Sắc xanh màu trời
Chỉ là sắc xanh da trời vào ngày khô tạnh, có gì lạ đâu? Mà có đấy! Chính cái sắc xanh biến ảo diệu kỳ mỗi thời khắc trong ngày, theo mùa; ở những vị trí khác nhau mà quan sát, sắc xanh như hòa như quyện, như phản chiếu, như được hấp thu từ thảm thực vật, từ hồ nước trong, núi non điệp trùng… cho ta cảm nhận da trời xanh bằng ngũ giác quan với cảm xúc đôi lúc trái chiều, khó tả.
Đi qua mùa khô nắng sánh vàng màu mật, thông thống gió lùa, bốc mù bụi đỏ, những cơn mưa đầu mùa nặng hạt, tần suất dày hơn, đất trời bày cỗ một màu xanh lộc nõn, Tây Nguyên xanh. Bắt đầu là cỏ lá. Tiềm sinh qua mùa khô, mầm non từ đất cựa mình; chồi non từ cành trơ, cỏ úa bật thức sắc xanh mỡ màng ngời nắng sớm, lóng lánh trong không gian thanh sạch dường chỉ có ở giấc mơ nối trời với đất sắc xanh mơ màng đầu ngày; chuyển dần xanh nước biển buổi ban trưa; rồi lơ đãng thả màu xanh cùng chòm mây trắng xốp, phảng phất gió nhẹ, luễnh loãng hơi sương tận lúc hoàng hôn về chấp chới. Và hoa dại, ngời lên từ loài cây cỏ không tên, mọi ngóc ngách, lung linh sắc màu, ngan ngát tỏa hương tận cùng dâng hiến. Và, dường như chính sắc xanh, sự thanh sạch làm cho loài chim ngứa cổ cất tiếng hót thêm trong ngần; khoe bộ mã sặc sỡ, vũ điệu linh hoạt dẫn dụ, ganh đua và khẳng định. Cả một số loài côn trùng, bò sát cũng thay áo mới màu xanh hòa vào màu xanh của đất, của trời.
Vào thời điểm nào đấy ngày da trời xanh, trước những hồ nước mênh mông sau mấy cơn mưa đầu mùa, dù chẳng phải là người có tâm hồn lãng mạn bạn cũng khó cưỡng lòng, mắt nhìn đắm đuối da trời lồng bóng nước, sóng nhẹ dát vàng miên trải, núi biếc chạy viền, rừng cây lá ngời lên sắc nắng. Lúc nào đấy, ngang qua những vườn cao su, cà phê trùng điệp giữa bình nguyên hay nghiêng mình theo đồi bát úp thật khó phân định đâu là màu xanh của lá, của da trời. Để rồi mơ hồ hình dung mình đang trôi trong không gian vô định, thời gian bất tận. May còn có bóng đêm về!
Những ngày da trời xanh, ủ lòng cho trái chín. Chẳng cần giải thích vì sao, chỉ biết hương trái nào cũng ám gợi, vị quả nào cũng ngọt ngào, sắc trái nào cũng bắt mắt. Nhìn lên cây thầm cảm ơn sắc xanh của lá, của nắng, của da trời; trông xuống đất thấu nỗi miệt mài của rễ cùng mồ hôi người nông dân cần mẫn.
Những ngày da trời xanh, Tây Nguyên rừng xanh lắm. Hẳn người giữ rừng dẫu là thường dân hay cán bộ chuyên trách cũng tự hào về thành quả của mình tuy có lắm nhọc nhằn, hiểm nguy. Hẳn người dân sống cộng sinh với rừng có niềm vui săn bắt, thu hái lâm sản vật cho phép. Văn minh lúa rẫy, cuộc sống gắn bó với rừng, đặc trưng văn hóa Trường Sơn-Tây Nguyên tuy không còn đậm nét nhưng con cá dưới suối, chiếc nấm, tổ ong mật trên cây… vẫn vẹn nguyên giá trị tinh thần. Dưới tán rừng, đi dọc đường rừng có thể không nhìn thấy da trời, sắc nắng nhưng hơi thở của rừng cho ta buồng phổi căng tràn dưỡng khí, thanh sạch vô ngần.
Người xa Tây Nguyên hẳn sẽ nhớ mảng da trời xanh hé lộ sau những ngày mưa dầm, gió dãi. Hoạt cảnh nắng nghiêng nắng rẽ, cây lá reo vui, chim chuyền cành thả trôi tiếng hót, trẻ con tung tăng ra đường, người già cởi bỏ chiếc áo bông, rời bếp lửa nhà sàn… mới ấn tượng biết bao! Cả cái sắc xanh ngăn ngắt không một gợn mây giữa mùa khô chói gắt cũng là điều khó quên. Thế mới sinh ra hội hè, có lễ cầu mưa. Và các Yàng cũng sinh ra từ đấy để mà cầu xin, van vái xếp thành chuỗi lễ hội, dài theo tháng ngày-mùa Ning Nơng.
Bạn đã tận mắt thấy những ngày da trời xanh dù chỉ là khoảnh khắc dừng chân làm du khách, làm kẻ lữ hành hay chỉ mường tượng qua không gian văn học nghệ thuật về đất và người Tây Nguyên thì những thanh sắc được mô tả, còn hơn thế nữa cho nhớ nhung thêm dài, trí tưởng tượng bay xa, lãng mạn và yên bình.
NGUYỄN ĐÌNH PHÊ
Nguồn Gia Lai: http://baogialai.com.vn/channel/12383/202207/sac-xanh-mau-troi-5782185/