Sạch hơn nhờ suy nghĩ mới hơn
Trước năm 2019, đồng bào Dao ở Khe O ra xã, ra huyện; hay cán bộ lên công tác tại Khe O về… đều có thể phát hiện ra ngay, bởi mùi hôi nồng nặc của phân trâu; bởi xe cộ, giày dép đều dính phân trâu. Vậy nhưng, với sự vào cuộc đồng bộ của các cấp, các ngành ở huyện Bình Liêu - Khe O nay đã khác!
Từ trung tâm xã Lục Hồn (huyện Bình Liêu, tỉnh Quảng Ninh), đi thêm chừng 8km nữa là tới thôn Khe O. Đang mùa thu hoạch lúa nên nhà nào nhà nấy hối hả với việc tuốt lúa, phơi thóc. Một vài hộ đang tranh thủ xây nhà nhân dịp thời tiết nắng ráo.
Dẫn tôi đi theo con đường thôn trải bê tông phẳng phiu, trưởng thôn Choỏng Quay Sinh cho hay, trước đây đường trong thôn Khe O rất vòng vèo, nhỏ hẹp và gồ ghề. Đi xe máy còn chật vật. “Chỗ đoạn ta đang đi đây, trước phân trâu bò ngập ngụa, đến trâu bò lội qua còn khó, chứ người không đi được đâu” – anh Sinh lắc đầu ngao ngán.
Được biết cả thôn Khe O có 36 hộ đồng bào Dao Thanh Y thì có tới hơn 20 hộ chăn nuôi trâu, bò. Trước đây, bà con đều làm chuồng trâu, bò gần nhà, thậm chí ngay cửa nhà để tiện trông nom, chăm sóc. Thường thì 1 - 2 tuần, thậm chí 2 - 3 tháng bà con mới dọn chuồng, nên trâu bò gần như quanh năm sống trong bể phân. Hễ trời mưa to là phân từ các chuồng nuôi chảy tràn lan khắp nơi. Hàng ngày, khi bà con dong trâu, bò đi chăn thả, phân trâu bò theo đó vương vãi khắp thôn. Có thời gian dài, Khe O là nỗi hãi hùng với cán bộ phải lên đây công tác…
Năm 2018, triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM), Khe O được xã Lục Hồn, huyện Bình Liêu xác định là một trong những “điểm nóng” cần tập trung thay đổi – đặc biệt là vấn đề di dời chuồng trại ra xa nhà dân. Thực hiện mục tiêu này, các cấp, các ngành, các đoàn thể cùng tập trung cán bộ, nguồn lực để làm sạch Khe O. Trong đó, đóng vai trò tích cực nhất là cán bộ, chiến sĩ Lâm trường 156 (Đoàn kinh tế Quốc phòng 327). Không chỉ cử cán bộ lên cùng ăn, cùng ở, tuyên truyền, hướng dẫn bà con nếp sống vệ sinh sạch sẽ; các cán bộ, chiến sĩ Lâm trường 156 còn trực tiếp bắt tay xây dựng Khu chuồng trâu - bò tập trung cho Khe O từ nguồn vốn xây dựng nông thôn mới và nguồn vốn kêu gọi được nhờ hoạt động xã hội hóa. Mỗi chuồng đều có ngăn chứa phân riêng, vừa vệ sinh vừa giúp bà con có thể thu gom phân để bán.
Từ 1, 2 hộ ban đầu, đến nay 20 chuồng nhốt trâu bò ở Khu chuồng trâu - bò tập trung đều đã có chủ. Sau những e ngại ban đầu, nhiều hộ bắt đầu nhận ra những lợi ích cho sức khỏe, môi trường khi trâu, bò không còn ở cạnh người.
“Ban đầu tuyên truyền, vận động bà con rất khó vì nhiều hộ lo để trâu, bò ở xa dễ bị mất cắp; sợ mùa đông không tiện đun nước, nấu cháo chăm sóc trâu. Để bà con bớt lo lắng, gia đình tôi và các đảng viên tự nguyện chuyển trâu, bò đến khu chuồng trâu - bò tập trung đầu tiên. Đồng thời, thường xuyên đi cùng chi hội đoàn thể, mặt trận, cán bộ, đảng viên đến từng nhà để vận động. Cùng với đó, phân công cho 5 đảng viên trong thôn, mỗi người phụ trách một số hộ. Gặp người dân ở đâu, tôi cũng tranh thủ trao đổi: “Người ta cũng là dân tộc như mình, thôn bản người ta sạch hết rồi, sao mình bẩn thế!” – trưởng thôn Choỏng Quay Sinh nhớ lại.
Với sự phối hợp quyết liệt của các cấp, các ngành ở xã Lục Hồn, huyện Bình Liêu và Lâm trường 156, tháng 9/2019, hộ có trâu, bò cuối cùng đã về nhốt trâu bò tại khu tập trung – tạo nên những đổi thay kỳ diệu cho Khe O trong hành trình xây dựng nông thôn mới.
Đứng trên dốc cao, nhìn xuống chân dốc – nơi có Khu chuồng trâu - bò tập trung thấp thoáng bên đồi thông – thấy vui lây với niềm vui của đồng bào Dao ở Khe O. Không chỉ giúp làm sạch môi trường, Khu chuồng trâu - bò tập trung là minh chứng cho thấy, mọi hủ tục đều có thể đổi thay khi có được một cách làm đúng.
Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/sach-hon-nho-suy-nghi-moi-hon-131531.html