Sách giáo khoa nào cũng hướng tới một đích đến

Mấy hôm trước, chị Nguyễn Hồng Nhung đã qua nhà để nói chuyện với tôi về việc hai bộ sách giáo khoa (SGK) lớp 2 của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam tự dưng 'biến mất'.

Chị chia sẻ, theo thông tin chị đọc trên một số báo, năm 2021, thay vì có 4 bộ SGK mới như năm 2020, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam chỉ biên soạn 2 bộ cho lớp 2. Thông tin này khiến chị Nhung không khỏi băn khoăn, lo lắng. Cô con gái của chị đang học lớp 1 tại Trường Tiểu học Thái Hòa, Ba Vì, Hà Nội sẽ học tập thế nào khi bộ sách "Vì sự bình đẳng và dân chủ trong giáo dục" mà cháu đang học và bộ sách "Cùng học để phát triển năng lực" vắng bóng trong danh mục các bộ SGK lớp 2 được phê duyệt để lựa chọn năm nay.

“Nếu năm nay thay bộ sách khác, không biết có tính thống nhất, tính kế thừa không và nó ảnh hưởng như thế nào đến việc học tập của các con...”, chị Nhung thở dài nói.

Tôi hiểu mong muốn chính đáng của các bậc phụ huynh là SGK phải là sản phẩm có chất lượng, ổn định, lâu dài. Về mặt tâm lý, không ai muốn lớp 1 con học bộ SGK này, lớp 2 lại học bộ SGK khác. Tuy nhiên, tôi được biết, một trong những điểm mới quan trọng của lần đổi mới chương trình, SGK lần này là lấy chương trình làm "pháp lệnh", SGK chỉ là tài liệu tham khảo quan trọng. Do đó, một chương trình chung thống nhất, nhưng có thể có một số SGK cho một môn học. Năm lớp 1, Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt 5 bộ SGK. Đến năm nay, danh mục SGK lớp 2, lớp 6 được phê duyệt ít hơn, chỉ còn 3 bộ.

Các bộ SGK khác nhau, nhưng đều được xây dựng dựa trên chương trình và theo chuẩn đầu ra của chương trình. Nghĩa là, dù học theo bộ sách nào thì cũng chỉ có một đích đến. Nếu giáo viên thấm nhuần điều này, thì dạy SGK (đã được phê duyệt) nào cũng không thành vấn đề. Sở dĩ còn nhiều băn khoăn, không chỉ riêng phụ huynh mà còn ở một bộ phận giáo viên, vì tư duy SGK là "pháp lệnh" vẫn còn "ăn sâu bám rễ" ở họ. Do đó, việc giáo viên phụ thuộc quá nhiều vào SGK vẫn diễn ra. Đã phụ thuộc vào SGK thì ít nhiều sẽ có lúng túng khi chuyển sang dạy theo một bộ sách mới. Vậy nên, điều quan trọng nhất vẫn là sự thay đổi tư duy, nhận thức của giáo viên.

Hơn nữa, việc phê duyệt và công bố các bộ SGK này đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo thông tin từ cách đây hơn một tháng. Nay sự việc bỗng “nóng” lên khiến dư luận không khỏi hoang mang. Để giải thích rõ, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đã lên tiếng khẳng định lại, việc hợp nhất bộ SGK “Kết nối tri thức với cuộc sống” và bộ “Cùng học để phát triển năng lực”, bộ SGK “Chân trời sáng tạo” được hợp nhất từ bộ “Chân trời sáng tạo” và bộ “Vì sự bình đẳng và dân chủ trong giáo dục” nhằm tập trung tối đa nguồn lực trí tuệ của đội ngũ tác giả; giảm chi phí để có được các bộ SGK có chất lượng hơn về nội dung, hình thức, hợp lý về giá thành. Việc hợp nhất này, cũng như việc lựa chọn SGK hoàn toàn không làm ảnh hưởng đến việc dạy và học của giáo viên và học sinh, bởi mỗi cuốn SGK đều bám sát và cụ thể hóa các yêu cầu, nội dung dạy học được quy định trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Sau khi nghe tôi phân tích, chị Nhung như trút được gánh nặng. Chị tin rằng với những bộ SGK được phê duyệt, giáo viên được tập huấn bài bản cùng với sự chủ động, sáng tạo trong quá trình dạy học, thì dù lựa chọn bộ SGK nào, học sinh vẫn đạt được chuẩn đầu ra của chương trình.

KHÁNH HÀ

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/van-hoa-giao-duc/giao-duc/sach-giao-khoa-nao-cung-huong-toi-mot-dich-den-654123