Sách nói đã đủ tiềm lực để trỗi dậy?
Thị trường rộng lớn, công nghệ hiện đại, nhu cầu của người dùng ngày càng tăng là yếu tố giúp sách nói có xu hướng vượt trội cả sách điện tử và sách in truyền thống.
Sách nói đang là phân khúc phát triển mạnh mẽ nhất ngành xuất bản và được định giá đến 15 tỷ USD vào năm 2027. Điều này cho thấy sách nói có những động lực thúc đẩy phù hợp để tìm đến đúng vị thế trên thị trường.
Tờ Deloitte khẳng định: "Im lặng có thể là vàng, nhưng nó không phải điều mà chúng ta cần khi khi đang lái xe, làm việc nhà hoặc tập thể dục. Sách nói sẽ trở thành điều thiết yếu trong cuộc sống".
"Lắng nghe là cách đọc sách mới nhất"
Con người đã trải qua một chặng đường dài thay đổi thói quen, phương thức đọc sách, từ việc mượn ở các thư viện truyền thống, cầm những quyển sách trên tay, chuyển đổi sang sách điện tử và giờ thậm chí chỉ cần có tai nghe cùng smartphone là có thể đọc mọi nơi, mọi lúc.
"Sách nói là những tấm vé thuận tiện, dễ dàng đến với thế giới khác. Chúng cho phép tôi làm được nhiều việc hơn trong ngày mà không bị kiệt sức", Mara Leighton phóng viên của Business Insider bình luận.
Chưa kể, việc ngồi trước màn hình máy tính cả ngày là vấn đề của nhiều người và là một trong những lý do khiến họ từ chối đọc sách. Thế nhưng, sách nói mang đến giải pháp hoàn hảo giải quyết câu chuyện này.
Theo khảo sát vào năm 2019 của Pew Research Center, cứ 5 người Mỹ, một người sử dụng sách nói. Thống kê của trang này cũng chỉ ra người tiêu dùng tiêu thụ nhiều sách hơn mỗi năm khi họ sử dụng sách nói.
Chất lượng âm thanh tốt, nội dung đặc sắc kết hợp với giọng nói hấp dẫn của người nổi tiếng đã khiến sách nói ngày càng gần gũi với cuộc sống. Sự tiện dụng đã khiến định dạng này lên ngôi.
Tiến bộ công nghệ cũng giúp rút ngắn thời gian thực hiện và giảm chi phí sản xuất sách nói. Điều này thuận lợi cho các nhà xuất bản phát triển các thư viện lưu trữ khổng lồ, đáp ứng được nhanh chóng và đa dạng nhu cầu của khách hàng.
Sách nói trước kia là bạn của người lớn tuổi khi đôi mắt đã không còn tốt để duy trì thói quen đọc. Nhưng hiện tại, xu hướng người dùng sách nói đang trẻ hóa đáng ngạc nhiên.
Thống kê từ Report&Data, người nghe sách nói nhiều nhất tại Mỹ nằm trong khoảng độ tuổi 25-34, chiếm 26%.
"Đây là bước phát triển quan trọng cho sự tăng trưởng bền vững của sách nói. Người trẻ duy trì được thói quen này lâu dài sẽ tạo ảnh hưởng lên các thế hệ tiếp theo", tờ Deloitte nhận xét.
Sự cạnh tranh ngày càng gia tăng
Sách nói không chỉ cạnh tranh với sách điện tử hay sách truyền thống. Tính năng vượt trội và sự hấp dẫn giúp nó cạnh tranh với podcast, âm nhạc giải trí, YouTube và cả các dịch vụ trực tuyến.
Nhờ sự phổ biến, tiện lợi của công nghệ khi tất cả được tích hợp trên chiếc smartphone, sách nói sẽ phải tối ưu hóa để có thể trực tiếp đối đầu với loạt ứng dụng khác.
Chưa kể, sách nói sẽ không còn là sân chơi riêng của 5 "ông lớn" ngành xuất bản (Penguin Random House, Hachette Book Group, HarperCollins, Simon & Schuster và Macmillan Publishers) mà còn là cuộc chiến giành thị phần cùng những "gã khổng lồ" như Amazon's Audible, Apple hay Google.
Việc xuất hiện của các công ty công nghệ sẽ giúp nâng tầm các trải nghiệm sách nói. Lượng tiền lớn đổ vào sản xuất sẽ cho ra sản phẩm được đầu tư công phu, hấp dẫn hơn. Thậm chí, nhiều tác phẩm không chỉ được tường thuật lại mà gần như là cả "show diễn" bằng âm thanh.
Chưa kể, chiếc bánh thị phần chia ra càng nhỏ thì sự độc quyền sẽ giảm thiểu. Người sử dụng sách nói sẽ có thêm lựa chọn, ở nhiều phân khúc, giá cả cũng sẽ được giữ ở mức ổn định.
Sự cạnh tranh này sẽ mang đến nhiều lợi ích cho khách hàng. Song, các nhà sản xuất nhỏ hay tác giả độc lập sẽ phải đối mặt nhiều khó khăn hơn khi tiếp cận người dùng.
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/sach-noi-da-du-tiem-luc-de-troi-day-post1223752.html