'Sách đi tìm bạn'

Hiện nay, bên cạnh các thiết bị thông minh cầm tay, máy vi tính… sách giấy vẫn không hề mất đi chỗ đứng, vẫn có những ưu điểm riêng, được nhiều người lựa chọn khi cần bổ sung kiến thức hoặc tìm thông tin.

Thư viện: Thay đổi để phục vụ

Thời gian qua, để thích ứng với nhu cầu của độc giả, thư viện đã tăng cường công tác số hóa, ứng dụng công nghệ thông tin.

Ngoài phục vụ tại chỗ, trên các hạ tầng số, thư viện tỉnh còn tổ chức, phối hợp tổ chức nhiều hoạt động thu hút người đọc, đặc biệt là đối tượng học sinh. Tùy theo đối tượng, thư viện sẽ có những loại sách phù hợp cho mỗi đợt phục vụ. Thư viện còn phối hợp Đoàn Thanh niên tuyên truyền văn hóa đọc đến người dân.

Trong 6 tháng đầu năm, Thư viện đã phục vụ gần 1,8 triệu lượt bạn đọc, đạt gần 90% kế hoạch năm (dự kiến 2 triệu lượt). Trong đó, cổng thông tin thư viện tỉnh chiếm đa số với số lượt phục vụ trên 1,7 triệu lượt; bạn đọc mượn tài liệu tại các phòng trên 2.600 lượt; thư viện phục vụ lưu động trên 13,7 ngàn lượt.

Sách giấy vẫn thu hút nhiều độc giả.

Sách giấy vẫn thu hút nhiều độc giả.

Theo thống kê trên, hiện nay bạn đọc thường truy cập thông tin trên cổng thông tin điện tử của thư viện thay vì mượn, đọc sách giấy như trước đây. Về vấn đề này, bà Phạm Thị Cẩm Nhung- Phó Giám đốc phụ trách Thư viện tỉnh cho biết, người dân thường tra cứu những thông tin cơ bản trên mạng internet cho thuận tiện. Khi cần những thông tin chuyên sâu hơn họ mới đến thư viện để tìm. Thư viện hiện nay chủ yếu phục vụ các đầu sách về thông tin giải trí, khoa học kỹ thuật và sách cho học sinh ôn tập. Sách ở thư viện không thiếu vì được cấp bảo đảm theo quy định. Một năm, thư viện được bổ sung khoảng 10.000 quyển sách.

Thư viện tăng cường tuyên truyền trên các không gian mạng, phối hợp Đài PT-TH tỉnh thực hiện chương trình “Kết nối tri thức” giới thiệu sách để người đọc tiếp cận qua các hình thức tuyên truyền mới.

“Khi bạn đọc không tìm đến thư viện nhiều như trước đây thì thư viện phải có nhiều hoạt động để thu hút bạn đọc. Trước đây để tiếp cận thông tin, người đọc phải đi tìm sách thì hiện nay để tiếp cận bạn đọc, sách phải đi tìm bạn đọc. Tùy thời điểm, chủ đề mà chúng tôi có những hoạt động khác nhau để thu hút bạn đọc”- Phó Giám đốc phụ trách Thư viện tỉnh cho biết thêm.

Thư viện đã có kênh YouTube, Facebook, Zalo để giới thiệu sách và đang chuẩn bị phòng thu nhằm giới thiệu sách qua hình thức đọc, có kèm ảnh, video clip minh họa dễ tiếp cận độc giả và tăng sức thu hút. Thư viện đề ra mục tiêu mỗi tuần sẽ có một quyển sách được giới thiệu theo hình thức này, tuy nhiên, đến nay việc giới thiệu sách vẫn đa phần theo cách truyền thống là viết giới thiệu nội dung.

Gian trưng bày sách của Thư viện tỉnh.

Gian trưng bày sách của Thư viện tỉnh.

Vì vậy, nâng cao nghiệp vụ giới thiệu sách để thu hút độc giả là giải pháp được Thư viện tỉnh hướng đến. Chị Lê Như Huỳnh, 25 tuổi, nhân viên chuyên viết bài giới thiệu sách của thư viện tỉnh cho biết bản thân đã có nhiều thay đổi trong cách viết để dễ tiếp cận hơn với độc giả- từ cách viết giới thiệu đơn giản về tác giả, nội dung, nhà xuất bản sang cách viết ngắn gọn, cô đọng, có thể dùng lời trích dẫn sách để tăng sự hấp dẫn đối với độc giả. Cách thay đổi này đã thu hút được nhiều lượt tương tác từ bạn đọc hơn so với trước. Chị bắt đầu tạo những video clip giới thiệu sách có hình ảnh, giọng đọc đăng tải trên trang Facebook của Thư viện tỉnh. Công việc này phù hợp với người trẻ như chị Huỳnh, nhất là khi chị có lợi thế trong tiếp cận sách, bắt kịp xu hướng để hợp thị hiếu độc giả. Chị Huỳnh mong muốn được phát triển hơn các hạ tầng số, ra nhiều video hơn có clip, hình ảnh scan sách giúp trẻ em có thể dễ dàng tiếp cận.

“Phải tiếp cận sách thì các em mới có đam mê. Khi đó, các em sẽ thích sách và không dành nhiều thời gian cho điện thoại. Tuy nhiên, lứa tuổi này các em chưa biết đọc sách, nên sách nói là phù hợp. Không chỉ trẻ em, độc giả lớn tuổi cũng rất phù hợp với sách nói. Nhưng việc phục vụ sách nói cho bạn đọc hiện nay vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc về vấn đề bản quyền nên Thư viện chưa thực hiện được”- chị Huỳnh cho biết thêm.

Người dân vẫn duy trì thói quen đọc sách

Anh Trần Luân, 47 tuổi, ngụ ấp Tân Lợi, xã Tân Phú, huyện Tân Châu là người yêu thích đọc sách. Anh cho biết có thói quen đọc sách từ nhỏ và duy trì đến hiện tại. Anh thường đọc các loại sách về nông nghiệp, kỹ năng sống để phục vụ công việc, cuộc sống của mình. Anh Luân tiếp cận kiến thức bằng nhiều cách- từ truy cập internet, xem các trang trên nền tảng mạng xã hội và sách giấy. Dẫu vậy, anh vẫn thích đọc sách giấy hơn là đọc các trang trên mạng xã hội. Nhiều năm nay, anh Luân và gia đình là bạn đọc thường xuyên của Thư viện huyện Tân Châu.

Khi có thời gian, anh lại đến thư viện mượn sách cho mình và các con cùng đọc. Theo anh Luân, việc duy trì việc mượn và đọc sách cũng là cách hình thành cho các con thói quen đọc sách từ nhỏ. Bởi vì văn hóa đọc của con được hình thành từ cha mẹ. Thỉnh thoảng, anh cũng mang sách đến tặng lại thư viện.

“Thói quen đọc sách sẽ giúp các con giảm thời gian chơi điện thoại. Nếu cha mẹ không thường xem điện thoại mà đọc sách thì các con cũng học được thói quen đó. Theo tôi, nên khuyến khích các bậc cha mẹ thường xuyên dẫn con đến thư viện đọc sách”- anh Luân nói.

Vi Xuân

Nguồn Tây Ninh: https://baotayninh.vn/sach-di-tim-ban-a174485.html