Sách dỏm do AI viết
Nếu cần mua sách hướng dẫn du lịch, hãy cẩn thận khi vào Amazon tìm sách để mua, vì theo tường thuật của New York Times mấy tháng gần đây trên nền tảng này đầy rẫy các cuốn do trí tuệ nhân tạo (AI) viết, nhiều sai sót, nội dung biên soạn cẩu thả. Chúng dễ lừa người mua vì đi kèm sách là các nhận xét đánh giá 5 sao, nhiều lời khen có cánh; người viết được quảng cáo toàn là chuyên gia du lịch nổi tiếng nhưng thật ra là người ảo do AI tạo dựng nên.
Tờ New York Times dùng câu chuyện của Amy Kolsky để dẫn nhập: vào tháng 3 khi cô lên kế hoạch đi du lịch ở Pháp, Amy vào Amazon.com, gõ các từ khóa “travel, guidebook, France” tìm sách hướng dẫn du lịch. Ngoài sách của các hãng uy tín như Lonely Planet, cô thấy trong kết quả tìm kiếm có cuốn France Travel Guide được đánh giá cao, tác giả là Mike Steves, theo trang giới thiệu của Amazon là một tác giả du lịch nổi tiếng. Cô lập tức bị hút vào cuốn này vì có rất nhiều nhận xét của người mua trước đó khen hết lời, đánh giá 5 sao. Giá sách lại phải chăng, chỉ 16,99 đô la Mỹ so với các cuốn của những nhà xuất bản tên tuổi, giá ít nhất là 25 đô la. Cô quyết định đặt mua bản bìa mềm.
Khi sách được giao, Amy thất vọng mạnh vì chất lượng sách quá tệ, miêu tả chung chung, lời văn lặp đi lặp lại và thiếu đủ thứ. “Như thể người viết lên mạng, sao chép một mớ thông tin từ Wikipedia rồi dán nó thành sách” – cô than. Cô trả sách đòi hoàn tiền và để lại đánh giá 1 sao. Amy không biết chứ thật ra cô là nạn nhân của một dạng lừa đảo mới: nhiều nơi dùng AI biên soạn các sách hướng dẫn du lịch chất lượng kém rồi tự xuất bản và bán sách trên nền tảng Amazon.
Đây là nơi hội tụ nhiều công cụ hiện đại giúp lừa độc giả, từ các ứng dụng AI có thể viết sách, kể cả đẻ ra hình ảnh, nền tảng tự xuất bản của Amazon bị nhiều cá nhân lợi dụng để tung ra sách kém chất lượng và nhất là cách thức đẻ ra các lời nhận xét sản phẩm giả mạo, đánh lừa người mua.
Thử gõ Paris Travel Guide 2023 sẽ ra hàng loạt sách hướng dẫn du lịch có tít như thế. Nhiều cuốn viết sai ngữ pháp ngay ở phần giới thiệu. Có cuốn không hề có dòng nào về tác giả hay nhà xuất bản. Có cuốn toàn là chữ, không hề có tấm ảnh hay bức bản đồ nào. Cùng tên một tác giả có thể là cả chục cuốn hướng dẫn du lịch ở các địa điểm thường được tìm kiếm nhiều nhất.
Tác giả bài viết trên New York Times thử đi sâu vào cuốn Amy lỡ mua và phát hiện ngay chính trang giới thiệu tác giả đã có nhiều điểm bất thường; ảnh tác giả có nhiều dấu hiệu cho thấy đây là ảnh do AI tạo ra chứ không phải người thật. Các nhận xét chỉ gồm hai loại: 5 sao và 1 sao; tức 5 sao do người giả vào nhận xét và 1 sao do những người cả tin, lỡ mua và thất vọng như Amy.
Thử đưa 35 đoạn trong cuốn France Travel Guide qua phần mềm phát hiện văn do AI viết của hãng Originality.ai thì thấy cả 35 đoạn văn đều do AI viết. Originality.ai chấm điểm từ 0-100, trong đó điểm càng cao khả năng do AI viết càng rõ; cả 35 đoạn đều được chấm 100 điểm. Phần mềm này được hãng Originality.ai đánh giá là phát hiện chính xác đến 99% các trường hợp dùng AI làm công cụ viết lách.
Tác giả đã cất công thử chấm 64 cuốn hướng dẫn du lịch bị nghi ngờ khác và kết quả không làm ai ngạc nhiên. Trong 190 đoạn văn được đưa qua phần mềm, đến 166 đoạn văn đạt 100 điểm, tức chắc chắn do AI đẻ ra; chỉ có 12 đoạn đạt điểm dưới 75. Thử lấy các đoạn văn trong các cuốn sách hướng dẫn du lịch quen thuộc từ các tác giả tên tuổi, tất cả đều được chấm dưới 10 điểm, tức có thể khẳng định chúng không phải do AI tạo ra.
Amazon có chính sách cấm các nhận xét giả mạo nhưng cũng không thể nào ngăn chặn chúng, xóa chỗ này chúng sẽ xuất hiện ở chỗ khác. Năm 2022 Amazon cho biết đã chặn 200 triệu nhận xét giả mạo và sau khi bài báo trên New York Times được xuất bản, nhiều nhận xét 5 sao đi kèm với các cuốn sách hướng dẫn chất lượng kém đã bị xóa.
Tuy nhiên, ở đây Amazon có một khe hở lớn: người dùng có thể đánh giá 5 sao cho một cuốn sách mà không cần thêm lời nhận xét nào. Chẳng hạn Amazon đã xóa 217 nhận xét bị nghi ngờ là giả tạo với cuốn “Spain Travel Guide 2023”, nhưng cuốn này vẫn được đánh giá 4,4 sao là nhờ các nhận xét chỉ cho sao mà không kèm theo bình luận.
Cuối cùng Amy Kolsky mua một cuốn hướng dẫn du lịch của một tác giả nổi tiếng để được yên tâm. Chính tệ nạn dùng AI làm sách dỏm có thể sẽ giết chết lĩnh vực tự xuất bản của những người dù chưa nổi tiếng nhưng có đam mê viết sách dựa trên trải nghiệm thật. Họ không thể cạnh tranh lại với con sâu AI đang làm rầu cả nồi canh viết sách du lịch.
Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/sach-dom-do-ai-viet/