Sách giáo khoa: Sớm bình ổn giá để hỗ trợ người học
Vừa qua, tại phiên thảo luận ở Quốc hội về phát triển kinh tế xã hội, các đại biểu (ĐB) cho rằng Bộ GDĐT chưa thực hiện đúng vai trò thanh tra, kiểm tra và chấn chỉnh những hiện tượng lệch lạc trong việc lựa chọn sách giáo khoa (SGK).
Cụ thể việc đổi mới chương trình SGK phổ thông sẽ được triển khai trên toàn quốc chỉ sau kỳ họp này 2 tháng. Vì vậy, đánh giá việc thực hiện Nghị quyết số 88 năm 2014 và Nghị quyết số 51 năm 2017 của Quốc hội về đổi mới Chương trình GDPT và SGK phổ thông là một vấn đề trọng yếu cần được Quốc hội xem xét.
Theo phân tích của các ĐB: Sau gần 6 năm thực hiện Nghị quyết 88, gần 3 năm thực hiện Nghị quyết 51 của Quốc hội, Bộ GDĐT đã ban hành được chương trình GDPT mới, cơ bản đáp ứng được yêu cầu của các nghị quyết. Cùng với đó, thành công bước đầu trong việc thực hiện xã hội hóa việc biên soạn SGK là hiện nay đã có 5 bộ SGK lớp 1 các môn học và có 7 SGK các môn tự chọn và đã được phê duyệt theo quy định, quy trình, Thông tư của Bộ GDĐT và được Hội đồng thẩm định quốc gia thẩm định, tạo điều kiện cho các cơ sở giáo dục chủ động hơn trong việc lựa chọn SGK để thực hiện triển khai trong năm học 2020-2021.
Dẫu thế, bên cạnh những kết quả đạt được, việc triển khai thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về vấn đề SGK còn nhiều hạn chế. Cụ thể, Nghị quyết 88 trao quyền cho các cơ sở GDPT lựa chọn SGK; Bộ GDĐT đã ban hành Thông tư số 01 năm 2020 hướng dẫn thực hiện quy định này. Nhưng theo phản ánh của cử tri ngành giáo dục, trên thực chất ở nhiều địa phương quyền lựa chọn sách giáo khoa của cơ sở GDPT không được tôn trọng. Dư luận cũng băn khoăn, phản ánh một số hiện tượng chạy chọt cửa sau. Như vậy, Bộ GDĐT chưa thực hiện đúng vai trò thanh tra, kiểm tra và chấn chỉnh những hiện tượng lệch lạc này.
Từ thực tiễn quản tại địa phương, các ĐB cũng đề nghị Bộ GDĐT cần phải tăng cường các biện pháp để bảo đảm chất lượng, thông qua Hội đồng thẩm định về nguồn lực, về nhân lực để thẩm định SGK có chất lượng một cách công khai, minh bạch.
Một số ĐB cho rằng Bộ GDĐT nên xây dựng và tính đến cơ chế về giá, vì hiện nay theo chương trình SGK mới thì giá sách giáo khoa sẽ do NXB định giá và báo cáo về Bộ Tài chính. Bộ GDĐT cũng như Chính phủ cần có biện pháp để quản lý tốt hơn, làm sao cho tất cả các em học sinh đều có thể có cơ hội được tiếp cận với bộ SGK tốt nhất.
Trước đó, ngày 11/6, Bộ GDĐT cho biết đã yêu cầu các NXB rà soát phương án giá SGK để tiết giảm tối đa chi phí sản xuất, tiếp tục giảm giá sách để hỗ trợ người tiêu dùng, đồng thời đánh giá tác động đến chỉ số CPI báo cáo về Bộ Tài chính và Bộ GDĐT trước ngày 20/6. Theo Luật giá 2012 và các văn bản hướng dẫn, SGK thuộc mặt hàng kê khai giá với Bộ Tài chính, đồng thời cũng thuộc nhóm vật tư giáo dục thiết yếu của học sinh, ảnh hưởng đến an sinh xã hội. Vì vậy, Bộ GDĐT đã kiến nghị đưa SGK vào danh mục hàng hóa do Nhà nước định giá tối đa.
Để hỗ trợ học sinh có hoàn cảnh khó khăn, Bộ GDĐT sẽ chỉ đạo các NXB tặng SGK cho con gia đình chính sách, gia đình thương binh liệt sĩ. Bộ sẽ phối hợp đầu tư xây dựng tủ sách dùng chung, mua SGK cũ tặng cho thư viện các trường học thuộc địa bàn khó khăn để học sinh có đầy đủ sách đến trường. Trong công văn hướng dẫn thực hiện bồi dưỡng giáo viên và cung ứng SGK lớp 1 năm học 2020-2021 mới đây, Bộ GDĐT yêu cầu các Sở GDĐTphối hợp với nhà xuất bản và đơn vị liên quan cung ứng sách giáo khoa đảm bảo đủ số lượng, chất lượng đến tay phụ huynh, học sinh trước 15/8.
Tại phiên thảo luận vừa qua, các ĐB đề nghị Bộ GDĐT cần tăng cường vai trò quản lý nhà nước của mình để tránh các hiện tượng tiêu cực trong việc lựa chọn SGK; cần xem xét việc kê giá SGK hàng năm của các NXB để bảo đảm giá cả hợp lý. Tăng cường vai trò quản lý, điều tiết của nhà nước chính là điều kiện để việc xã hội hóa biên soạn, xuất bản SGK phát triển đúng hướng.