Sách giáo khoa mới: Vẫn chưa có để chọn
Chỉ còn chưa đầy 5 tháng nữa, học kỳ II của năm học 2019-2020 sẽ kết thúc. Trong khi đến nay sách giáo khoa (SGK) lớp 1 cho năm học 2020-2021 vẫn chưa có; Dự thảo Thông tư hướng dẫn việc lựa chọn SGK trong cơ sở giáo dục phổ thông (GDPT) vẫn đang lấy ý kiến đến hết ngày 30/1/2020 mới xong.
Chỉ có hơn 1 tháng để chọn sách
Liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Xuân Thành- Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học (Bộ GDĐT) cho biết, Dự thảo Thông tư hướng dẫn việc lựa chọn SGK trong cơ sở GDPT đang được công bố công khai để lấy ý kiến góp ý đến hết ngày 30/1/2020. Bộ GDĐT sẽ tổng hợp các ý kiến đóng góp, nghiên cứu, bổ sung, hoàn thiện các nội dung để sớm ban hành thông tư chính thức. Từ thời điểm thực hiện Thông tư đến khi chốt phương án chọn SGK lớp 1 vào cuối tháng 3/2020, các nhà trường sẽ có khoảng hơn một tháng để thực hiện việc lựa chọn SGK, do vậy, việc tổ chức nghiên cứu, dạy thử, học thử không gặp khó khăn và hoàn toàn có thể bảo đảm tiến độ.
Thực tế cho thấy, thông thường khoảng tháng 4 hằng năm, NXB Giáo dục đã chuẩn bị kế hoạch để in SGK kịp phát hành cho năm học mới. Từ nay đến năm học 2020-2021, thời gian quá gấp gáp. Cùng với đó, SGK tiếng Anh đến thời điểm này cũng vẫn chưa được Bộ GDÐT công bố. Bên cạnh đó, các trường học, giáo viên, phụ huynh và học sinh đều chưa tiếp cận được SGK để nghiên cứu, lựa chọn. Ngoài ra, mỗi trường tiểu học lựa chọn SGK khác nhau sẽ khiến học sinh gặp khó khăn nếu vì lý do nào đó học sinh phải chuyển trường. Hay một gia đình có hai con học ở hai trường khác nhau đồng nghĩa với việc có thể học hai SGK khác nhau, dẫn đến phụ huynh rất khó theo dõi, nắm bắt quá trình học tập của con. Vì vậy, việc chậm trễ trong ban hành, phát hành SGK mới đang gây ra nhiều khó khăn cho các trường và giáo viên, phụ huynh, học sinh. Dù lạc quan đến mấy, cũng không ai dám khẳng định chắc chắn trong vòng hơn 1 tháng có thể làm tốt việc lựa chọn 1 trong 5 bộ SGK.
Còn nhiều lúng túng
Tại Hội nghị trực tuyến giới thiệu SGK lớp 1 do Sở GDĐT Hà Nội tổ chức mới đây, nhiều cán bộ quản lý tại các cơ sở đã nêu lên loạt khó khăn trong việc tiếp cận các bộ SGK mới. Ông Nguyễn Xuân Khang- Hiệu trưởng Trường Marie Curie lo lắng, với thời gian quá gấp, nếu giáo viên không sớm được tiếp cận đầy đủ 5 bộ SGK thì sẽ gây ra những bất cập nhất định. Thậm chí, tại Dự thảo Thông tư nói trên, việc chọn sách có cả thành phần phụ huynh học sinh, đây là những người không giảng dạy, không đủ chuyên môn để tham gia lựa chọn, và cộng với việc thời gian quá ngắn, chắc chắn sẽ tạo ra những trở ngại trong quá trình chọn sách phù hợp địa phương, cơ sở giáo dục.
Tại Hội nghị này, ông Phạm Xuân Tiến- Phó Giám đốc Sở GDĐT Hà Nội cho biết, Sở cũng đã trao đổi với các NXB và bày tỏ muốn để các giáo viên được tiếp cận sớm với SGK. Song do sách chưa có giá nên chưa thể bán trên thị trường, nên các NXB chỉ tặng một số lượng nhất định cho các phòng GDĐT để các giáo viên tiếp cận nghiên cứu. Ông Tiến cũng cho hay, NXB Giáo dục thông tin sẵn sàng cung cấp SGK với hình thức “bán chịu” cho các trường để tăng thời gian cho các thầy cô nghiên cứu - khi nào SGK “chốt” giá, NXB này sẽ thu tiền sau.
Tuy vậy, nhiều địa phương không đồng tình với phương án “mua chịu” bởi nếu không được thẩm định sẽ rất lãng phí. Ông Ngô Văn Chức- Phó Trưởng phòng GDĐT huyện Sóc Sơn (Hà Nội) đề nghị các NXB cần giới thiệu toàn bộ các bản mẫu SGK lên trang website chính thức của đơn vị xuất bản đó, để bất cứ ai cũng có thể đọc, tìm hiểu và nghiên cứu SGK đã được phê duyệt, thay vì phải chờ đợi định giá và có sách bán trên thị trường mới mua được.
Trước đề xuất này, ông Phạm Xuân Tiến cho biết: Sở GDĐT Hà Nội sẽ có ý kiến với các NXB để làm sao đưa tất cả các bộ SGK lên website để các thầy cô có thể tham khảo trước. Tuy vậy, ông Tiến khẳng định dù SGK có hay, có phù hợp đến đâu, vai trò người giáo viên vẫn là quan trọng nhất.
Ghi nhận từ ý kiến giáo viên, nhiều thày cô bày tỏ mong muốn Bộ GDÐT cần sớm hoàn thiện Thông tư hướng dẫn lựa chọn SGK. Ðối với các NXB cần có giải pháp vừa bảo đảm được bản quyền nhưng cũng có thể công bố SGK lên mạng để tạo điều kiện thuận lợi cho việc nghiên cứu lựa chọn sách phù hợp. Tránh tình trạng khi năm học mới cận kề, các trường, giáo viên và phụ huynh, học sinh vẫn chưa được tiếp cận đầy đủ các bộ sách, nhưng vẫn phải lựa chọn theo kiểu “chuyện đã rồi”…