Sắc xuân trên từng trang sách Tết
Cùng với thịt mỡ, dưa hành, cùng với bánh chưng, mứt Tết, trong không khí chào đón năm mới, người Việt xưa nay luôn lưu tâm chú ý đến những món ăn tinh thần. Các chương trình ca nhạc, phim ảnh, lịch, báo Tết luôn được sớm chuẩn bị để phục vụ người dân mỗi dịp đón xuân. Có một món ăn tinh thần tưởng đã chìm vào quên lãng nay được phục hồi, đó là sách Tết.
Một thời vang bóng
Báo Tết và sách Tết có lẽ là “đặc sản” chỉ có ở nước Việt. Quy tụ những cây bút tài hoa, những văn nghệ sĩ đương thời được mến mộ, những giai phẩm xuân đặc sắc phong phú về nội dung, bắt mắt về hình thức luôn là một trong những món ăn tinh thần được nhiều người trông đợi. Nhưng sách Tết không là “món” để “nếm” ngay lập tức, mà là một thứ cho đủ lệ bộ đón xuân. Bởi những ngày giáp Tết bận rộn chuẩn bị, những ngày đầu năm lễ lạt thưởng xuân, đến khi ra Giêng ngày rộng tháng dài, đấy mới là lúc nhẩn nha để nhâm nhi sách Tết.
Lật giở từng trang sách thoang thoảng mùi giấy mực để say sưa với câu chữ, mãn nhãn với minh họa, với nhiều người, đã trở thành một cái thú văn chương tao nhã, giống như thưởng trà, chơi đào, gọt thủy tiên chơi xuân vậy.
Cho đến nay, gốc tích của báo Tết vẫn còn chưa được xác định, còn cuốn sách Tết đầu tiên được giới nghiên cứu, sưu tầm cho rằng thuộc về Tân Dân Thư Quán vào năm 1928. Những cuốn Sách Xem Tết của Tân Dân Thư Quán ngày ấy quy tụ nhiều cây viết có tiếng, đặc biệt ở mảng hài đàm và thơ vui, với mục đích mang lại cho độc giả những câu chuyện, lời thơ nhẹ nhàng, dí dỏm, vui vẻ.
Sau cuốn sách Tết tiên phong ấy, lịch sử xuất bản nước Việt ghi dấu một giai đoạn sách Tết nở rộ khắp trong Nam ngoài Bắc với đủ các ấn phẩm Sách Chơi Xuân, Sách Tết, Thơ Văn Mùa Xuân, Sách Tết vui cười, Sách Tết Nắng Xuân, Sách Tết Đời Nay… Suốt 30 năm dòng sách Tết bền bỉ chào xuân, năm 1958, sau cuốn Sách Xuân của NXB Xây dựng, sách Tết dường như đã hoàn toàn vắng bóng, chỉ còn sách Tết dành cho thiếu nhi của NXB Kim Đồng như Bé Mừng Tết Mới - Xuân Kỷ Hợi 1959.
Cuốn sách Tết cho thiếu nhi của NXB Kim Đồng bấy giờ có sự góp mặt của nhiều nhà văn, họa sĩ nổi tiếng như Tạ Lựu, Nguyễn Bích, Thy Thy Tống Ngọc, Thế Vỵ... Qua mỗi giai đoạn, các ấn phẩm Tết của NXB Kim Đồng mang những tên gọi khác nhau như Tuổi thơ Xuân, Đất nước vào Xuân... với diện mạo mới, phản ánh đặc trưng của từng thời kỳ như xây dựng Hợp tác xã, phong trào thu gom sắt vụn, đúc lưỡi cày làm quà Tết tặng các bác nông dân hay các bạn nhỏ miền Bắc mở cửa reo mừng đón các bạn miền Nam xông nhà...
Sau này, tuy không còn sách Tết theo lối tổ chức thực hiện như trước, nhưng mỗi dịp đón xuân, NXB Kim Đồng vẫn thường giới thiệu những đầu sách mang chủ đề Tết như Cái Tết của mèo con, Chú Tễu kể chuyện Tết, Mí đi xông đất, Tạm biệt chép vàng, Những ngày Tết ta - Những ngày Tết tây, Tết xưa thơ bé, Một cái Tết khác, 10 chú ếch - xuân về xuân về, Lễ Tết quê hương, Nhớ ơi là Tết…
Rộn ràng sách Tết trở lại
60 năm “thất truyền” trên làng sách, năm 2018, Đông A book đánh dấu sự trở lại của sách Tết bằng việc cho ra mắt một Hợp tuyển văn thơ nhạc họa chủ đề mùa xuân và ngày Tết. 280 trang sách tập hợp một đội ngũ viết có tên tuổi cùng các minh họa của các họa sĩ nổi tiếng, cuốn Sách Tết Kỷ Hợi 2019 mang đến một phong vị Tết đầy cuốn hút. Độc giả không chỉ gặp những mùa xuân trên nhiều miền đất nước, thưởng thức vần thơ xuân và phần bình thơ của những thi sĩ nổi tiếng, mà còn được thưởng thức những nốt nhạc xuân rộn ràng của các nhạc sĩ, còn được thấy chất xưa thấm đẫm trong những câu chuyện sử, hay tiếng cười thư giãn ngày xuân qua những câu chuyện vui.
