữ được hệ thống những ngôi nhà sàn Thái cổ mang kiến trúc, cấu trúc, trang trí họa tiết, hoa văn khá đẹp mắt. Từ tháng 6/2020, bản Xiềng cũng đã thành lập “Câu lạc bộ cồng chiêng, đàn và hát dân ca Thái”.

“Khi đánh thức, khai thác, phát huy được các thế mạnh tiềm năng du lịch ở chốn “sơn kỳ, thủy tú” này, kết hợp với chợ phiên Mường Chon, địa phương sẽ thu hút được du khách thập phương về trải nghiệm du lịch sinh thái và du lịch cộng đồng, tạo sự phát triển và chuyển dịch cơ cấu kinh tế mạnh mẽ cho địa phương”, Chủ tịch UBND xã Bình Chuẩn Phạm Xuân Mạnh nhận định.

Hải An - Xuân Tiến (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/xa-hoi/sac-mau-van-hoa-doc-dao-tai-cho-phien-muong-chon-20241230123020704.htm