Sắc mới Tam Giang Tây

Không còn là vùng quê ven biển xa xôi, nghèo khó, xã Tam Giang Tây, huyện Ngọc Hiển, đang trên đường dựng xây nông thôn mới (NTM), với hệ thống điện, đường, trường, trạm được đầu tư kiên cố, nhà cửa khang trang mọc lên san sát, Nhân dân hăng say lao động sản xuất, xây dựng cuộc sống ấm no.

Xác định giao thông là đòn bẩy quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội, những năm qua, Tam Giang Tây tập trung nguồn lực, huy động sức dân, kêu gọi nguồn xã hội hóa đầu tư hạ tầng giao thông theo hướng đồng bộ, mở rộng. Những con đường mới liên tiếp được khởi công, thông tuyến, mở hướng cho sự phát triển ở địa phương.

Trước đây, đường đến trường của học sinh và việc đi lại, vận chuyển hàng hóa của người dân trong ấp Ðường Kéo hết sức khó khăn, bởi phụ thuộc hoàn toàn vào đường thủy, theo con nước lớn, ròng. Sau nhiều năm mong chờ, giữa năm 2022, con lộ bê tông rộng 3 m, kéo dài hơn 7 km nối liền 3 ấp Ðường Kéo, Dinh Cũ, Kại Lá được thi công, khiến người dân nơi đây vô cùng phấn khởi. Bà con đã chung tay, góp sức, nhanh chóng làm nền lộ đất đen đối ứng, tự nguyện hiến đất, đập phá hàng rào của gia đình để phục vụ làm đường; ngoài ra còn góp công lao động, vật tư chung tay cùng với Nhà nước để sớm hoàn thành con đường.

Từ ngày có lộ, việc vận chuyển hàng hóa được rút ngắn khoảng cách và thời gian. Thương lái đến tận nơi thu mua nông sản, nông dân trong ấp không còn phải lo lắng về việc vận chuyển hàng hóa đi tiêu thụ. Người người, nhà nhà trên ấp thi đua trồng hàng rào cây xanh, hoa kiểng, tô điểm cho làng quê thêm khởi sắc.

Lộ nông thôn ấp Ðường Kéo được bê tông hóa rộng rãi, bà con đi lại, giao thương thuận tiện, diện mạo nông thôn khởi sắc.

Lộ nông thôn ấp Ðường Kéo được bê tông hóa rộng rãi, bà con đi lại, giao thương thuận tiện, diện mạo nông thôn khởi sắc.

“Tính từ đầu nhiệm kỳ đến nay, xã được đầu tư mới 17 công trình giao thông với tổng chiều dài hơn 68 km, nâng tổng số đã nhựa hóa và bê tông hóa được hơn 115 km, trong đó có gần 32 km đường đảm bảo ô tô đi lại quanh năm. Ðường ngõ, xóm được bê tông hóa gần 60%, giúp người dân đi lại, giao thương thuận tiện. So với mặt bằng chung của huyện và tỉnh, tỷ lệ này vẫn còn khiêm tốn, nhưng đối với địa phương thì đây là một bước tiến tự hào”, ông Lâm Trường Hải, Phó chủ tịch UBND xã, chia sẻ.

Cùng với phát triển hệ thống giao thông đồng bộ, rộng khắp, địa phương đẩy mạnh khai thác hiệu quả lợi thế, tiềm năng nhằm phát triển kinh tế, nâng cao đời sống người dân. Ông Hải cho biết: “Lấy nuôi trồng thủy sản làm trụ cột nền kinh tế, chính quyền địa phương chủ trương tích cực chuyển giao khoa học - kỹ thuật cho người dân, làm thay đổi tư duy sản xuất từ truyền thống, kém hiệu quả sang ứng dụng quy trình, kỹ thuật mới, đem lại năng suất, chất lượng cao. Ðồng thời, nhân rộng những mô hình sản xuất hiệu quả, khuyến khích người dân chuyển đổi vật nuôi, cây trồng phù hợp để nâng cao thu nhập”.

Bên cạnh các mô hình nuôi tôm sinh thái, nuôi tôm, cua, cá kết hợp, nuôi sò huyết xen canh..., mô hình nuôi tôm, cua quảng canh có sử dụng chế phẩm sinh học đang được địa phương nhân rộng mạnh mẽ.

Nhờ chuyển đổi sang nuôi tôm, cua quảng canh có sử dụng chế phẩm sinh học, 2 vụ nuôi gần đây, gia đình anh Phạm Hoàng Lực, ấp Đường Kéo, liên tiếp trúng mùa. (Ảnh: Huỳnh Tứ).

Nhờ chuyển đổi sang nuôi tôm, cua quảng canh có sử dụng chế phẩm sinh học, 2 vụ nuôi gần đây, gia đình anh Phạm Hoàng Lực, ấp Đường Kéo, liên tiếp trúng mùa. (Ảnh: Huỳnh Tứ).

Là người tiên phong thực hiện mô hình, anh Phạm Trung Tân, ấp Ðường Kéo, đánh giá: “Ưu điểm của mô hình là kiểm soát, quản lý tốt môi trường ao nuôi, giúp xử lý hiệu quả ô nhiễm, chất mùn bã hữu cơ dư thừa trong vuông và cải thiện chất lượng môi trường nước. Nhờ đó, đối tượng nuôi ít dịch bệnh, tỷ lệ hao hụt thấp, đạt đầu con, năng suất đạt gấp 4-5 lần so với nuôi truyền thống”.

Anh Tân phấn khởi cho biết, nhờ 3 vụ nuôi thành công liên tiếp, kinh tế gia đình khấm khá hơn; đều đặn mỗi con nước vuông, thu nhập từ tôm, cua trên dưới 15 triệu đồng, điều mà trước đây gia đình chỉ dám mơ ước.

Với những định hướng phù hợp của chính quyền địa phương, người dân đã thay đổi tư duy, tạo lập thói quen, kỹ năng trong việc phát triển các mô hình kinh tế gia đình. Nhờ đó, từ một xã có tỷ lệ hộ nghèo cao của Ngọc Hiển, Tam Giang Tây đã bứt phá, giảm nghèo ấn tượng. Từ đầu năm 2023 đến nay, xã đã xóa 73 hộ nghèo, cận nghèo; tỷ lệ hộ nghèo giảm chỉ còn 1,92%; thu nhập bình quân đầu người đạt 56,27 triệu đồng/năm; là xã thứ 2 hoàn thành 19 tiêu chí trong xây dựng NTM của huyện./.

Trúc Linh

Nguồn Cà Mau: https://baocamau.vn/sac-moi-tam-giang-tay-a32978.html