Nhiều kỳ vọng cho kinh tế số từ chiến lược phát triển hệ thống cáp quang
Việt Nam được đánh giá là khu vực có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất về dịch vụ trung tâm dữ liệu và điện toán đám mây. Do đó, việc phát triển trung tâm dữ liệu và cáp quang biển phải luôn song hành với nhau nhằm thúc đẩy nền kinh tế số phát triển bền vững. Chiến lược phát triển hệ thống cáp quang quốc tế của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2035 mới được phê duyệt đang tạo nên kỳ vọng lớn cho lĩnh vực này sau nhiều năm trồi sụt vì sự cố hạ tầng.
Cáp quang biển ít nhưng sự cố nhiều
Vừa qua, 3 trong tổng số 5 tuyến cáp quang biển nối Việt Nam đi quốc tế đang gặp sự cố. Trong đó chỉ có tuyến cáp biển Liên Á (IA) là có dung lượng kết nối quốc tế nhỏ. Còn 2 tuyến khác là APG và AAE-1 chiếm dung lượng kết nối quốc tế khoảng 70% tổng dung lượng kết nối bằng cáp quang biển. Điều này đã làm ảnh hưởng đáng kể đến tốc độ mạng internet của người dùng tại Việt Nam.
Trong các năm gần đây, việc các tuyến cáp quang biển gặp sự cố do đứt hay mất kết nối xảy ra thường xuyên hơn. Theo thống kê của các doanh nghiệp, trung bình mỗi năm xảy ra 15 sự cố cáp quang biển, với thời gian sửa chữa trước năm 2022 là khoảng từ 1 – 2 tháng/sự cố, và giai đoạn sau năm 2022 là từ 1 – 3 tháng mỗi sự cố. Đứt cáp quang biển đã trở thành nỗi ám ảnh với nhiều người dùng và doanh nghiệp.
Hiện người dùng dịch vụ internet trong nước truy cập dịch vụ của các nhà cung cấp dịch vụ internet có máy chủ đặt tại nước ngoài sẽ chậm hơn so với đầu tháng 6. Không chỉ cá nhân và doanh nghiệp kinh doanh nhỏ lẻ qua mạng bị ảnh hưởng, một số doanh nghiệp lớn cũng ghi nhận thiệt hại vì sự cố mạng mấy ngày qua.
Khi các tuyến cáp gặp sự cố, các nhà cung cấp dịch vụ internet thường chuyển bớt lưu lượng kết nối quốc tế sang các tuyến cáp đất liền. Song, thực tế việc bổ trợ kết nối quốc tế chỉ hỗ trợ được phần nào. Bởi do đặc điểm địa lý nhiều bờ biển nên có tới 80-90% kết nối quốc tế của Việt Nam là thông qua cáp quang biển.
Chính vì vậy việc đầu tư thêm các tuyến cáp quang biển mới là cần thiết bởi vừa tăng tính dự phòng cho các tuyến cáp quang biển hiện có, vừa đáp ứng nhu cầu kết nối quốc tế ngày càng tăng của người dùng internet, doanh nghiệp.
Trao đổi với KTSG Online, ông Nguyễn Văn Khoa, tổng giám đốc tập đoàn FPT cho hay, thông thường để sử dụng lưu lượng kết nối trên 1 tuyến cáp quang biển, các doanh nghiệp như FPT, Viettel, VNPT… phải tham gia đầu tư cùng các doanh nghiệp khác trong nước và quốc tế. Bởi vì cáp quang biển đi qua nhiều nước khác nhau nên phải chờ có dự án cáp mới có thể tham gia đầu tư.
Thêm nữa, hiện để đầu tư vào một tuyến cáp có khi doanh nghiệp phải có khoản tiền tới vài chục triệu đô la Mỹ (đầu tư nhiều thì được sử dụng nhiều dung lượng). Do đây là khoản tiền lớn nên các doanh nghiệp phải xoay xở, “liệu cơm gắp mắm” chứ không dễ mà có tiền để đầu tư nhiều được. Chính vì vậy, thường một vài năm các doanh nghiệp Việt mới có thể tham gia đầu tư vào một tuyến cáp quang biển mới.
Nhiều kỳ vọng từ chiến lược phát triển mới phê duyệt
“Chiến lược phát triển hệ thống cáp quang quốc tế của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2035” vừa được Bộ Thông tin và Truyền thông phê duyệt đang tạo kỳ vọng thúc đẩy nền kinh tế số phát triển bền vững. Bản chiến lược này xác định, cáp quang quốc tế của Việt Nam là thành phần quan trọng của hạ tầng số phải được đầu tư trước nhằm hiện thực hóa mục tiêu trở thành trung tâm dữ liệu khu vực (Digital Hub).
Theo chiến lược nêu trên, đến năm 2030, Việt Nam cần nâng tổng số cáp quang biển lên tối thiểu 15 tuyến với tổng dung lượng đạt tối thiểu 334 Tbps. Trong đó, cần có ít nhất 2 tuyến cáp quang trên biển do Việt Nam làm chủ đi vào hoạt động. Trong đó ưu tiên các tuyến cáp ngắn kết nối trực tiếp tới các Digital Hub lớn trong khu vực Châu Á.
