'Sắc xanh' trong 2 vùng đỏ

Trong bối cảnh này, ai ở TP. Phan Thiết, huyện Hàm Thuận Bắc, 2 vùng đỏ liền kề rộng lớn và cũng là nơi trung tâm lẫn phụ cận kinh tế của tỉnh đều cảm nhận dịch bệnh như đang quây quanh. Nhưng cũng nhận ra hầu như các công ty, doanh nghiệp, cơ sở đã thích ứng dịch bệnh tốt, vẫn kiên trì hoạt động.

New Page 1

Nhịp điệu của bình thường

Mấy ngày qua, hàng loạt công ty ở Khu công nghiệp (KCN) Phan Thiết, KCN Hàm Kiệm II đã gửi văn bản đến UBND huyện Hàm Thuận Bắc đề nghị cho phép công nhân thường trú tại huyện Hàm Thuận Bắc được di chuyển từ 19 giờ ngày hôm trước đến 4 giờ sáng ngày hôm sau để đi làm. Lý do phải tăng ca để bảo đảm các đơn hàng cuối năm. Tùy từng công ty, số lượng công nhân với danh sách cụ thể kèm theo nhiều ít khác nhau. Như tại KCN Phan Thiết có Công ty TNHH Kim Đô đề nghị với số lượng là 272 người đi bằng xe máy; Công ty TNHH Điều Intersnack Việt Nam – Chi nhánh Bình Thuận đăng ký số lượng 80 người được đưa đón bằng xe ô tô và 155 người đi bằng xe máy; Công ty TNHH chế biến thủy hải sản Trans Pacific đề nghị với số lượng 60 người đi bằng xe máy. Còn tại KCN Hàm Kiệm II - Hàm Thuận Nam có Công ty TNHH Du Hưng đăng ký với số lượng 268 người, đưa đón bằng xe ô tô; Công ty TNHH NPL Giày dép Thành Vượng đề nghị cho 426 người đưa đón bằng xe ô tô và 74 người đi bằng xe máy.

Trước đó, vào ngày 5/11, số ca nhiễm Covid-19 trên địa bàn huyện tăng, Hàm Thuận Bắc đã chuyển sang sắc đỏ và mọi hoạt động áp dụng các biệp pháp hành chính phòng chống dịch của cấp độ 4. Cụ thể, có lệnh từ 00 giờ ngày 9/11/2021 người dân trên địa bàn huyện Hàm Thuận Bắc không đi ra khỏi nhà từ 19 giờ ngày hôm trước đến 4 giờ sáng ngày hôm sau. Quy định này khiến không ít công ty có nhiều công nhân thường trú trên địa bàn Hàm Thuận Bắc rơi vào tình cảnh bế tắc, nhất là bây giờ đang trong mùa sản xuất cuối năm phải tăng ca chiều, ca đêm mới kịp hoàn tất các đơn hàng vốn đã bị ảnh hưởng dịch trong mấy tháng qua mà chưa xong. Qua xem xét các đề nghị nêu trên và căn cứ quy định về phòng chống dịch Covid-19, Chủ tịch UBND huyện Hàm Thuận Bắc đã có ý kiến thống nhất danh sách công nhân mà các công ty đề nghị được phép qua các chốt kiểm soát dịch Covid-19 và di chuyển qua các tuyến đường trên địa bàn huyện từ 19 giờ ngày hôm trước đến 4 giờ sáng ngày hôm sau. Theo đó, UBND các xã, thị trấn và các chốt kiểm soát dịch Covid-19, tạo điều kiện cho số công nhân theo danh sách đính kèm được phép di chuyển vào khung giờ trên để đến công ty làm việc. Mặt khác, các công ty có trách nhiệm yêu cầu công nhân, người lao động không được lợi dụng việc cho phép này để phục vụ mục đích khác của cá nhân; đồng thời phải tuân thủ Luật Giao thông đường bộ và chấp hành nghiêm túc các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 theo quy định.

Một số công nhân là người dân Hàm Thuận Bắc làm việc tại Khu công nghiệp Phan Thiết. Ảnh: Ngọc Lân

Lãnh đạo một công ty may có số đông công nhân thường trú tại địa bàn huyện Hàm Thuận Bắc ví von rằng, khi nhận công văn của UBND huyện đồng ý văn bản đề nghị của công ty, đơn vị mừng như vừa ký thêm hợp đồng mới. Thực ra, nếu thời gian cuối năm này mà tiếp tục chậm trễ các đơn hàng của các đối tác thì sự thông cảm của họ về nguyên nhân do tình hình dịch bệnh cũng không còn nữa, do tất cả đã bước vào giai đoạn bình thường mới. Vì vậy, chuyện bị phạt hợp đồng và hơn thế, mất khách hàng, mất thị trường là chắc chắn.

