Sách giáo khoa – Không chỉ là sự lãng phí...!
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa ký quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo đối với Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH MTV Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đã vi phạm chính sách, pháp luật của Nhà nước trong chỉ đạo Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam tổ chức thực hiện sản xuất, kinh doanh, biên soạn, in ấn, kê khai, phát hành sách giáo khoa mới.
Ai là phụ huynh cũng biết, từ năm học 2020-2021 giá sách giáo khoa lớp 1 đã cao hơn bộ cũ từ 3 đến 4 lần. Năm nay, giá sách giáo khoa lớp 3, 7, 10 (các lớp học theo chương trình mới) cao hơn 2 đến 3 lần. Lý do đưa ra giải thích giá sách giáo khoa tăng là do chi phí tổ chức bản thảo, chi phí vật tư và chi phí tiếp thị... đều tăng. Trong khi đó, dư luận thật bất ngờ khi Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam công bố báo cáo kết quả kinh doanh trong năm 2021, họ đã in hơn 164 triệu quyển, vượt 40% so với kế hoạch. Tổng doanh thu đạt 1.828 tỷ đồng, trong đó trên 97% đến từ hoạt động phát hành sách. Lãi sau thuế là 287 tỷ đồng, cao gấp 250% so với kế hoạch được giao.
Không phải từ một, hai năm nay, mà trước đó cả chục năm, ai là giáo viên, phụ huynh đều thấy học sinh tiểu học “được” dùng những quyển vở in sẵn để giải bài tập, bổ sung câu cú, dữ liệu... Loại sách này có trang hầu như là giấy trắng, nhà xuất bản chỉ “đầu tư” in mấy chục con chữ rồi... (chấm, chấm) dành cho học sinh viết. Mà có khi trò chẳng viết, có viết cũng chỉ vài chữ... rồi vứt. Lãng phí vô cùng!
Ai cũng thấy theo Chương trình giáo dục phổ thông mới và Luật Giáo dục 2019, Bộ Giáo dục và Đào tạo triển khai “một chương trình, nhiều bộ sách”. Đây là hướng đi đúng, để đa dạng hóa cách tiếp cận, mời gọi nhiều nhà khoa học, nhà giáo cùng viết sách, khuyến khích giáo viên chủ động tìm tòi, sáng tạo trong dạy học. Từ năm 2020 việc thay sách là đương nhiên, theo lộ trình, đến năm 2025, việc thay sách sẽ hoàn thành.
Nhưng vấn đề đáng bàn ở chỗ, không phải là “nhiều bộ sách” mà là cách chọn sách, dùng sách. Các địa phương dựa vào danh mục sách (5 bộ) mà Bộ Giáo dục và Đào tạo đã phê duyệt, căn cứ vào tình hình địa phương để “tự chọn”. Rồi đến mỗi trường học lại thành lập hội đồng, mỗi môn chọn một đầu sách... Có khi các sách được chọn không bắt buộc thuộc cùng một bộ. Thế là sách giáo khoa được dịp “nhảy múa”, mỗi trường lại căn cứ vào địa bàn mà chọn cho mình những sách khác nhau. Lại có địa phương năm nay dùng loại sách này, sang năm dùng loại sách khác. Thế là sách chỉ dùng một năm, không tái sử dụng được. Còn chưa nói tới lãng phí ở các loại sách tham khảo, sách bài tập mà phụ huynh được gợi ý “nên mua”!
Về tiêu chuẩn sách giáo khoa, xin được nhắc lại những tính chất hầu như được thế giới khẳng định là: Tính mẫu mực; tính khoa học; tính ổn định, cập nhật; tính kế thừa. Chỉ xin nói thêm là không chỉ kế thừa tinh hoa các sách giáo khoa thời trước đó mà còn bảo đảm tính kế thừa ở người học, bởi không chỉ học ở trường, còn học ở nhà, ở mọi nơi, mọi lúc nên dựa vào sách giáo khoa cha mẹ có thể dạy con, anh chị có thể dạy em... Nhưng nay sách giáo khoa mỗi trường mỗi khác, chưa nói tới chuyện “dạy” cho nhau, ngay việc học khác trường là khó “dạy” nhau. Rồi chuyển trường, tất yếu phải thay sách... Không chỉ là lãng phí tiền của mà còn là lãng phí tri thức!
Thời trước, sách giáo khoa của bố còn dành được cho con. Mở quyển sách đứa con tự hào nhớ về người cha để tiếp bước. Mà nay...
Lãng phí là đáng trách. Đáng sợ hơn là để mất niềm tin!
Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/cung-ban-luan/sach-giao-khoa-khong-chi-la-su-lang-phi-699187