Sắc nắng nhành mai đưa con về bên mẹ
Về với ngôi nhà của mẹ, gánh nặng mưu sinh đặt ngoài đầu ngõ, những ồn ào phố thị đứng xa hiên cửa. Chỉ còn đó cây mai vàng trước sân cứ tết đến xuân về là nở vàng rực rỡ cùng hoa cúc, mào gà, mười giờ bung sắc trong nắng. Căn bếp nhỏ ấm cúng tỏa khói thơm nồng mùi bánh tét, bánh ít mẹ dậy khơi lửa từ sáng sớm.
Dù đã làm dâu miền Nam gần 3 năm nhưng cô vẫn quen tiếng mẹ. Nhớ lại, ngày đầu ra mắt nhà chồng, cô thấy mọi thứ thân thương đến lạ, từ ngôi nhà, vườn rau, khoảng sân cho đến cái dáng tần tảo, hiền lành, mến người... Có cái gì đó như từ miền ký ức xa xăm gợi về, gọi tên hai chữ duyên số.
Dòng sông quê bên bồi bên lở, phân chia nhịp sống phố thị và làng quê. Làng nhỏ quê chồng nằm bên này con sông. Mùa nắng trơ đồng cỏ, lòng sông thành vũng, người làng lội qua không cần đi cầu xi măng. Mùa mưa nước dâng cao từ sông tràn vào ruộng thành một vùng mênh mông trắng xóa kéo tới tận mép xóm. Xuân đến, nước rút lắng lại một lớp phù sa nâu mịn kích thích những mầm sen chỉ chờ có tia nắng là nhú lên. Sau vài ngày, trên cái nền xanh ngát ấy sẽ nhuộm thắm sắc hồng được điểm xuyết từng chấm vàng thơm mát. Nắng xuân chan hòa sau những ngày mưa còn gọi hạt lúa nảy mầm phủ xanh từng ô ruộng nhỏ, mang theo tiếng nói, tiếng cười xua tan nỗi lo nước ngập đồng, bỏ giống, mất mùa. Đứng trên cầu nhìn về hướng ấy, cánh đồng, đầm sen, ngôi chùa nhỏ và từng nóc nhà… xếp nối nhau, tựa mình vào bóng núi. Khác hẳn với hướng này, đèn hoa, xe cộ, người người nối đuôi nhau xuôi Nam ngược Bắc. Ngôi làng nhỏ ven quốc lộ vào xuân - cách gọi quê hương thứ hai của riêng cô.
Mất khoảng 30 phút đi đường, cô tính đi siêu thị mang tết phố về quê. Chợt nhận ra chợ nhỏ trong xóm tết này chắc nhộn nhịp hơn bởi rau củ, hoa quả, heo, gà… của người làng còn đó, dịch bệnh thương lái lỡ hẹn, mang ra chợ quê những ngày cận tết, kiếm chút vốn hồi sinh năm mới. Người nhà dặn, tết này về quê mua sắm cho cả làng đều có tết.
Vô tới ngõ cô hít một hơi thật sâu. Về với ngôi nhà của mẹ, gánh nặng mưu sinh đặt ngoài đầu ngõ, những ồn ào phố thị đứng xa hiên cửa. Chỉ còn đó cây mai vàng trước sân cứ tết đến xuân về là nở vàng rực rỡ cùng hoa cúc, mào gà, mười giờ bung sắc trong nắng. Căn bếp nhỏ ấm cúng tỏa khói thơm nồng mùi bánh tét, bánh ít mẹ dậy khơi lửa từ sáng sớm. Ở góc vườn, con gà mái đi quanh đống rơm, tìm được hạt thóc lại cục ta cục tác… gọi đàn con.
Cu Tí được về quê ăn tết thì hớn hở hẳn. Mới 14 tháng, cu cậu chắc chưa hiểu tết là gì, chỉ biết đôi chân nhỏ ấy không còn bị bó hẹp trong bốn bức tường nhà phố mà được tung tăng ra vườn, vào bếp hay líu ríu chạy theo sấp nhỏ trong xóm…, khoái chí lắm. Cũng không chỉ bi bô hai tiếng “ba… ba”, “mẹ… mẹ” nữa mà biết “chiếp chiếp” gọi gà… Tiếng cười cứ thế giòn tan trong nắng.
Anh sang chị Năm đụng chung con heo kịp làm cỗ cúng giao thừa. Vậy mà mang về nào giò, thịt muối, dưa món, bánh tráng, la ghim… đầy tràn cả giỏ. Ở quê là vậy, cái tục đổi đồ ngày tết vẫn còn đó, từ đời này qua đời khác, chẳng ai biết nó có tự bao giờ, chỉ thấy được trao yêu thương, chia sẻ tiếng cười là làm. Chẳng ai định giá bằng tiền mà chỉ cân bằng thiếu đủ để nhà nào nhà nấy cũng đủ đầy trong những ngày xuân năm mới.
Nắng xuân tràn ngập khắp nơi, trên bàn thờ gia tiên mâm ngũ quả, phong bao đỏ, bánh tét, đầu heo bày biện tinh tươm, chỉ còn thiếu làn khói hương tưởng nhớ. Anh cứ nấn ná mãi, quẹt lửa rồi lại tắt, cây nhang rút ra lại bỏ vào, chờ thêm chút biết đâu vợ chồng chú nó về quê ăn tết. Chuyến xe cuối vẫn chạy tới đêm giao thừa… Xuân về tết đến, ai cũng mong thân quyến trở về đoàn tụ.
Anh chị em người nào cũng thành gia lập thất hết chẳng còn ở chung nhà, nhưng vẫn nóc liền nóc, gần nhà xa ngõ. Ngày thường chỉ cần vén hàng rào là chia nhau củ khoai, ít bánh. Nói chi ngày tết, chẳng ai bảo ai đều tụ về nhà ba mẹ ngày 30 cùng nhau thắp nhang, cắt bánh. Mẹ hướng ánh mắt ra đầu ngõ, hễ có tiếng gà lạo xạo hay tiếng ai đó xa xa lại khấp khởi trong lòng. Nhà mấy chị em, có vợ chồng chú ấy là đi làm ăn xa nhất… Năm nay dịch bệnh kéo dài có khi phải ở lại Sài Gòn.
- Kìa, về rồi kìa, nhà bà Tư chẳng còn thiếu đứa nào.
Anh thắp nén nhang, chắp tay, cúi đầu… Cô vô bếp bỏ thêm than vào lò… Mẹ lần túi rút ra 5 phong bao đỏ để chuẩn bị mừng tuổi cho 5 đứa cháu. Cu Tí phong bao to nhất vì đây là cái tết đầu tiên bên nội… Mẹ thì thầm như tự nói với lòng: Rồi cũng về cả, tết nay cuối cùng cũng sum họp đủ đầy!
Nguồn Phú Yên: http://baophuyen.vn/93/270387/sac-nang-nhanh-mai-dua-con-ve-ben-me.html