Sách doanh nhân: 'Quên' trích nguồn bị cho là đạo văn

Theo TS. Phạm Huy Thông - Phó viện trưởng Viện Trí Việt, việc trích dẫn và trích nguồn tham khảo trong sách nói chung và dòng sách doanh nhân nói riêng không chỉ là cách gầy dựng lòng tin với độc giả, thể hiện sự chính trực, minh bạch mà còn để tránh rủi ro pháp lý.

Vấn đề trích dẫn, trích nguồn tài liệu tham khảo không chỉ được những nhà nghiên cứu, học giả quan tâm mà còn được các tác giả sách lưu ý.

Là một tác giả mới, ông Nguyễn Quốc Trung - CEO Công ty CP Đồ nghề tự chọn, cho rằng, việc trích dẫn và trích nguồn là yếu tố rất quan trọng trong việc viết sách. Bởi nó không chỉ thể hiện sự tôn trọng đối với công sức và trí tuệ của tác giả khác mà còn giúp độc giả dễ dàng kiểm chứng và tìm hiểu về nguồn thông tin liên quan.

Theo ông Trung, cần ghi chép cẩn thận nguồn tài liệu tham khảo ngay từ trước khi bắt đầu viết sách và trong lúc viết sách. Bởi nếu trích dẫn đúng sẽ đem lại lợi ích rất tốt, nhưng trích dẫn sai thì có thể có hậu quả nặng nề. Trong trường hợp không chắc chắn nguồn cụ thể của ai, thì có thể viết lại trích dẫn đó theo một dạng khơi gợi hoặc đã từng nghe. Tuyệt đối không được sao chép hoàn toàn mà không ghi nguồn. Cũng nên kiểm tra từng nguồn tài liệu tham khảo và có thể sử dụng internet để xem thông tin có đúng hay không. Nhưng chú ý là thể có những trường hợp các trang đều đăng sai một nội dung, nếu không tinh ý sẽ không phát hiện ra.

“Tôi sẽ xác định từ khóa và chủ đề liên quan đến sách trước, sau đó nhờ các thành viên trong đội nhóm cùng kiểm tra và đánh giá xem nguồn tài liệu ấy có phù hợp hay không”, ông Trung chia sẻ.

Chia sẻ thêm về việc tham khảo, trích dẫn đúng nguồn trong sách doanh nhân, nhà sáng lập Đồ nghề tự chọn cho rằng, trong công việc kinh doanh, việc chính xác, minh bạch vô cùng quan trọng, trích dẫn đúng nguồn, tôn trọng chất xám của người khác cũng là tôn trọng bản thân, người đọc cũng tin tưởng về những phân tích, nghiên cứu mà người viết, nhất là doanh nhân đưa ra dựa trên cơ sở khoa học và thực tiễn thương trường.

“Trong cuốn sách tôi xuất bản đầu tháng 8/2024, trong phần đề cập xu hướng marketing có 4 xu hướng chính là KOL (người có sức ảnh hưởng đến một cộng đồng nhất định), livestream, video ngắn, trí tuệ nhân tạo (AI), tôi cập nhật từ các nguồn chính thống như advertising vietnam, Brandsvietnam và một số báo lớn. Hay khi viết về cạm bẫy trong marketing thì tôi trích dẫn từ một vài tờ báo lớn và nhất là sách của Philip Kotler - “ông tổ” của tiếp thị hiện đại. Một số cuốn nổi bật như Tiếp thị phá cách, Quản trị marketing… là nguồn tham khảo quý”, ông Trung nói thêm.

Không chỉ là nguồn tài liệu tham khảo hay cách để tôn trọng bản quyền tác giả, TS. Phạm Huy Thông cho rằng, trong nghiên cứu, khi tham khảo nguồn từ người khác, việc trích dẫn, trích nguồn là bắt buộc. Đó cũng chính là sự chính trực, minh bạch trong nghiên cứu và đảm bảo quyền lợi của chính tác giả gốc.

Một số trường hợp “quên” trích nguồn sẽ bị cho là đạo văn. Trong các luận văn thạc sĩ, tiến sĩ, khi phát hiện trích từ nhiều nguồn mà không khi xuất xứ, rất có thể bị hủy kết quả.

Theo TS. Phạm Huy Thông, việc không trích dẫn đúng nguồn có thể dẫn đến các vấn đề pháp lý liên quan đến vi phạm bản quyền. Trong môi trường kinh doanh hiện nay, việc tuân thủ quy định về bản quyền là cực kỳ quan trọng để tránh tranh chấp không đáng có.

Với dòng sách doanh nhân, ông Thông cho biết, đã đọc nhiều sách do doanh nhân viết, nhưng doanh nhân không phải là người nghiên cứu khoa học, họ giàu kinh nghiệm thương trường nên gần như viết và chia sẻ hành trình của mình. Tuy vậy họ cũng tham khảo các dòng sách và ý tưởng đã có để làm dày thêm độ sâu của tác phẩm. Với đặc thù của dòng sách do doanh nhân viết và viết cho doanh nhân thì việc đảm bảo trích dẫn đúng, đủ càng quan trọng vì phần lớn độc giả đều là daonh nhân ham học hỏi.

Hiện nay, cách trích dẫn đối với tài liệu tham khảo là họ tên tác giả, tên sách, nhà xuất bản, năm xuất bản sách. Quy định về việc trích dẫn tài liệu tham khảo là bài báo, tài liệu trên trang thông tin điện tử hay tài liệu đăng trên tạp chí khoa học, kỷ yếu hội thảo trong và ngoài nước cũng có mẫu chung.

Việc sách nói chung và dòng sách doanh nhân có trích dẫn nguồn rõ ràng nói riêng không chỉ xây dựng sự tin cậy nơi độc giả mà còn góp phần hỗ trợ sự phát triển của ngành xuất bản.

Thanh Thủy

Nguồn DNSG: https://doanhnhansaigon.vn/sach-doanh-nhan-quen-trich-nguon-bi-cho-la-dao-van-312944.html