Sách giáo dục giả, hệ lụy thật

Thời gian qua, hoạt động sản xuất, tàng trữ và tiêu thụ xuất bản phẩm làm giả, làm nhái nói chung và sách giáo dục bị làm giả nói riêng, đã và đang là vấn đề nhức nhối, tồn tại trong thời gian dài nhưng vẫn chưa được ngăn chặn và xử lý hiệu quả. Thậm chí, tình trạng này gần đây còn có xu hướng ngày càng gia tăng cả về phạm vi và quy mô, tiềm ẩn nhiều hệ lụy nguy hại.

NDĐT – Thời gian qua, hoạt động sản xuất, tàng trữ và tiêu thụ xuất bản phẩm làm giả, làm nhái nói chung và sách giáo dục bị làm giả nói riêng, đã và đang là vấn đề nhức nhối, tồn tại trong thời gian dài nhưng vẫn chưa được ngăn chặn và xử lý hiệu quả. Thậm chí, tình trạng này gần đây còn có xu hướng ngày càng gia tăng cả về phạm vi và quy mô, tiềm ẩn nhiều hệ lụy nguy hại.

Sản xuất, tiêu thụ sách giáo dục giả diễn biến phức tạp

Trên thực tế, hoạt động in lậu, in nhái, tàng trữ và tiêu thụ xuất bản phẩm in lậu, in nhái đã và đang là vấn đề nhức nhối, trong thời gian dài nhưng vẫn chưa được ngăn chặn và xử lý hiệu quả. Cho đến thời gần đây, tình trạng này có xu hướng ngày càng gia tăng cả về phạm vi và quy mô. Đáng báo động là trong số những xuất bản phẩm bị làm giả, làm nhái có cả xuất bản phẩm phục vụ dạy và học trong nhà trường phổ thông như sách giáo khoa, sách bổ trợ, các loại sách tham khảo, bản đồ – tranh ảnh giáo dục, đĩa CD nghe nhìn giáo dục… (xuất bản phẩm giáo dục).

Với sản lượng chiếm tới hơn 70% sản lượng ngành xuất bản, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam là đơn vị xuất bản phần lớn xuất bản phẩm giáo dục hiện nay, và cũng chính xuất bản phẩm giáo dục của đơn vị này bị in và tiêu thụ lậu đứng đầu về số lượng, về địa bàn và cả mức độ công khai. Theo thống kê của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, tính từ năm 2010 đến giữa năm 2019, đã phát hiện hơn 500 nghìn bản sách, hơn 100 nghìn đĩa CD và gần 8.000 kg bán thành phẩm sách giáo dục bị in lậu, tàng trữ để tiêu thụ lậu tại nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước.

Trong đó, sách giáo dục bị làm giả, đưa đi tiêu thụ phần lớn là sách tiếng Anh, sách bổ trợ, sách khai thác bản quyền từ nước ngoài, bản đồ giáo dục, át-lát địa lý, đĩa CD nghe nhìn giáo dục. Ngoài ra, các bản sách điện tử (ebooks) của sách giáo khoa (SGK), sách tiếng Anh... cũng bị phát tán trên mạng internet tràn lan, với đủ các định dạng, các phiên bản, nguồn gốc khác nhau.

Các xuất bản phẩm giáo dục giả, lậu này thậm chí còn được bán công khai tại nhiều cửa hàng, nhà sách lớn nhỏ ở khắp các địa bàn ở các tỉnh, thành phố trong cả nước, cá biệt còn có trường hợp được bán trong các cơ sở giáo dục – đào tạo, bán vào các nhà trường.

Chỉ riêng nửa đầu năm 2019, tại Hà Nội, các đơn vị chức năng đã phát hiện một kho sách lậu, đĩa lậu lớn của ông Phí Công Được tại xã Dương Liễu, Hoài Đức; phát hiện kho sách dạy tiếng Nhật tại đường Trần Bình, với vỏ bọc bên ngoài là quán cà phê. Cùng thời gian này, tại Bình Định, các đơn vị chức năng cũng đã phát hiện và tạm giữ 72.602 cuốn sách có dấu hiệu in lậu, trong đó có sách tiếng Anh, Tin học, các loại sách Tiểu học, THCS, THPT.

