Sắc xuân quê hương cách mạng
Những ngày xuân về, trên quê hương cách mạng Tân Trào, người người, nhà nhà đi chúc Tết. Không còn ép nhau, chúc nhau uống rượu mà chỉ mời nhau chén nước chè thơm, bánh kẹo, mứt Tết và chúc nhau năm mới ấm no, hạnh phúc, nhưng câu chuyện vẫn cứ rôm rả. Người dân nơi đây cùng bảo nhau vui xuân, đón Tết theo nếp sống văn hóa.
Đường vào làng văn hóa Tân Lập, hoa nở dọc hai bên đường, nhà nào cũng trang hoàng lộng lẫy, khuôn viên gọn gàng, sạch sẽ. Trước Cách mạng tháng Tám năm 1945, Tân Lập là "Trung tâm thủ đô lâm thời khu giải phóng", là nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp ở và làm việc, lãnh đạo cuộc Tổng khởi nghĩa giành thắng lợi.
Đời sống người dân nơi đây đã nhiều đổi thay sau mỗi mùa xuân. Anh Nguyễn Văn Bế, cháu nội của cụ Nguyễn Tiến Sự cho biết, trong những năm qua, anh đã cùng nhân dân trong thôn tích cực xây dựng đời sống văn hóa mới, cần cù lao động, chỉnh trang khuôn viên nhà cửa, đường làng ngõ xóm để Tân Lập luôn là điểm du lịch lịch sử lý tưởng đối với khách tham quan. Gia đình anh đã chuẩn bị lương thực, thực phẩm như thịt gà, thịt lợn, giò, bánh chưng, bánh kẹo... để đón một cái Tết đủ đầy.
Chị Đặng Thị Nga đã gói bánh chưng từ 27 tết để đón các con đi làm ăn xa về nhà đón Tết. Chị Nga và chồng vừa làm công trình xây dựng vừa tăng gia sản xuất. Chị bảo, nghề xây dựng cũng giúp hai vợ chồng chị năm vừa qua mỗi tháng thu nhập trên 30 triệu đồng. Ngoài ra còn thâm canh 8 sào ruộng, nuôi trên 50 con gà. Nhờ chăm chỉ làm ăn, năm vừa qua, anh chị mua được ô tô, đời sống dư dả hơn năm trước.
Ông Trương Văn Trình, Trưởng thôn Tân Lập cho biết, thôn có 183 hộ, năm nay chỉ còn 4 hộ nghèo, hộ khá, giàu chiếm trên 70%. Năm qua, bà con nhân dân trong thôn đã đồng thuận, đoàn kết làm được trên 600 mét công trình điện "Thắp sáng đường quê". Vậy là đến nay, thôn đã phủ kín đường điện. Những năm trước đây, Tân Lập vẫn chưa đạt 100% số hộ dân có 3 công trình hợp vệ sinh, nhưng đến nay đã đạt. Từ trước Tết, Chi đoàn Thanh niên, Chi hội Phụ nữ trong thôn đã lựa chọn những người khỏe khoắn nhất để tham gia lễ hội đua mảng trên sông Phó Đáy và thi đấu bóng chuyền hơi vào ngày mùng 3 Tết. Bí thư chi đoàn Hoàng Văn Lư còn vận động đoàn viên, thanh niên trong thôn chấp hành nghiêm chỉnh quy định không uống rượu, bia khi lái xe.
Thôn Lũng Búng xuân về như khoác thêm tấm áo mới, nhiều ngôi nhà sàn cột bê tông, mái lợp tôn xanh theo kiến trúc hiện đại mọc lên. Chúng tôi tới nhà anh Lê Văn Pha khi anh vừa vào nhà mới không lâu. Pha ấm trà thơm phức, tỏa ra hơi ấm trong tiết trời giá rét, anh bảo: “Mọi năm nhà mình chuẩn bị 10 lít rượu gạo để mời khách đến chơi Tết, nhưng năm nay mình chuẩn bị 2 kg chè khô và nhân trần để tiếp khách rồi. Tết vui mấy cũng không uống rượu khi lái xe đâu”.
