Sách dạy trẻ tập đếm bằng túi Hermès Birkin gây tranh cãi
Cuốn sách sử dụng tên hoặc sản phẩm của các thương hiệu xa xỉ để dạy trẻ tập đếm, học bảng chữ cái, như 'C là Chanel', 'G là Gucci' hay '1 túi Hermès, 2 túi Prada'.
Là một phần không thể thiếu trong cuộc sống hiện đại, thời trang không đơn thuần là trang phục mà còn là cách để thể hiện tiếng nói cá nhân, khẳng định cá tính và phá vỡ những rào cản xã hội.
Thế giới thời trang luôn xoay vần với nhiều xu hướng mới mẻ, dưới đây, The New York Times giới thiệu 3 câu chuyện cảm hứng về thời trang qua nhiều góc nhìn khác nhau.
Từ cuốn sách Learn the 1-2-3s of High Fashion sử dụng các thương hiệu thời trang cao cấp để dạy trẻ em học số và chữ cái đang gây tranh cãi, đến triển lãm tranh ấn tượng thể hiện các quy tắc bị phá vỡ bởi thời trang cũng như tầm quan trọng của việc thể hiện chính mình.
Dạy trẻ tập đếm số bằng túi Hermès
Monique Forster, tác giả cuốn sách giáo khoa mới xuất bản Learn the 1-2-3s of High Fashion (tạm dịch: Học bảng chữ số 1-2-3 cùng thời trang cao cấp), cùng đồng tác giả là Tilan Rajapakse, đang gây ra tranh cãi với phương pháp dạy trẻ em học số đếm độc đáo.
Bên cạnh quyển tập đọc số còn có cuốn Learn the ABCs of High Fashion (tạm dịch: Học bảng chữ cái ABC cùng thời trang cao cấp).
Những cuốn sách này được thiết kế dành cho trẻ mới biết đi và trẻ mẫu giáo. Tuy nhiên, việc ứng dụng xa xỉ phẩm vào phương pháp học tập dấy lên nghi vấn liệu sự kết hợp này có phù hợp với lứa tuổi trẻ nhỏ?
Các tác giả cho rằng trẻ em có thể học số bằng cách đếm túi Hermès hoặc học bảng chữ cái bằng cách đánh vần "C là Chanel". Mặc dù ý tưởng này có vẻ ngớ ngẩn, nhưng bộ sách lại nhận được nhiều phản hồi tích cực. Nói về sản phẩm của mình, tác giả Rajapakse cho rằng trẻ em sẽ thích thú khi nói "G là Gucci".
Hai cuốn sách dạy học chữ và số có giá lần lượt là 20 USD và 24 USD.
Không chỉ thu hút trẻ em, Forster cho biết thời trang trong những cuốn sách còn gây chú ý với cả người lớn.
"Một số người mua sách về để bàn cà phê. Họ chia sẻ rằng họ không có con nhưng vẫn mua cuốn sách để trang trí", cô nói.
Những "Dandy" trong tranh
Sarah Ball (59 tuổi), họa sĩ chân dung người Anh, mang phong cách ăn mặc giản dị với áo Agnès B. và vest Margaret Howell. Trái ngược với vẻ ngoài của mình, các tác phẩm của bà lại tập trung vào những "dandy", những "kẻ" ăn mặc hào nhoáng, phá vỡ mọi quy tắc.
Triển lãm Tilted đang diễn ra tại Stephen Friedman Gallery (Manhattan, New York) trưng bày loạt chân dung đặc tả người dân vùng Cornwall, quê hương của Ball tại xứ sở sương mù. Họ là những cá nhân khác biệt, đại diện cho những ranh giới đang dần phai mờ giữa phong cách thời trang nam tính, nữ tính, giai cấp và văn hóa.
Qua các tác phẩm nghệ thuật của Ball, có thể thấy Elliot, nhân vật có mái tóc hung đỏ, đeo kính cận và khăn cài cổ bằng ren. Declan lại toát lên vẻ thuần khiết trong chiếc váy trắng của Simone Rocha. Một trong những bức chân dung yêu thích của Ball là Alys, với mái tóc ngắn, má ửng hồng và cổ áo điểm nhọn cổ điển.
Ball chia sẻ rằng ban đầu bà tưởng Alys là đàn ông. Thực chất, Alys là đại diện của một nhóm người thường bị lãng quên, họ là những "dandy" nữ tính, hay còn gọi là "quaintrelle".
Nhà nghiên cứu Elizabeth Wilson, trong một bài báo trên tạp chí Fashion Theory, định nghĩa "dandy" là những người, bất kể giới tính nam hay nữ, đều sở hữu phong thái "coi thường, khiêu khích và thờ ơ với thế giới".
Alys có những tiền bối nổi tiếng, điển hình như Anne Lister, địa chủ và người viết nhật ký thế kỷ 19, người ưa chuộng trang phục cưỡi ngựa màu đen và được biết đến với biệt danh "Quý ông Jack".
Những "dandy" nữ tính đương đại khác bao gồm nữ diễn viên Marlene Dietrich, với sở thích mặc vest trắng và khăn cravat; Tilda Swinton, với mái tóc tém vàng hoe; và Janelle Monaé, người thường diện nơ bướm và mũ phớt.
Triển lãm của Ball như một lời nhắc nhở thời trang là một cách để thể hiện bản thân và phá vỡ những rào cản xã hội. Những "dandy" trong tranh của bà là những người truyền cảm hứng cho xã hội tự tin thể hiện cá tính riêng của mình, bất kể giới tính hay định kiến của xã hội.
Tủ đồ thanh lý của Kelly Wearstler
Kelly Wearstler, nhà thiết kế nội thất nổi tiếng, sở hữu tủ đồ ấn tượng với các thương hiệu cao cấp như Balenciaga, Loewe và Rick Owens. Phong cách của cô gây chú ý bởi sự kết hợp độc đáo tương tự thương hiệu Stetsons, mũ cao bồi, boots cao gót trắng với quần thụng hoặc chân váy dài.
Mới đây, Wearstler quyết định thanh lý một số món đồ trong tủ đồ của mình trên Basic.Space, nền tảng thương mại điện tử chuyên thanh lý sản phẩm lập dị của các nhà thiết kế, nhiếp ảnh gia và chuyên gia làm đẹp.
Danh sách thanh lý của Kelly bao gồm áo bustier tua rua Saint Laurent Rive Gauche (500 USD), áo khoác bomber Givenchy (650 USD), váy hoodie Vetements màu xanh lơ (475 USD) và áo lông Dries Van Noten (800 USD). Cô cũng bán một số món đồ trang trí như đèn và ghế cho những ai yêu thích phong cách nội thất của cô.
Phong cách cá nhân và trang trí của Wearstler trong thời trang hay thiết kế nội thất, đều là sự kết hợp tương phản độc đáo, lấy cảm hứng từ những chuyến du lịch của cô.
Wearstler xem việc thanh lý tủ đồ là cách để chia sẻ gu thẩm mỹ độc đáo của mình với những người đồng điệu về phong cách. Cô tiết lộ sắp tới sẽ có thêm nhiều món đồ cao cấp khác được "dọn dẹp" khỏi tủ đồ.
"Điều kỳ diệu sẽ xuất hiện khi bạn mang thế giới của mình đến những người khác", Wearstler nói.