Chính vì vậy, kể từ năm học 2020-2021, khi Việt Nam chính thức triển khai sử dụng nhiều bộ sách giáo khoa trong giảng dạy và học tập, thì tình trạng sản xuất và tiêu thụ sách giả càng trở thành mối lo lắng lớn của những nhà xuất bản, đặc biệt là Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam.

Sách giáo dục giả dẫn đến nhiều nguy hại

Theo ông Lê Thành Anh, Phó Tổng Giám đốc Nhà xuất bản (NXB) Giáo dục Việt Nam, trước tình trạng quyền và lợi ích hợp pháp bị xâm phạm nghiêm trọng như vậy nhưng những gì NXB Giáo dục Việt Nam có thể làm chỉ là cố gắng ở mức cao nhất để truyền thông, tạo chuyển biến về nhận thức trong xã hội, đồng thời tham gia, phối hợp với các đơn vị chức năng để xử lý.

Ông Lê Thành Anh cho rằng việc sử dụng sách giáo dục giả sẽ dẫn đến nhiều hệ quả nguy hại. Trước hết, việc sản xuất và tiêu thụ sách giả nói chung và sách giáo dục giả nói riêng là hành vi xâm hại trực tiếp tới quyền và lợi ích hợp pháp của tác giả, của các đơn vị xuất bản, làm ảnh hưởng tới hiệu quả sản xuất – kinh doanh, gây thất thu cho ngân sách nhà nước.

Đặc biệt, việc sử dụng sách giáo dục làm giả, làm nhái không bảo đảm về nội dung chắc chắn sẽ gây ảnh hưởng trực tiếp tới chất lượng dạy và học của giáo viên, học sinh. Cụ thể, sách giáo dục giả có sai sót về màu sắc, ký hiệu, nét chữ, kiến thức, bị thiếu dữ liệu hoặc không cập nhật thông tin… sẽ dẫn đến sai lệch về nội dung kiến thức tiếp nhận của học sinh, là điều đáng lo ngại nhất.

Sách giáo dục giả có chất lượng giấy in thấp, in bị mờ không bảo đảm quy cách tiêu chuẩn kỹ thuật sẽ gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe thể chất của học sinh, đặc biệt là ảnh hưởng tới thị lực.

Trong trường hợp sử dụng sách giáo dục giả, học sinh sẽ không thể truy cập trang dữ liệu online và không sử dụng được các giá trị, tư liệu, tiện ích bổ sung, hỗ trợ cho học sinh trong học tập. Điều này cũng gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến kết quả học tập, rèn luyện tiếp thu kiến thức của học sinh.

“Bên cạnh đó, việc sử dụng xuất bản phẩm giáo dục giả, vi phạm pháp luật ngay trong nhà trường, nơi hằng ngày đào tạo thế hệ trẻ, thế hệ tương lai của đất nước sẽ ảnh hưởng xấu đến nhận thức, đến ý thức chấp hành kỷ cương, pháp luật của thế hệ này về lâu dài. Chưa kể đến các sản phẩm bản đồ, sách lịch sử bị làm giả, cập nhật kiến thức không chuẩn sẽ còn ảnh hưởng tới công tác giáo dục học sinh về lịch sử dân tộc, về chủ quyền lãnh thổ quốc gia” – ông Lê Thành Anh nêu quan điểm.

Ông Lê Thành Anh cho biết, một trong những mảng sách giáo dục của NXB bị làm giả nhiều nhất là sách tiếng Anh và các thứ tiếng, điều này gây bức xúc cho các đối tác nước ngoài của NXB và họ thường phản hồi qua kênh Đại sứ quán, và việc này cũng sẽ ảnh hưởng tới hình ảnh và uy tín của Việt Nam với các nước bạn.

“Bên cạnh các giải pháp như tuyên truyền hay truyền thông thì họ cũng đang mong chờ là chúng ta có sự vào cuộc mạnh mẽ hơn để giải quyết tình trạng này” – ông Lê Thành Anh thông tin thêm.

NHÓM PHÓNG VIÊN

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/giaoduc/tin-tuc/item/44999502-sach-giao-duc-gia-he-luy-that.html