Sự thành công của cuốn Sách Tết Kỷ Hợi 2019 đã mang lại bầu không khí cho thị trường sách Tết năm 2020 với sự tham gia của nhiều đơn vị xuất bản, phát hành sách. Tiếp tục “mạch” của năm trước, cuốn Sách Tết Canh Tý 2020 của Đông A book vẫn là hợp tuyển văn thơ nhạc họa. Sách mở đầu với những trang văn Nhìn người về quê của Hoàng Việt Hằng, Sương xuân và hoa đàm của Kim Ân, Giao thừa của Cao Huy Thuần... được tiếp nối với các bản nhạc, các họa phẩm, các bài thơ mới kèm những bài cảm nhận sâu lắng và độc đáo.
Thương hiệu sách “Sống” phối hợp cho ra mắt ấn phẩm Tết đoàn viên tái hiện không khí Tết xưa và nay ở khắp các vùng miền đất nước cùng những chia sẻ, hoài niệm về Tết của các nhà văn, nhà báo, các nghệ sĩ nổi tiếng.
Theo nhà văn Nguyễn Quang Thiều, “sẽ khó có thể có một cái tên nào khác phù hợp hơn cái tên Tết đoàn viên cho một cuốn sách viết về Tết. Yếu tố quan trọng nhất và cũng là bí mật lớn nhất của Tết là sự đoàn tụ. Mỗi tác giả trong cuốn sách này, bằng một cách riêng nói về những vẻ đẹp khác biệt của Tết. Mỗi bài viết mang đến một phong vị của từng vẻ đẹp của từng vùng, từng thời… làm nên vẻ đẹp của Tết. Những vẻ đẹp ấy hiển hiện trong trời đất, trong cây cỏ hoa lá, trong những ngôi nhà, căn bếp, trong mỗi gương mặt người, trong mỗi giọng nói, trong hương nến trên những ban thờ, trong hương vị của những món ăn truyền thống… Nhưng dòng chảy lớn nhất và thiêng liêng nhất qua những vẻ đẹp ấy là sự đoàn tụ”.
Cuốn sách Tết đoàn viên như là một cỗ máy thời gian đưa người đọc trở về với những vẻ đẹp và sự thiêng liêng của thời khắc chuyển từ năm cũ sang một năm mới, cho người xa được trở về cố hương, cho con người muốn rũ bỏ quá khứ phiền muộn, khổ đau và thất vọng hướng về một tương lai tốt đẹp trong năm mới.
NXB Kim Đồng năm nay cũng trở lại với sách Tết bằng tuyển tập truyện, thơ, bài giới thiệu về âm nhạc, hội họa mang tên Nhâm nhi Tết. Là giai phẩm dành cho trẻ em, Nhâm nhi Tết gồm những câu chuyện mùa xuân ấm áp của Xuân Quỳnh, Trần Hoài Dương, Lý Lan,...; những lời thơ xuân đẹp đẽ của Nguyễn Vĩnh Tiến, Hoài Khánh, Thụy Anh...; những bữa tiệc vui của mứt, “pặc-ti” khoai mì, thạch cá chép; hay những góc khám phá dành cho bạn đọc nhí yêu lịch sử, yêu khoa học, ưa tìm tòi những câu chuyện thú vị. Thay vì lì xì, mừng tuổi bằng “phong bì”, tìm một cuốn sách hay như ấn phẩm Nhâm nhi Tết có lẽ lựa chọn không tồi để tặng cho trẻ nhân dịp đầu năm mới.
Trong khi các kênh giải trí đang nhiều đến mức bão hòa, thì dường như người ta lại đang bắt đầu lắng lại dần để tìm về những khoảnh khắc thư thái. Thưởng thức Tết, giờ đây với nhiều người, không còn ở mâm cao cỗ đầy hay xê dịch khắp vùng này miền khác, mà còn ở những phút giây sống chậm qua từng trang sách. Trở lại cái thú tao nhã đọc sách Tết để hoài nhớ Tết xưa, trân quý Tết nay và lan tỏa những giá trị tinh thần là nét đẹp của sách Tết.