Sách cũ

Tôi không phải là một người yêu sách cũ cho đến một ngày, khi bất chợt gặp một cuốn sách lướt qua mắt, trên dòng thời gian của một trang facebook cá nhân.

"Những món ăn nấu lối Huế " in lần thứ 3 tại Nhà in Liên Hoa của Huế năm 1965. Sách được giới thiệu trên trang ttps://www.sachbaokhang.vn

"Những món ăn nấu lối Huế " in lần thứ 3 tại Nhà in Liên Hoa của Huế năm 1965. Sách được giới thiệu trên trang ttps://www.sachbaokhang.vn

Đó là cuốn “Những món ăn nấu lối Huế” (tập 1) của tác giả Hoàng Thị Kim Cúc, được một người sưu tầm giới thiệu. Sách được in lần thứ 3, vào năm 1965 tại Nhà in Liên Hoa, đường Lam Sơn-Huế, với giá bán 50.000đ.

Qua thời gian, gáy sách không còn nguyên vẹn. Bìa sách cũng đã nhiều chỗ rách, ố vàng. Riêng hình minh họa thật đơn sơ, với 2 con tôm được vẽ rất mộc, có lẽ bằng màu nước. Sách đã cũ nhưng màu đỏ tươi của nét hình tạo nên điểm nhấn bắt mắt, tươi mới như thể không phải đã cách nay gần nửa thế kỷ.

Một phiên bản sách được in tại Nhà sách Khai Trí trước 1975 được giới thiệu trên trang https://www.oreka.vn

Một phiên bản sách được in tại Nhà sách Khai Trí trước 1975 được giới thiệu trên trang https://www.oreka.vn

Một cảm giác thật lạ khi dừng lại trên những trang sách ngả màu thời gian. Tác giả Hoàng Thị Kim Cúc cũng đã là người thiên cổ. Hậu thế cũng mơ hồ về Nhà in Liên Hoa của Huế vào thập niên 60 nhưng một cảm giác thân thuộc, gần gũi gợi lại từ sách cứ xâm lấn, đến lạ.

Thân thuộc bởi cái tên Hoàng Thị Kim Cúc gợi lên quá nhiều điều, về một tiểu thư Huế đầu thế kỷ XX, cũng là một nữ sinh Đồng Khánh. Cô Kim Cúc cũng là giáo viên dạy nữ công gia chánh cho các em học sinh ở ngôi trường nữ duy nhất ở Huế-Trường Đồng Khánh.

Thân thuộc bởi sách hướng dẫn các món ăn nấu theo lối Huế, đủ cả món khô, món nước, món chiên, món kho với các loại dưa, cà, mắm, muối cùng những bài viết về mùa màng của các thứ rau, đậu…Sách không chỉ là một tư liệu dạy nấu ăn mà còn là hành trình khám phá văn hóa ẩm thực với các món ăn như bún bò Huế, bánh bèo, bánh nậm hay cơm hến... Từng trang sách thấy như Huế đang hiển hiện, từ một chữ “lối Huế”, từ lời mở đầu chân phương được tác giả tự biên cùng lời chú: “Vỹ Dạ mùa thu năm Quý Mùi”.

Cũng như tôi, cuốn sách cũ về nữ công gia chánh của Huế nhận được sự quan tâm đặc biệt từ người theo dõi. Ai cũng ước ao, được sở hữu cuốn sách, không chỉ để thực hành nấu các món ăn lối Huế. Qua thời gian, cùng với sự đặc biệt của tên tuổi người con gái thôn Vỹ Kim Cúc phảng phất trong thơ Hàn Mặc Tử, sách đã trở thành một di sản.

Bản sách được in lần thứ 5 tại Nhà sách Khai Trí với dòng chữ "Riêng tặng các em nữ học sinh'' cùng tên viết tắt của tác giả Hoàng Thị Kim Cúc (kc). Ảnh tư liệu

Bản sách được in lần thứ 5 tại Nhà sách Khai Trí với dòng chữ "Riêng tặng các em nữ học sinh'' cùng tên viết tắt của tác giả Hoàng Thị Kim Cúc (kc). Ảnh tư liệu

Tìm hiểu, mới hay, trên không gian mạng, đang hiện hữu không ít địa chỉ chuyên bán những cuốn sách cũ. Ở đó, có thể tìm thấy một phiên bản khác của “Những món ăn nấu lối Huế” được in lần thứ 5 tại Nhà sách Khai Trí (Đại lộ Lê Lợi - Sài Gòn) trước 1975, hay bản in đầu tiên của Nhà xuất bản Tân Dân ở Huế.

Thì ra, sách cũ vẫn đang có đời sống riêng thật thú vị của nó. Vẫn còn nhiều người nặng lòng với vốn xưa, được níu giữ trên trang sách. Có lẽ, giữ sách cũ, yêu sách cũ, sưu tập những cuốn sách cũ cũng là một lối sống chậm, giữa cuộc sống đang trở nên quá nhanh, quá vội, để thấy sách không bao giờ cũ.

Tiểu Muội

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://baothuathienhue.vn/van-hoa-nghe-thuat/sach-cu-148972.html