Dựa vào các văn bản đồng ý của UBND huyện Hàm Thuận Bắc ký từ ngày 12/11 đến nay với các doanh nghiệp, cũng có nghĩa vào giờ giới nghiêm ở vùng đỏ này, trên các tuyến đường của huyện, ngoài các trường hợp đặc biệt như cứu thương, cứu hỏa, lực lượng phòng chống dịch… còn có trường hợp đặc biệt khác là công nhân được di chuyển đến nhà máy làm việc và quay về nhà như lâu nay vẫn thế vào cuối năm. Một hình ảnh nói lên nhiều vấn đề của nhịp điệu cuộc sống bình thường mà bây giờ đang trong vùng đỏ bỗng trở nên đặc biệt.

Thách thức của bình thường

Trong khi đó, tại TP. Phan Thiết, địa bàn thuộc vùng đỏ rực trong mấy ngày qua khiến các doanh nghiệp, công ty chọn phương án “3 tại chỗ”, thay vì cho công nhân đi về nhà thực hiện theo ca ngày, ca đêm, cảm nhận sự chắc chắn. “Bây giờ, phường nào trong TP.Phan Thiết cũng chuyển sắc đỏ, cam nên việc cho công nhân đi về nhà, dù giảm nhẹ chi phí so với phương án “3 tại chỗ” nhưng điều đó rất nguy hiểm. Có khả năng sẽ lây nhiễm trong xưởng rất cao, dù có thực hiện giảm 50% lao động theo ca ngày, ca đêm”- Giám đốc 1 công ty chế biến thủy hải sản xuất khẩu tại phường Phú Hài, phường đang giữ sắc đỏ nhiều ngày qua nói thế.

Theo UBND TP.Phan Thiết, sau khi Phan Thiết chuyển sang vùng đỏ và áp dụng các biện pháp hành chính theo cấp độ 4, các công ty, doanh nghiệp, cơ sở đã giảm 50% lao động, thực hiện theo phương án “3 tại chỗ”. Vì vậy, cũng chưa nhận đơn đề nghị của các công ty về tạo điều kiện cho công nhân di chuyển trong khung giờ giới nghiêm ban đêm của thành phố. Đến nay, Phòng Kinh tế thành phố đã xem xét thông qua kết quả thẩm định Kế hoạch phòng chống dịch Covid-19 và các phương án xử trí khi có các trường hợp mắc Covid-19 cùng bản cam kết phòng chống dịch của 51 doanh nghiệp, công ty ở ngoài các KCN.

Còn tại huyện Hàm Thuận Bắc, Phòng Hạ tầng kinh tế cũng đã thẩm định xong các kế hoạch, phương án xử lý trí khi xảy ra các ca mắc Covid trong đơn vị cho 58 công ty, doanh nghiệp, cơ sở ngoài các KCN, chủ yếu là các cơ sở chế biến thanh long trên địa bàn. Ngoài ra, cũng thẩm định xong kế hoạch phòng chống dịch Covid-19 cho 14 đơn vị thi công các công trình, chủ yếu là các công trình đầu tư công có kế hoạch hoàn thành đúng tiến độ. Vì vậy, các đơn vị này thi công xuyên qua dịch bệnh trong điều kiện phủ tiêm chủng và thực hiện 5K.

Trong bối cảnh này, ai ở TP. Phan Thiết, huyện Hàm Thuận Bắc, 2 vùng đỏ liền kề rộng lớn và cũng là nơi trung tâm lẫn phụ cận kinh tế của tỉnh đều cảm nhận dịch bệnh như đang quây quanh. Nhưng cũng nhận ra hầu như các công ty, doanh nghiệp, cơ sở đã thích ứng dịch bệnh tốt, vẫn kiên trì hoạt động. Đó là sắc xanh rất tươi, vì thể hiện rõ sự nỗ lực vượt qua thách thức tại 2 vùng đỏ chỉ để mong đạt được một sự bình thường. Trong mấy ngày gần đây, Hàm Thuận Bắc có ngày không có ca nhiễm, có ngày vài ca, cũng có ngày quá nửa các ca nhiễm nằm trong khu phong tỏa. Từ đây thêm hy vọng mở rộng vùng xanh từ các xã vùng cao hiện giờ của huyện. Đồng thời từ đó thu hẹp vùng đỏ liền kề của TP. Phan Thiết và huyện Hàm Thuận Bắc.

Bích Nghị

Nguồn Bình Thuận: http://baobinhthuan.com.vn/kinh-te/sac-xanh-trong-2-vung-do-143286.html