Trong ngôi nhà mới, anh Pha bảo, Tết này là cái Tết đầu tiên gia đình anh sum vầy, sung túc nhất. Năm qua, tăng gia sản xuất của gia đình anh cũng khấm khá. Gia đình anh vừa trồng 5 sào chè, 0,7 ha mía, nuôi trâu và gia cầm. Ngoài ra, anh còn làm dịch vụ cho thuê máy tuốt lúa. Tổng kết năm cũng cho thu nhập trên 200 triệu đồng. Có thu nhập khá, anh chị xây nhà mới, sắm sửa bàn ghế, ti vi đón Tết.
Anh Nguyễn Văn Thùy, chủ của mô hình trồng đào mới gây dựng ở Lũng Búng chia sẻ, năm nay là năm thứ 3, trên 300 gốc đào của gia đình anh cho thu nhập khá. Năm nay, đào nở đẹp hơn, rộ hơn nên bán cũng được giá hơn. Mỗi năm, trung bình từ bán đào và cho thuê đào, anh cũng thu về 40 triệu đồng. Theo anh Lý Huy Tiêu, Trưởng thôn Lũng Búng, trong thôn giờ có vài hộ đang đầu tư trồng đào. Đây cũng là một hướng đi mới của thôn, nhằm tăng thu nhập cho người dân.
Rời Tân Lập, Lũng Búng, chúng tôi đi theo con đường bê tông rộng rãi vào thôn Mỏ Ché, nơi có 100% đồng bào Nùng sinh sống. Biết có khách đến nhà, anh Hoàng Văn Hò, Bí thư chi bộ, Trưởng thôn Mỏ Ché, dựng vội chân chống xe trước sân bảo: “Hôm nay mình đi ăn tất niên 4 nhà, nhưng không uống chén rượu nào đâu. Lần đầu tiên đi ăn tết nhà họ hàng mà không uống rượu đấy”. Rồi anh Hò hồ hởi khoe, năm nay, các mục tiêu phát triển kinh tế, văn hóa của thôn đều đạt và vượt kế hoạch. Thôn đã xóa xong nhà tạm, dột nát. Tỷ lệ hộ có mức sống khá giàu chiếm trên 50%. Đường bê tông đã phủ khắp thôn. Mỏ Ché hiện là thôn đang dẫn đầu về chăn nuôi. Tổng đàn lợn trên 1.800 con, đàn gia cầm trên 3.000 con.
Anh Hò hăm hở dẫn chúng tôi đến thăm nhà anh Phùng Văn Thàn, hộ nghèo vừa thoát nghèo năm 2019. Gia đình anh Thàn cũng vừa làm nhà ở mới với sự hỗ trợ của nhà nước và sự nỗ lực của gia đình. Anh Thàn và vợ rất vui khi được hỏi chuyện về chặng đường thoát nghèo. Anh bảo: “Đây là cái Tết mình thấy vui nhất từ trước đến giờ. Gia đình mình được đón Tết trong nhà mới, chăn nuôi cũng phát triển nên việc sắm tết không còn phải lo như trước. Trong năm vừa được nhà nước hỗ trợ tiền làm nhà, vừa được hỗ trợ một con bò sinh sản”. Vợ chồng anh Thàn vừa đi làm thuê vừa tích cực tăng gia sản xuất. Ngoài nuôi bò sinh sản, anh còn nuôi hàng trăm con gà thả vườn. Năm qua, thu nhập của vợ chồng anh cũng ổn định.
Tết ở Tân Trào không chỉ hiện hữu trên những cành đào thắm sắc hoa mà hiện hữu trong chính sự no ấm của mỗi ngôi nhà, trong sự đổi thay vươn lên với no ấm của người dân vùng quê hương cách mạng.