Theo lộ trình, đến năm 2027, Việt Nam sẽ triển khai và đưa vào hoạt động thêm 4 tuyến cáp quang biển mới. Trong đó sẽ có tối thiểu 1 tuyến cáp quang biển do Việt Nam làm chủ. Sẽ có tối thiểu 1 tuyến cáp quang đất liền quốc tế được triển khai và đưa vào sử dụng.
Với giai đoạn từ năm 2028 đến 2030, có thêm tối thiểu 6 tuyến cáp quang biển mới, bao gồm 1 tuyến do Việt Nam làm chủ, được triển khai và đưa vào sử dụng, nâng tổng dung lượng thiết kế cáp quang trên biển của Việt Nam đạt tối thiểu 350 Tbps.
Theo Cục Viễn thông, bên cạnh 2 tuyến cáp đất liền kết nối tới Hong Kong (Trung Quốc) và Singapore có tổng dung lượng 5 Tbps, Việt Nam hiện có các tuyến cáp quang biển quốc tế với tổng dung lượng đang sử dụng hơn 20 Tbps, tổng dung lượng khả dụng 34 Tbps.
Bình luận về chiến lược trên khi trao đổi với KTSG Online, Vũ Thế Bình Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hiệp hội Internet Việt Nam nhận định, một số mục tiêu của chiến lược phát triển hệ thống cáp quang quốc tế giúp Việt Nam tự chủ hơn trong kết nối Internet đến các hub khu vực.
Theo ông Bình, kết nối Internet giờ đây trở thành một thành phần thiết yếu trong khi phần lớn nội dung và ứng dụng được đặt ở các Digital Hub trong khu vực. Nên hệ thống cáp quang quốc tế trong đó có cáp quang biển, có vai trò rất quan trọng để đảm bảo hoạt động kinh tế xã hội, cũng như an ninh quốc phòng.
“Hệ thống cáp quang biển có các đặc điểm riêng và chiếm tỉ trọng lớn trong dung lượng khả dụng kết nối Internet đi quốc tế của Việt Nam nên có vai trò quan trọng đối với chuyển đổi số, kinh tế số. Hệ thống cáp quang biển quốc tế có vai trò như các mạch máu chính của mạng Internet Việt Nam,” ông Bình nói.
Vị đại diện Hiệp hội Internet Việt Nam còn cho rằng đầu tư cho hạ tầng cáp quang kết nối quốc tế là đầu tư tốn kém và lâu dài, thời gian thu hồi vốn lâu. Vì thế, nếu chỉ là chuyện của từng doanh nghiệp thì rất khó mà đạt được tiến độ như chiến lược kỳ vọng. Việc có chiến lược về hệ thống cáp quang quốc tế của Việt Nam là rất tích cực.
Song các cơ quan quản lý nên tiếp tục định kỳ rà soát, đồng bộ chiến lược này với những chiến lược khác. Ví dụ như các chiến lược liên quan đến trung tâm dữ liệu, đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, sự dịch chuyển dữ liệu từ khu vực về Việt Nam cũng như phát triển 5G, thúc đẩy chuyển đổi số trong nước, hệ thống kết nối trong nước…
“Hệ thống kết nối cáp quang quốc tế là ở mức hạ tầng, nếu xây dựng xong mà không có dữ liệu và ứng dụng chạy trên đó thì cũng giống như đường cao tốc xây xong mà không có xe chạy, ảnh hưởng đến hiệu quả kinh tế. Còn nếu xây không kịp đà phát triển thì sẽ lỡ mất cơ hội” ông Bình nhấn mạnh.
Cùng chung quan điểm, ông Hoàng Văn Ngọc, Giám đốc Viettel IDC cho biết, dịch vụ trung tâm dữ liệu đang có sự dịch chuyển từ thị trường sơ cấp (các nước phát triển) về các thị trường thứ cấp (các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam) và dự báo sẽ có sự tăng trưởng bùng nổ.
Việt Nam được đánh giá là một thị trường tiềm năng, nhưng lại luôn đi sau các nước. Về quy mô thị trường, Việt Nam chỉ bằng 1/15 Singapore, 1/5 Indonesia và Malaysia. Trong các năm 2020-2023, dịch vụ trung tâm dữ liệu tại các nước Indonesia, Malaysia tăng trưởng 6 lần, Việt Nam chỉ tăng 1,5 lần.
“Việt Nam có các động lực để phát triển thị trường này (giá nhân lực rẻ, chi phí xây dựng rẻ hơn, quy mô dân số đông…) nhưng lại có một số rào cản. Trong đó có rào cản là kết nối cáp quang biển vừa thiếu, vừa không ổn định khiến dịch vụ trung tâm dữ liệu của Việt Nam chưa bùng nổ như kỳ vọng,” ông Ngọc nói.
Do đó, các chuyên gia kì vọng việc có chiến lược cáp quang quốc tế sẽ góp phần thúc đẩy dịch vụ trung tâm dữ liệu, góp phần phát triển kinh tế số cho Việt Nam.